"Giờ đây chúng tôi đã nhận được giấy phép cho những chiếc F-16 đầu tiên, chúng sẽ sớm được chuyển giao", Ngoại trưởng Veldkamp ngày 6/7 nói trong cuộc họp báo ở thủ đô Ukraine.
Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết hay nêu cụ thể thời điểm chuyển giao chiếc đầu tiên trong 24 chiếc F-16 mà Hà Lan đã hứa cung cấp cho Ukraine.
Ukraine hy vọng những chiếc tiêm kích do Mỹ sản xuất này sẽ giúp họ giành được ưu thế trên không trước Nga và bảo vệ quân đội cũng như các thành phố tốt hơn trước những cuộc tập kích hàng ngày của Moskva.
Veldkamp là thành viên của liên minh cầm quyền mới, trong đó đảng cực hữu Vì Tự do (PVV) là đảng lớn nhất. Cùng tới Ukraine với ông trong chuyến thăm lần này còn có Bộ trưởng Quốc phòng Ruben Brekelmans.
Tân thủ tướng Hà Lan Dick Schoof đã nhậm chức vào tuần trước. Chính phủ mới của Hà Lan tái khẳng định lập trường ủng hộ Ukraine.
"Thông điệp của tôi gửi tới tất cả các quan chức trong chính phủ Ukraine là Hà Lan đứng về phía Ukraine và sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt chính trị, quân sự, tài chính cũng như tinh thần", Ngoại trưởng Veldkamp cho hay.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng lập trường ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine 'vững như bàn thạch'. Hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine là không thể nghi ngờ", Bộ trưởng Brekelmans tuyên bố khi ông đứng ở trung tâm Kiev, gần một cuộc triển lãm ngoài trời các thiết bị quân sự Nga mà Ukraine đã tịch thu.
Kiev kêu gọi đồng minh cung cấp F-16 ngay sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022. Phi công Ukraine đã trải qua nhiều tháng huấn luyện ở các quốc gia NATO để chuẩn bị cho những chuyến bay sắp tới.
Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi tháng 5 cho biết Ukraine cần khoảng 130 tiêm kích do Mỹ sản xuất để có thể đạt được thế cân bằng về sức mạnh trên không với Nga. Tuy nhiên, phương Tây mới chỉ cam kết cung cấp chưa đầy 100 chiếc.
Nga tuyên bố lực lượng của họ sẽ nhắm mục tiêu vào bất kỳ khí tài quân sự nào của phương Tây, trong đó có cả tiêm kích F-16, nếu chúng được chuyển tới Ukraine.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP)