"Theo trao đổi của chúng tôi với giới chức các quốc gia, an ninh nguồn cung khí đốt ở Đức và Liên minh châu Âu (EU) hiện được đảm bảo. Dòng khí đốt thấp hơn từ Nga cho đến nay vẫn có thể được bù đắp", người phát ngôn của Ủy ban EU cho biết trong một tuyên bố hôm 23/6.
Tuy nhiên, ủy ban cho rằng "tình hình cần được xem xét một cách nghiêm túc".
"Ở giai đoạn này, chúng ta cần lưu ý rằng tình hình có thể còn tồi tệ hơn nữa. 9 quốc gia thành viên EU đã ban bố Cảnh báo sớm, mức đầu tiên trong Quy chế SoS, trong những tháng qua, khi Nga tiếp tục sử dụng nguồn cung khí đốt như công cụ tống tiền", tuyên bố nêu thêm.
EU thiết lập hệ thống cho phép các quốc gia thành viên nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của những khó khăn sắp xảy ra trong việc cung cấp năng lượng bằng cách sử dụng ba mức cảnh báo tăng dần là "cảnh báo sớm", "cảnh báo" và "khẩn cấp".
Đức, Italy, Thụy Sĩ, Đan Mạch và một số nước khác đã kích hoạt cảnh báo sớm trong lộ trình ứng phó khủng hoảng khí đốt. Đức hôm qua nâng cảnh báo lên cấp độ hai để đảm bảo nguồn cung. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết khí đốt hiện là mặt hàng khan hiếm ở nước này và cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt làm "vũ khí" chống lại Đức để trả đũa việc phương Tây hỗ trợ Ukraine.
Theo Ủy ban EU, Đức đã thảo luận tình hình với ủy ban và động thái này là một phần trong hành động phối hợp của khối về vấn đề này.
"Nguy cơ gián đoạn khí đốt đang trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Đó là lý do việc thông qua quy định về kho chứa khí đốt cùng các biện pháp chuẩn bị sẵn sàng khác là rất quan trọng tại thời điểm này", phó chủ tịch Ủy ban EU Frans Timmermans cho hay.
Trong những tuần gần đây, một số quốc gia châu Âu báo cáo nguồn cung khí đốt Nga giảm đáng kể. Châu Âu nhập khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên từ Nga trước khi xung đột Ukraine bùng phát, song con số này hiện còn khoảng 20%.
Tuần trước, dòng khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống Nord Stream đã giảm xuống còn 40% công suất, khiến giá năng lượng tăng cao. Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom giải thích việc lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream bị giảm là do sửa chữa, song giới chức EU tin rằng Moskva đang muốn trừng phạt các đồng minh của Ukraine.
Ngày 17/6, tập đoàn năng lượng Italy Eni báo cáo chỉ nhận được khoảng 1/2 lượng khí đốt từ Gazprom so với mức thông thường. Slovakia và Áo cũng thông báo nguồn cung khí đốt Nga giảm mạnh. Pháp cho biết họ không nhận được khí đốt Nga từ Đức kể từ ngày 15/6. Đan Mạch ngày 20/6 phát cảnh báo cấp độ một do nguồn khí đốt Nga giảm.
EU cấm nhập dầu mỏ và than đá của Nga, nhưng không cấm nhập khẩu khí đốt do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Moskva. Tháng trước, EU cam kết lấp đầy ít nhất 80% các cơ sở dự trữ vào tháng 11 trước tình hình giá khí đốt biến động, song hiện chỉ thực hiện được khoảng 55%.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tới Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan, sau khi các quốc gia này từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) bày tỏ lo ngại Nga có thể cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, cho rằng châu Âu cần chuẩn bị các kế hoạch ứng phó.
Huyền Lê (Theo CNN)