Theo dữ liệu từ Cơ sở Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE), mức dự trữ khí đốt của Đức ngày 2/9 là 85,02%.
Hồi tháng 7, Đức vạch ra mục tiêu tích trữ khí đốt 85% sức chứa vào ngày 1/10 và 95% vào ngày 1/11. Klaus Muller, giám đốc Cơ quan Mạng lưới Liên bang (BNA), bên quản lý thị trường khí đốt của Đức, hồi giữa tháng 8 gọi mục tiêu của tháng 10 là "không phải bất khả thi nhưng chắc chắn rất tham vọng" còn mục tiêu tháng 11 là "không thể kịp trong mọi kịch bản".
Việc Đức đạt mục tiêu 85% trước gần một tháng cho thấy các công ty và người dân ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang chú ý nhiều hơn đến lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng của chính phủ để vượt qua mùa đông tới.
Tuần trước, Siegfried Russwurm, người đứng đầu hiệp hội công nghiệp BDI của Đức, cho biết mức tiêu thụ khí đốt trong ngành đã giảm 21% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, song cảnh báo rằng sự sụt giảm này không phải là một dấu hiệu tốt.
"Đây không phải là một thành tích đạt được mà báo hiệu một vấn đề lớn, cho thấy mức sụt giảm đáng kể trong sản xuất", ông nhận định.
Tập đoàn Nga Gazprom ngày 2/9 thông báo họ không thể mở lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 theo kế hoạch, với lý do tuabin chính tại trạm nén Portovaya gần St. Petersburg bị rò rỉ dầu.
Gazprom đưa ra thông báo này sau khi G7 nhất trí áp giá trần với dầu Nga. Trước đó, Gazprom đã dừng đường ống Nord Stream 1 từ ngày 31/8 đến 2/9 để bảo trì.
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Song kể từ tháng 7, Nord Stream 1 hoạt động ở mức 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất tối đa, với lý do một số tuabin ngừng hoạt động.
Brussels cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí để trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây, song Moskva nhiều lần bác bỏ.
Nga gần đây nêu điều kiện đảm bảo nguồn cung khí đốt cho châu Âu, trong đó có hủy các lệnh trừng phạt với Moskva và khởi động Nord Stream 2, đường ống hoàn thành tháng 9/2021, được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan. Dự án nhằm tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm nhưng Berlin đã hoãn vô thời hạn cấp giấy phép vào hôm 22/2, sau khi Nga công nhận hai vùng ly khai Ukraine.
Đức Trung (Theo Reuters)