Ba năm sau khi Donald Trump rời Nhà Trắng, ông xuất bản một cuốn sách ảnh về nhiệm kỳ đầu tiên của mình, trong đó có cảnh ông gặp Mark Zuckerberg tại Phòng Bầu dục, kèm theo thông điệp cảnh báo.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ, và nếu lần này Mark Zuckerberg làm bất cứ điều gì bất hợp pháp, ông ấy sẽ phải ngồi tù suốt quãng đời còn lại", ông Trump viết trong chú thích ảnh, cáo buộc nhà sáng lập Meta đã chỉ đạo Facebook chống lại ông trong chiến dịch tái tranh cử tổng thống năm 2020.
Sau khi ông Trump đắc cử, Zuckerberg đã có những động thái dường như nhằm thu hút chú ý từ ông. CEO của Meta bổ nhiệm một cựu quan chức chính quyền George W. Bush làm người đứng đầu chính sách toàn cầu của mình và đưa Dana White, người bạn thân lâu năm với ông Trump, vào ban giám đốc công ty.
Quyết định gây tranh cãi nhiều nhất của Zuckerberg là việc loại bỏ quy tắc kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội, vốn được áp dụng nhiều năm qua. Các cuộc bầu cử gần đây ở Mỹ "giống như một bước ngoặt văn hóa", Zuckerberg nói trong một video thông báo về thay đổi chính sách kiểm chứng thông tin.
Từ Meta, McDonald's và đến Phố Wall, các ông chủ doanh nghiệp Mỹ không chờ đến lễ nhậm chức ngày 20/1 để bắt đầu tìm cách thích nghi với những quan điểm được ưa chuộng trong "vũ trụ Trump 2.0". Các cuộc chạy đua đến Mar-a-Lago dùng bữa tối với Tổng thống đắc cử đã phát triển thành loạt động thái chính sách đánh dấu bước thay đổi đáng kể trong thế giới kinh doanh của họ.
Cùng với những biến động ở Nhà Trắng, các lãnh đạo công ty cho biết bối cảnh pháp lý đang thay đổi của quốc gia và thị trường việc làm dễ thở hơn đã thúc đẩy họ xem xét lại các chương trình đa dạng hóa doanh nghiệp, nỗ lực chống biến đổi khí hậu và những mục tiêu khác mà ông Trump theo đuổi.
Các công ty tìm kiếm ủng hộ từ Tổng thống đắc cử có rất nhiều động lực để làm điều đó. Ngay cả những lãnh đạo doanh nghiệp phản đối ông Trump cũng phải thừa nhận rằng lời hứa cắt giảm các quy định và thuế quan của ông sẽ mang lại động lực tốt cho họ.
"Doanh nghiệp Mỹ đang nhìn thấy một cơ hội", Jonathan Johnson, cựu giám đốc điều hành nhà bán lẻ trực tuyến Overstock, cho biết. "Tổng thống đắc cử Trump tự coi mình là người dàn xếp các thỏa thuận hơn là một chính trị gia và điều đó tạo được tiếng vang tốt với các giám đốc doanh nghiệp".
Vụ bạo loạn Đồi Capitol cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từng khiến không ít lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng ông sẽ bị hạ gục mãi mãi. Viễn cảnh này mang lại cho nhiều CEO chút nhẹ nhõm bởi trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump thường xuyên chỉ trích, phàn nàn các công ty như Boeing hay Nordstrom.
Trong những năm đó, những phong trào MeToo và Black Lives Matter (Mạng người da màu quan trọng) đã biến nơi làm việc của các công ty thành chiến trường cho vấn đề văn hóa và chính trị. Các chính sách nhập cư và phát biểu của Trump về bạo lực chủng tộc cũng gây ra vô số tranh cãi.
Tại các công ty như Google và Spotify, nhân viên yêu cầu cấp trên công khai đưa ra các tuyên bố nghiêng về cánh tả. Meta đã đình chỉ tài khoản Facebook của Trump với lý do ông kích động bạo lực trong vụ bạo loạn Đồi Capitol và chỉ gỡ bỏ vào năm 2023.
Giờ đây, mọi thứ đang thay đổi.
McDonald's từng là công ty đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy đa dạng chủng tộc nơi làm việc. Họ là một trong những công ty đầu tiên ủng hộ các chủ nhà hàng da màu cách đây nửa thế kỷ và sau đó đưa nhiều người Mỹ gốc Phi lên vị trí quản lý cấp cao, trong đó có cả giám đốc điều hành.
Năm 2021, McDonald's đề ra yêu cầu rằng việc đảm bảo đa dạng hóa sắc tộc trong doanh nghiệp là một yêu cầu bắt buộc để quyết định mức lương của CEO và điều này phản ánh "vai trò của công ty đối với xã hội". Nhưng tuần qua, công ty thông báo sẽ loại bỏ một số biện pháp liên quan tới mục tiêu này.
Walmart gần đây cũng tuyên bố sẽ không gia hạn tài trợ cho một tổ chức từ thiện mà họ thành lập để giải quyết tình trạng chênh lệch về sắc tộc trong doanh nghiệp, cũng như các thay đổi khác đối với chương trình đa dạng hóa sắc tộc của mình.
Một phát ngôn viên của Meta tuần qua còn nhắc đến những phát biểu từ Zuckerberg về việc CEO này mong muốn được hợp tác với Tổng thống đắc cử để chống lại hành vi kiểm duyệt của nước ngoài đối với các công ty Mỹ. "Chúng ta có cơ hội khôi phục quyền tự do ngôn luận và tôi rất vui mừng khi có thể nắm bắt cơ hội đó", Zuckerberg nói.
Tuyên bố từ Zuckerberg đã nhận được lời khen ngợi từ Tổng thống đắc cử. "Thành thật mà nói, tôi nghĩ họ đã tiến xa", Trump cho biết tại một cuộc họp báo hôm 7/1, đề cập tới Meta.
Khi được hỏi liệu Zuckerberg đã thực hiện các thay đổi vì những lời đe dọa của ông hay không, Trump trả lời: "Có lẽ là vậy".
Để hiểu rõ hơn về cách giành được sự ủng hộ từ Tổng thống đắc cử, một số lãnh đạo doanh nghiệp đã tìm đến Nikki Haley, người từng thách thức ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa.
Haley khuyên các CEO nên thực hiện cái mà bà gọi là cách tiếp cận của Dolly Parton. Ngôi sao nhạc đồng quê hiếm khi lên tiếng bày tỏ quan điểm chính trị, dù bà ủng hộ quyền của người đồng tính, nghiên cứu vaccine Covid-19 và các nỗ lực từ thiện khác.
"Mọi người đều yêu thích Dolly Parton", Haley nói trong một cuộc phỏng vấn, "và không ai biết bà ấy đại diện cho điều gì".
Một số lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy bị cô lập trong chính quyền Tổng thống Joe Biden. Nhiều người, đặc biệt trong ngành công nghệ, cảm thấy khó chịu vì những biện pháp giám sát chặt chẽ từ Ủy ban Thương mại Liên bang về luật chống độc quyền. Các CEO tại Thung lũng Silicon cũng phàn nàn với nhau về việc họ không thể tiếp cận Tổng thống Biden hay các trợ lý hàng đầu của ông.
Theo Haley, với Tổng thống đắc cử Trump, mọi chuyện sẽ khác. Bà đã khuyên các CEO rằng cách tốt nhất là họ nên tìm đến ông và giới thiệu về những kế hoạch tạo thêm việc làm hoặc sản xuất ngay trên đất Mỹ.
"Hãy đến xây dựng mối quan hệ", Haley nói. "Hãy trình bày về những khoản đầu tư mà bạn sẽ thực hiện tại Mỹ".
Theo các cố vấn doanh nghiệp, chiến thắng bầu cử của ông Trump còn tạo điều kiện cho các CEO thay đổi chính sách mà không bị công chúng phản ứng dữ dội.
JPMorgan Chase, Morgan Stanley, Citigroup và Bank of America gần đây đã rút khỏi một liên minh khí hậu đầy tham vọng do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp giảm lượng khí thải carbon.
BlackRock, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại New York, hôm 9/1 thông báo họ cũng sẽ rút khỏi một nhóm khí hậu tương tự của Liên Hợp Quốc.
Một số giám đốc điều hành ngân hàng nói rằng họ không bao giờ muốn tham gia những sáng kiến này, nhưng cảm thấy bị đảng Dân chủ thúc ép. Chiến thắng của ông Trump mang đến cho họ lối thoát dễ dàng.
"Có rất nhiều công ty cảm thấy không còn chịu gánh nặng như trước", David Urban, giám đốc điều hành công ty vận động hành lang BGR Group, cho hay. "Họ chỉ muốn làm ăn thôi".
Chiến thắng áp đảo và chóng vánh của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua là một lý do khác khiến các giám đốc điều hành sẵn sàng ủng hộ Tổng thống đắc cử hơn. Kết quả này phản ánh quan điểm ủng hộ của đa số người Mỹ đối với ông Trump và các giám đốc doanh nghiệp chỉ đang hành động nương theo thực tế đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý ông Trump và các giám đốc điều hành đang ở "giai đoạn trăng mật", nhưng điều này hoàn toàn có thể thay đổi khi ông nhậm chức và thực hiện chương trình nghị sự của mình, như cam kết trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các giám đốc điều hành vẫn không ngần ngại đưa ra những tuyên bố công khai chỉ trích hàng loạt chính sách mà chính quyền thực thi về nhập cư cùng các chủ đề nóng khác.
Hiện tại, rào cản bất đồng có thể còn cao hơn nhiều. Giới CEO vẫn có thể buộc phải lên tiếng nếu ông Trump làm điều gì đó thách thức pháp quyền hoặc khiến các doanh nghiệp không thể hoạt động, theo một giám đốc điều giấu tên hành phụ trách truyền thông tại công ty đa quốc gia.
Nếu không, họ nhiều khả năng sẽ chỉ còn cách "im hơi lặng tiếng" trong 4 năm tiếp theo, người này nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)