"Đây là hành động phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước trong khối", Peter Stano, phát ngôn viên cơ quan đối ngoại của EU, cho biết hôm nay khi thông báo triệu tập nhà ngoại giao hàng đầu của Nga tại Brussels.
Bỉ, Italy, Áo, cùng một số quốc gia EU bắt đầu triệu tập quan chức đại diện ngoại giao Nga từ ngày 30/9, sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia vào lãnh thổ Nga.
Các lãnh đạo EU tuyên bố "không bao giờ công nhận hành động sáp nhập bất hợp pháp" do Moskva thực hiện, cảnh báo tổ chức này sẵn sàng ban hành biện pháp trừng phạt mới.
Giới chức EU đang cố vượt qua sự phản đối của Hungary để đưa ra gói trừng phạt thứ tám, trong đó có áp trần giá dầu Nga. EU đã triển khai 7 gói trừng phạt chưa từng có với Nga, đồng thời cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.
Nhà Trắng nhấn mạnh sẽ khiến Moskva phải "trả giá rất đắt" sau quyết định sáp nhập. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo sẽ không đàm phán với Nga chừng nào Tổng thống Putin còn nắm quyền.
Hạ viện Nga hôm nay thông qua hiệp ước sáp nhập tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia do Tổng thống Putin đệ trình với tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối, trước khi chuyển sang Thượng viện.
Giới chức Nga cho biết địa giới sáp nhập tại tỉnh Zaporizhzhia và Kherson ở miền nam Ukraine sẽ được xác định thông qua tham vấn người dân địa phương, trong khi lãnh thổ tỉnh miền đông Donetsk và Lugansk sẽ được tính theo ranh giới của hai khu vực này từ năm 2014.
Hồng Hạnh (Theo AFP)