Một trong những ưu tiên trên thế hệ điện thoại gập mở mới nhất của hãng điện tử Hàn Quốc là nâng cao độ bền qua giải pháp ứng dụng những vật liệu và công nghệ mới nhất. Các cải tiến bao gồm khả năng chống nước IPX8, khung kim loại Armor Aluminum được gia cố, bản lề Hideaway Hinge chắc chắn hơn và bề mặt màn hình gập bền hơn với kính Gorilla Glass Victus. Nhờ đó, Galaxy Z Series cải thiện độ bền đến 80% cho màn hình và khả năng chịu lực đến 200.000 lần gập mở, tương đương 10 năm sử dụng liên tục.

Để thành công trong việc nâng cấp độ bền, kiểm nghiệm thực tế là một trong những khâu tối quan trọng. Chính vậy, nhiều năm qua Samsung đã mạnh tay đầu tư phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại, kiểm tra kỹ càng mọi thiết bị trước khi đến tay người dùng.

Trong video được hãng chia sẻ, Galaxy Z Fold3 và Z Flip3 trải qua 4 quá trình thử độ bền. Đầu tiên, hai máy được cho vào buồng giả lập các môi trường thời tiết khắc nghiệt. Mô phỏng khí hậu từ khô đến ẩm, nóng đến lạnh, thử nghiệm này đảm bảo các tính năng và chi tiết máy vận hành trơn tru trong nhiều điều kiện.

Sau đó là thử khả năng chịu nước, máy được ngâm trong nước ở nhiều góc độ khi mở ra, phát video... Z Fold3 còn được đo độ bền khi sử dụng bút S Pen với bài kiểm tra vẽ, các đường thẳng nối 2 màn hình liền mạch ngay cả ở nếp gấp.

Kiểm tra độ bền Galaxy Z Fold3
 
 

Quá trình thử bộ bền của Galaxy Z series.

Cuối cùng cả hai dòng máy phải trải qua bài kiểm tra gấp nghiêm ngặt để đạt được tuổi thọ cao hơn 200.000 hoặc khoảng 5 năm sử dụng nếu gấp vào, mở ra 100 lần một ngày. Thao tác gấp mở mô phỏng nhiều thói quen của người dùng trong thực tế như mở bằng 2 tay, vị trí mở...

Tuyên bố của hãng về độ bền được nâng cấp trên dòng điện thoại gập mở khá tương đồng kết quả kiểm tra độ bền của nhiều đơn vị, kênh Youtuber công nghệ.

Ví dụ, kênh PhoneBuff thử nghiệm thả rơi Fold3 ở nhiều cao độ, trạng thái. Ở lần thả đầu tiên trong chế độ gập, vỏ ngoài hoàn toàn nguyên vẹn, bản lề không bị tác động. Có một vài vết xước trên module máy ảnh nhưng chức năng bản lề, khả năng hoạt động máy hoàn toàn bình thường. Đặc biệt, khi thả điện thoại từ cao, màn hình ngoài tiếp xúc với nền bê tông, mặt kính vẫn còn nguyên vẹn.

Ấn tượng hơn, ở trạng thái mở, màn hình chính va chạm với nền nhưng không gây ra hư tổn hay nứt, vỡ màn hình; các chức năng hoạt động đầy đủ. Cũng trong chế độ này, nhóm thử nghiệm nâng độ cao thả rơi đến 1,5 mét, mặt tiếp xúc là thép. Sau lần thả thứ hai, màn hình chính vẫn không bị nứt, tuy nhiên xuất hiện vài điểm ảnh chết. Kết quả cuối cùng, dù thả rơi nhiều lần, máy vẫn hoạt động tốt.

Màn hình không nứt vỡ dù thả rơi ở trạng thái mở.

Một đơn vị khác là Allstate - nhà cung cấp kế hoạch bảo vệ của Mỹ Allstate, thực hiện đồng thời hai thử nghiệm thả rơi và ngâm nước.

Đầu tiên, nhóm thả Fold3 từ độ cao 6 feet (1,83 mét) ở trạng thái mở, màn hình tiếp xúc mặt bê tông. Máy có nhiều vết xước ở các góc, một điểm ảnh chết trên màn hình. Sau đó, máy bị ngâm trong bể bơi sâu 5 feet (1,52 mét) trong 30 phút. Sau cả hai bài kiểm tra, máy vẫn hỗ trợ đầy đủ các chức năng như ban đầu. Allstate nhận định Galaxy Z Fold3 là điện thoại gập mở bền nhất mà họ đã thử nghiệm.

Kênh YouTube JerryRigEverything với 7 triệu lượt đăng ký, nổi tiếng về những màn tra tấn thiết bị công nghệ cũng chọn Z Fold3 và Z Flip3 để thử thách độ bền.

Nelson Zack - chủ nhân kênh YouTube trên - sử dụng thang đo độ cứng Mohs (từ 1-10) để đánh giá độ cứng màn hình. Màn hình ngoài của Galaxy Z series bắt đầu xuất hiện các vết xước ở cấp độ thứ 6. Các rãnh sâu hơn xuất hiện khi bị tác động bởi vật nhọn ở cấp 7. Màn hình chính bên trong phủ một lớp nhựa dẻo nên bắt đầu xuất hiện vết xước ở cấp độ 2. Tuy miếng phim bảo vệ có hư hại nhưng không gây nhiều ảnh hưởng đến pixel màn hình, nội dung hiển thị.

Khi thử hơ lửa, màn hình ngoài của Fold3 chuyển đen sau 14 giây và xuất hiện điểm ảnh chết đỏ sẫm. Màn hình chính có thể chịu được gấp đôi thời gian - lên tới 30 giây; mức độ thiệt hại cũng nhẹ hơn với điểm ảnh chỉ còn lại một màu trắng cháy, bề mặt nhựa ít hư tổn hơn.

Với Z Flip3, màn hình phụ chịu sức nóng từ bật lửa khoảng 25 giây trước khi các điểm ảnh bị đổi màu. Còn trên màn hình chính, lớp film nhựa bị chảy sau 30 giây hơ lửa, để lại vết cộm dễ nhìn thấy.

Hai mẫu Z Fold3 và Z Flip3 liên tục bị bẻ cong ra phía sau ở trạng thái mở; bị phủ đất, đá phủ ở mặt trước, sau và cả bản lề máy. Tuy nam Youtuber dùng khá nhiều lực nhưng sau 2-3 lần bẻ ngược, máy chỉ thay đổi về độ thẳng vật lý, còn phần cứng không xuất hiện bất cứ thiệt hại nào: màn hình hoạt động bình thường, bản lề gập mở linh hoạt, khung viền không nứt vỡ. Màn kiểm tra rắc bụi cũng có kết luận tương tự, không xuất hiện bất cứ hư hại nào. Nelson Zack nói trong video rằng Fold3 có thể bền hơn con số 80% được công bố; Flip3 "sống sót" một cách đáng ngạc nhiên sau bài kiểm tra trên.

Các kỹ sư của Samsung cho biết, khi chế tạo Galaxy Z, bài toán khó nhất không phải là nâng cấp độ bền mà là làm sao đạt chuẩn chống nước.

Mỗi chiếc điện thoại gập mở được cấu tạo bởi 3 thành phần riêng biệt: 2 thân máy chứa 2 màn hình và phần bản lề. Phần thân máy, cách chống nước khá cơ bản: tìm tất cả vị trí nước có thể vào và sau đó bịt kín chúng bằng keo hoặc gioăng cao su. Việc bịt kín những thứ đơn giản như lỗ loa, cổng USB-C và khe cắm thẻ SIM hoạt động giống hệt nhau.

Riêng với bản lề, nhà sản xuất một lần nữa cảm thấy "đau đầu". Với cấu trúc đặc biệt, bản lề không nằm cố định mà sẽ đóng mở liên tục, tạo đường dẫn cho nước và chất lỏng lọt vào, gây tổn hại bo mạch máy cũng như cơ chế khóa bản lề. Cuối cùng, các kỹ sư tìm ra phương thức xử lý tối ưu: một mặt tăng cường độ bền của bản lề; kế đến sử dụng những vật liệu chống ăn mòn và hợp chất bôi trơn tuổi thọ cao, gia cố bo mạch chủ không cho chất lỏng xâm phạm.

Vì không thể niêm phong hoàn toàn bản lề, Samsung đã phát triển một loại chất bôi trơn đặc biệt có thể bám dính tốt vào tất cả thành phần nhỏ trong thiết bị. Nhóm cơ khí của đơn vị cho biết, dầu bôi trơn này có tuổi thọ khoảng 200.000 lần gập trước khi nó khô đi.

Với màn hình cấu thành từ nhiều lớp vật liệu, Samsung sử dụng một loại keo nhạy với áp lực (PSA) để bao bọc. Nếu nước đi vào bên trong, nó chỉ có thể chảy xung quanh màn hình và hai mảnh, khu vực bản lề mà không thể xâm nhập vào các linh kiện điện tử.

Màn hình của điện thoại sẽ tịnh tiến một khoảng nhất định khi đóng và mở nên các lỗ hổng bên dưới màn hình cũng phải được bịt kín. Với yêu cầu này, hãng sử dụng loại keo dày hai lớp, đủ ngăn nước trong khi màn hình vẫn di chuyển.

Chưa dừng ở đó, phần chân cắm kết nối dây giữa hai phần điện thoại liên tục di chuyển khi đóng mở, gioăng cao su không thể ngăn nước vào. Vì vậy, bên cạnh các gioăng cao su, hãng sử dụng một loại keo lỏng theo phương pháp: cured in place gasket (CIPG). Hai vật liệu này kết hợp, bịt kín những khoảng hở giữa các kết nối bo mạch trong bản lề Z Fold3, từ đó cô lập chất lỏng và ngăn cản chúng chui vào làm hư hại các thành phần bên trong. CIPG có dạng lỏng trước khi phun ở nhà máy, nhưng khi tiếp xúc với không khí sẽ biến thành dạng đặc. Theo Samsung, nó giống như một loại keo epoxy dẻo ngăn chặn chất lỏng thâm nhập nhưng vẫn cho phép các thành phần cáp và bản lề di chuyển.

Các giải pháp trên giúp Galaxy Z Fold3 và Flip3 đạt tiêu chuẩn kháng nước IPX8, cho phép hoạt động 30 phút ở độ sâu 1,5 mét.

Phần màn hình không chỉ có khả năng chống nước mà còn phải đủ cứng vì Fold3 có thêm phương pháp nhập liệu là bút S Pen. Samsung đã sắp xếp lại thứ tự các lớp tạo nên màn hình của máy để nó bền hơn: dưới cùng là digitizer Wacom nhận diện bút, tấm nền OLED, lớp kính siêu mỏng (UTG), một lớp polymer bảo vệ và cuối cùng là miếng dán màn hình PET (Polyethylene terephthalate). Samsung khuyến cáo người dùng không nên bóc miếng dán màn hình này.

Cùng với những tính năng cao cấp, độ bền tối ưu trên Fold3 và Flip3 trở thành điểm cộng, giúp hai dòng điện thoại này liên tục "cháy hàng" toàn cầu. Trên các nhóm riêng của cộng đồng Samfan, hầu hết người dùng nhận định trải nghiệm và công năng máy xứng đáng so với khoản chi phí bỏ ra, đáp ứng gần như mọi nhu cầu: làm việc, giải trí, học tập.

Sau khi “cháy hàng” toàn cầu, Samsung nỗ lực đẩy nhanh quá trình sản xuất, vận chuyển để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tại Việt Nam, các đơn đặt hàng đợt hai trong tháng 10 đang dần vận chuyển đến tay người dùng.