"Chiến sự tại Ukraine trở nên nghiêm trọng, tàn phá và đe dọa đến mức làm dấy lên mối lo ngại lớn", Giáo hoàng Francis ngày 2/10 phát biểu trong lễ cầu nguyện tại quảng trường St. Peter ở Vatican. "Vết thương khủng khiếp không thể tưởng tượng này của nhân loại đang tiếp tục chảy máu nhiều hơn, có nguy cơ lan rộng, thay vì khép miệng".
"Tôi mạnh mẽ phản đối tình hình nghiêm trọng diễn ra những ngày qua, với những hành động mới đi ngược lại nguyên tắc của luật pháp quốc tế", Giáo hoàng Francis nói, đề cập đến quyết định sáp nhập 4 tỉnh Ukraine của Nga. "Trên thực tế, điều này làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân, đến mức gây ra nỗi lo ngại về những hậu quả không thể kiểm soát và thảm khốc trên bình diện thế giới".
Ông cũng bày tỏ đau đớn trước hàng nghìn nạn nhân của chiến sự tại Ukraine, đặc biệt là trẻ em, khi nhiều gia đình mất nhà cửa và những vùng dân cư rộng lớn bị mùa đông lạnh giá cùng nạn đói đe dọa.
"Tôi gửi lời kêu gọi tới Tổng thống Liên bang Nga, khẩn cầu ông dừng vòng xoáy bạo lực chết chóc này lại, cũng vì tình yêu với người dân Nga", Giáo hoàng Francis nói. "Tôi cũng gửi lời kêu gọi tương tự tới Tổng thống Ukraine, hãy cởi mở với các đề xuất hòa bình nghiêm túc".
Đây là lần đầu Giáo hoàng nhắc đến Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu kêu gọi chấm dứt xung đột và bạo lực tại Ukraine. Truyền thông phương Tây cho rằng điều này thể hiện Giáo hoàng Francis lo lắng tột độ trước nguy cơ tình hình ở Ukraine ngày càng xấu đi.
"Các bên nên ngừng bắn và tìm điều kiện để bắt đầu đàm phán, nhằm đi đến một giải pháp không được áp đặt bằng vũ lực, mà là với thỏa thuận công bằng, ổn định", Giáo hoàng Francis nói, đồng thời kêu gọi "sử dụng tất cả công cụ ngoại giao, kể cả những thứ tới nay chưa được sử dụng, để chấm dứt thảm kịch".
Nga và Ukraine chưa bình luận về bài phát biểu của Giáo hoàng Francis.
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine diễn ra hơn 7 tháng. Quân đội Ukraine gần đây mở cuộc phản công ở khu vực miền đông, tái kiểm soát khoảng 9.000 km2 lãnh thổ từ cuối tháng 8.
Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch quân sự ở Ukraine vẫn "được thực hiện theo kế hoạch", đồng thời phát lệnh động viên một phần hôm 21/9 nhằm huy động khoảng 300.000 quân nhân dự bị triển khai tới Ukraine.
Chiến sự có nguy cơ leo thang sau khi ông Putin quyết định sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, trong khi Kiev giành lại thành phố chiến lược Lyman từ tay lực lượng Nga tại tỉnh Donetsk. Tổng thống Nga từng tuyên bố nước này sẽ sử dụng mọi công cụ, kể cả "vũ khí hủy diệt ở mức độ khác nhau", để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ". Phát biểu của ông Putin làm dấy lên lo ngại Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ để ngăn Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập.
Nguyễn Tiến (Theo AP)