"Đại sứ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý trên nguyên tắc về việc cải tổ Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF), để hỗ trợ Ukraine với ngân sách 5 tỷ euro (5,5 tỷ USD) trong năm 2024. EU duy trì quyết tâm hỗ trợ lâu dài cho Ukraine và đảm bảo nước này có được các thiết bị quân sự cần thiết để tự vệ", Bỉ, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, thông báo trên mạng xã hội X ngày 13/3, sau cuộc họp của EU tại Brussels, Bỉ.
EPF được EU tạo ra năm 2021, là công cụ ngoài ngân sách nhằm tăng cường năng lực của EU trong ngăn chặn xung đột, xây dựng hòa bình và củng cố an ninh quốc tế. EU nhất trí dùng EPF để viện trợ Ukraine sau khi chiến sự tại quốc gia này nổ ra cuối tháng 2/2022, trong đó những nước thành viên chuyển giao vũ khí và đạn dược cho Kiev sẽ nhận lại một phần chi phí từ EPF.
Các quốc gia đóng góp vào quỹ theo mức phù hợp với quy mô kinh tế của mình. Liên minh cho biết đã sử dụng quỹ để phân bổ khoảng 6,7 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine từ đầu xung đột.
"Thông điệp đưa ra rất rõ ràng: chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine bằng mọi cách để giúp nước này giành chiến thắng", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU, nói.
EU đạt thỏa thuận bổ sung ngân sách cho EPF sau nhiều tháng trì hoãn vì vấp phải phản đối của Pháp và Đức, hai quốc gia đứng đầu khối. Berlin đề nghị mức đóng góp của nước này cho quỹ cần phải được bù trừ với các khoản hỗ trợ song phương riêng của Đức dành cho Ukraine.
Trong khi đó, Pháp yêu cầu chỉ bồi hoàn tiền cho vũ khí viện trợ được chế tạo tại châu Âu, được cho là nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất vũ khí nội khối và giảm phụ thuộc về quốc phòng với Mỹ.
Các nhà ngoại giao cho biết Đức đã được EU chấp nhận đề nghị của mình. Pháp cũng hài lòng với cam kết rằng các nước EU sẽ ưu tiên mua vũ khí, đạn dược sản xuất tại châu Âu, trừ trường hợp đó là loại khí tài không sẵn có ở châu lục.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hoan nghênh khoản đóng góp bổ sung cho quỹ EPF. "Cám ơn Josep Borrell vì sự hỗ trợ không ngừng của ông cho Ukraine trên con đường hướng tới chiến thắng", ông Shmyhal nói.
Khoản hỗ trợ mới được công bố trong bối cảnh Ukraine đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường, một phần do thiếu vũ khí, đạn dược sau khi viện trợ từ phương Tây sụt giảm. Quân đội nước này giữa tháng 2 tuyên bố rút khỏi thành trì Avdeevka ở tỉnh miền đông Donestk nhằm "bảo toàn mạng sống" của binh sĩ, do bị lực lượng Nga áp đảo hoàn toàn về năng lực khai hỏa đạn pháo.
Mỹ ngày 12/3 đã công bố gói viện trợ quân sự khẩn cấp trị giá 300 triệu USD cho Ukraine, song hơn 60 tỷ USD viện trợ khác vẫn đang mắc kẹt tại quốc hội do vấp phải phản đối của phe Cộng hòa. EU tháng 3 năm ngoái đã cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine một triệu viên đạn pháo 155 mm sau 12 tháng, nhưng dự kiến chỉ có thể đáp ứng một nửa con số này.
Trong khi đó, Czech đang đẩy mạnh nỗ lực riêng trong việc hỗ trợ Ukraine. Nước này hiện dẫn đầu liên minh gồm 18 nước được thành lập nhằm mục đích mua đạn pháo từ các nước ngoài châu Âu để viện trợ cho Kiev. Thủ tướng Czech Petr Fiala hôm 8/3 cho biết lô đầu tiên gồm 300.000 viên đạn sẽ được bàn giao cho Ukraine trong vài tuần tới.
Phạm Giang (Theo AFP, Reuters)