Trong phiên thứ 20 của CTO Talks bàn về trào lưu phát triển game blockchain tại Việt Nam, các diễn giả của toạ đàm đều chung nhận định rằng mô hình game này vẫn còn khá mới với người Việt. Tuy có nhiều tiềm năng phát triển, game blockchain không dành cho số đông như game truyền thống.
Ông Phạm Minh Trí, CEO & Co-founder My Defi Pet và KardiaChain, cho rằng trước khi tham gia game blockchain, người chơi cần xác định mình đang chơi để giải trí hay chơi để đầu tư. "Nhiều người đang nhầm lẫn hai khái niệm này. Nếu chơi để đầu tư, mọi người phải nghiên cứu kỹ về nền kinh tế trong game, sản lượng token, chơi bao lâu có thể thu hồi vốn, đầu tư những gì...", ông Trí nói.
Trong trường hợp xác định không phải đầu tư, người chơi nên chọn những game đơn giản, vật phẩm rẻ, không quá đắt. Một số game NFT như Axie Infinity cũng có những cộng đồng cho thuê "thú cưng" để người chơi mới dễ dàng tiếp cận game.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Appota Fintech & Blockchain, cho rằng người chơi game blockchain phải có kiến thức về ví điện tử, tiền số. Muốn vào được game cũng mất nhiều thời gian, qua nhiều bước. Đây đang là rào cản lớn nhất của game blockchain.
Hơn nữa, game blockchain cũng có tuổi đời non trẻ, trải nghiệm người chơi, đồ hoạ chưa chuyên sâu. Nhà sản xuất không chỉ có kiến thức về game mà còn phải am hiểu về blockchanin, NFT. Đó là lý do game blockchain không phải sân chơi dành cho số đông.
Lý giải về việc game blockchain đang là thị trường ngách nhưng lại tạo được tiếng vang lớn. Ông Henry Trần, Founder Hub Global, cho rằng mô hình "play to earn" (chơi game để kiếm tiền) đã làm mọi người thay đổi quan niệm về việc chơi game. Trước đây chơi để giải trí, giờ chơi game được xem như một kênh đầu tư. "Minh chứng là ở Philippines, trong thời kỳ dịch bệnh, mọi người đã tiếp cận Axie Infinity như một nghề nghiệp, giúp mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính chứ không đơn thuần là giải trí", ông Henry Trần nói.
Theo các chuyên gia, một nguyên nhân khác khiến game blockchain bùng nổ là sự phổ biến của thị trường tiền số và công nghệ blockchain. "Chỉ trong nửa đầu năm 2021, tổng số tiền đầu tư vào game blockchain đã cán mốc nửa tỷ USD. Con số này vẫn còn tăng mạnh do nhu cầu đầu tư cả về cổ phẩn chứ không chỉ là token", ông Phạm Minh Trí giải thích.
Trả lời câu hỏi: "Game blockchain có phải đa cấp như nhiều người vẫn nghĩ hay không", ông Vương Quang Long - CEO & Founder TomoChain - nói: "Nó không phải đa cấp vì không ai mời bạn vào game". Ông Long cho rằng bản chất của game là bạn có thể mua trực tiếp vật phẩm, sở hữu rồi bán lại. Thu nhập là thực tế, ngay cả khi không muốn tiếp tục, người chơi vẫn có thể bán lại vật phẩm trong game.
Tiếp lời ông CEO TomoChain, ông Phạm Minh Trí cho rằng trước đây, nhà làm game sẽ kiểm soát nền kinh tế trong game nếu muốn kiếm tiền. Nhưng với game blockchain, mọi thứ không bị kiểm soát bởi bất cứ ai. "Với game truyền thống, khi có bất kỳ khiếu nại nào, nhà phát hành sẽ chịu trách nhiệm. Với game blockchain, mọi thứ nằm ở quyền quyết định của người chơi. Đó là lý do game blockchain bị ví như đa cấp, vì không ai kiểm soát nó", ông Trí nói.
Đánh giá về tiềm năng của game blockchain trong nước, các diễn giả cho rẳng Việt Nam có vị thế tốt. "Khác biệt lớn nhất của đội ngũ làm game Việt Nam là vẫn mang màu sắc châu Á với những cốt truyện, đồ hoạ rất riêng. Khi thị trường game blockchain lớn lên, Việt Nam cũng có một vị trí tốt. Trong tương lai, vị thế này có thể còn tốt hơn nữa", ông Vương Quang Long nhận định.
Khương Nha