Nhưng niềm vui được "giải cứu" sau gần hai tuần lênh đênh trên biển biến mất, khi vợ chồng ông cùng hàng trăm hành khách trên du thuyền MS Westerdam đau đầu tìm đường về nhà.
Trong những ngày đầu tiên sau khi cập cảng, khi nỗi sợ bị mắc kẹt trên biển biến mất, hai John Miller cùng vợ Lydia quyết định không về nước ngay như nhiều hành khách khác. Họ sẽ dành thời gian khám phá sông Mekong, mua đồ ăn đường phố hoặc sẽ thăm thú thủ đô Phnom Penh.
Rồi đột nhiên chính quyền Malaysia thông báo một hành khách trên du thuyền bị phát hiện nhiễm nCoV khi quá cảnh ở nước này. Sau khi tin tức được xác nhận, vợ chồng Miller cùng các hành khách còn lại trên tàu được yêu cầu tập trung tại khách sạn và họ lập tức hiểu rằng đường về nhà giờ không còn dễ dàng.
"Lúc đó tôi có cảm giác thật khủng khiếp, khi mọi thứ thay đổi trong chớp mắt", bà Lydia, 55 tuổi, chia sẻ. "Chúng tôi giống như lạc vào thế giới siêu thực. Đó là cảm giác vô cùng kỳ lạ khi bạn đang trên một hành trình mà không biết bao giờ có thể trở về nhà".
Vợ chồng Miller sống ở đảo Orcas, bang Washington, Mỹ. Hai ông bà hiện ở trong một khách sạn tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia và cố tìm cách để có thể về nước càng sớm càng tốt.
Du thuyền MS Westerdam cập cảng Campuchia hôm 13/2 sau khi liên tục bị từ chối ở nhiều cảng khác. Thủ tướng Campuchia Hun Sen sau đó hân hoan chào đón họ với hoa và những cái ôm.
Sau khoảnh khắc cảm động đó, họ giờ đây phải đối mặt với cơn ác mộng, đó là tìm chuyến bay về nhà.
Về nước giờ là vấn đề rất khó khăn, khi ngày càng nhiều nước từ chối cho máy bay chở hành khách từng ở trên du thuyền Westerdam hạ cánh. Theo một nhân viên ngoại giao trực tiếp làm việc với hành khách ở Phnom Penh, quy định hạn chế đi lại của các quốc gia và việc thiếu các chuyến bay từ Campuchia là trở ngại lớn nhất.
Holland America, công ty sở hữu du thuyền MS Westerdam, cũng có nhận định tương tự và cho biết đang cố gắng điều phối các chuyến bay đưa hành khách về nước.
"Campuchia là điểm đến ngoài dự kiến của chúng tôi. Việc có quá nhiều du khách muốn bay về nước sớm gây ra nhiều áp lực cho hệ thống hàng không ở nước này", Orlando Ashford, chủ tịch Holland America, nói qua điện thoại ở Phnom Penh.
Thái Lan, Singapore, Malaysia và Đài Loan là những quốc gia, vùng lãnh thổ từ chối cho hành khách du thuyền Westerdam nhập cảnh, khiến việc đưa hành khách trở về châu Âu và Mỹ gặp nhiều khó khăn.
Một số hãng hàng không như Emirates phải quá cảnh ở Bangkok trước khi tiếp tục hành trình tới địa điểm khác như Dubai nên không thể chở hành khách trên du thuyền. Tuy nhiên, Ashford cũng bày tỏ hy vọng rằng hành khách sẽ sớm tìm được cách trở về nhà trong vài ngày tới.
Vợ chồng Miller đã phải ba lần thay đổi kế hoạch khi Holland America liên tục đổi lịch trình vì Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và đảo Guam lần lượt từ chối cho du thuyền Westerdam cập cảng, khiến con tàu lênh đênh trên biển suốt hai tuần.
Mỗi ngày, họ đi bộ khoảng 16 km xung quanh du thuyền trong nhiều giờ, đọc báo, nghe nhạc và rèn luyện khả năng chơi bóng bàn. Theo kế hoạch, chuyến bay trở về Mỹ của họ sẽ khởi hành vào thứ 7 tuần này và quá cảnh ở Seoul, nhưng giờ họ sẽ không thể tới đó bởi chính phủ Hàn Quốc đã từ chối cho hành khách trên du thuyền quá cảnh.
Tony Martin-Vegue, sống ở vịnh San Francisco, California, Mỹ, đã lên kế hoạch đón vợ Christina Kerby về nhà ngay khi cô rời du thuyền. Anh cùng con trai 10 tuổi và con gái 5 tuổi dọn dẹp nhà cửa, cắm hoa và chuẩn bị cà phê yêu thích cho bữa tiệc chào mừng vợ trở về.
Nhưng giờ anh không biết tới bao giờ bữa tiệc này mới được tổ chức, khi Kerby vẫn mắc kẹt ở Phnom Penh. "Tôi lo lắng không biết cô ấy sẽ về nhà bằng cách nào", Martin-Vegue nói.
Kerby đã ghi lại thời gian của cô khi ở trên du thuyền Westerdam, từ tham gia lớp yoga bên cạnh bể bơi, ăn kem mỗi ngày cho tới học gấp khăn tắm thành hình động vật. Cô từng chia sẻ cảm giác "hân hoan và nhẹ nhõm" khi tàu được cập cảng, cũng như thử thách "đáng sợ" khi bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ dùng que tăm chọc vào mũi cô để làm xét nghiệm virus. Nhưng niềm vui được lên bờ lập tức biến mất khi cô nhận ra không biết khi nào được trở về Mỹ.
"Mỗi ngày trôi qua, tôi cảm thấy khả năng cô ấy trở về ngày càng thấp, bởi dịch bệnh lây lan và nhiều chính phủ tìm cách đối phó với nó. Hiện chưa có giải pháp nào cho vấn đề này", Martin-Vegue nói.
Du thuyền Westerdam với hơn 2.200 hành khách và thủy thủ đoàn cho phép mọi người rời tàu hôm 14/2 để lên máy bay về nước. Nhưng quá trình này bị tạm ngừng khi Malaysia phát hiện hành khách 83 tuổi người Mỹ bị nhiễm virus. Khoảng 255 hành khách cùng 747 thành viên thủy thủ đoàn bị giữ lại trên du thuyền để chờ làm xét nghiệm.
Bộ trưởng Y tế Campuchia hôm qua nói rằng tất cả kết quả xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV và tất cả hành khách đều khỏe mạnh, không có triệu chứng sốt. Do đó, hành khách được phép rời du thuyền ngay sau đó.
Họ được đưa tới một khách sạn ở Phnom Penh, nơi nhiều hành khách khác của Westerdam đang đi lại dọc hành lang để chờ tin tức chuyến bay về nước. Các tấm bảng trắng thông báo tin tức về chuyến bay và cập nhật quy định hạn chế đi lại mới ở các nước cho phép hành khách quá cảnh được bố trí tại sảnh.
"Chúng tôi sẽ tới bất kỳ quốc gia nào cho phép hành khách của du thuyền Westerdam quá cảnh", Ashford nói.
Những người rời tàu trước và phải đợi chuyến bay suốt nhiều ngày qua đã khuyên người mới đến không nên kỳ vọng quá nhiều về việc được trở về nhà sớm.
Vợ chồng Miller điều hành một khách sạn nhỏ ở Mỹ và phải tiết kiệm nhiều năm cho chuyến du lịch này. Họ đã chọn hành trình có nhiều thời gian cập cảng hơn là lênh đênh trên biển. Cảm giác mạo hiểm và hồi hộp của hành trình này từng là điều hấp dẫn họ, nhưng giờ họ chỉ mong được quay lại cuộc sống thường ngày của mình: uống cà phê ở nhà mỗi sáng, chăm sóc những vật nuôi trong trang trại và trò chuyện với khách thuê phòng.
"Chúng tôi yêu du lịch và từng thích trải nghiệm những điều mới mẻ, không thể đoán trước. Nhưng ngay lúc này, tôi chỉ mong quay lại cuộc sống bình thường mà chúng tôi có thể biết trước chuyện gì xảy ra vào ngày hôm sau", bà Lydia nói.
Thanh Tâm (Theo Japan Times)