Khi Ilya đi làm về hồi đầu tuần, vợ anh đang chờ ở nhà, trên tay cầm giấy gọi nhập ngũ. Ilya nhanh chóng thu dọn hành lý để đến điểm tuyển quân ở Irkutsk, thành phố bên hồ Baikal thuộc vùng Siberia.
"Khi tổ quốc gọi, ta sẽ đáp lời", tài xế xe buýt 27 tuổi nói qua điện thoại từ một thao trường gần Rostov, thành phố phía nam nước Nga. "Tôi quyết định không né lệnh động viên và sẽ lên đường bảo vệ đất nước".
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/9 phát lệnh động viên một phần nhằm huy động khoảng 300.000 quân dự bị cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Lệnh huy động khiến nhiều người trong độ tuổi nhập ngũ tìm cách rời khỏi nước Nga để không phải tòng quân.
Ảnh vệ tinh cho thấy những đoàn xe xếp hàng dài 16 km tại cửa khẩu Nga với các nước láng giềng. Nhiều người vợ, người mẹ gạt nước mắt chia tay chồng, con nhập ngũ. Nhưng cũng có những người như Ilya tình nguyện tòng quân, sẵn sàng lên xe tới trung tâm huấn luyện, trong hành trình có thể là chuyến đi một chiều.
Denis Volkov, chuyên gia của Trung tâm Levada, công ty khảo sát độc lập có trụ sở tại Moskva, cho hay những hình ảnh trái ngược đó cho thấy sự phân cực ngày càng lớn trong dư luận Nga về cuộc chiến ở Ukraine.
"Lệnh động viên đã khiến tình trạng chia rẽ ở nước Nga sâu sắc hơn", Volkov nói. "Những người sống ở các đô thị lớn, hiện đại tại miền tây đất nước muốn rời đi sau lệnh động viên, nhưng nhiều người có quan điểm ngược lại. Họ thường là những người sống ở vùng nông thôn, có trình độ giáo dục thấp hơn, điều kiện kinh tế kém hơn và phụ thuộc vào nhà nước nhiều hơn".
Kết quả khảo sát do Trung tâm Levada công bố ngày 28/9 cho thấy tỷ lệ người Nga "hoàn toàn" hoặc "phần nào" ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Điện Kremlin tại Ukraine đã giảm xuống từ khi ông Putin phát lệnh động viên, nhưng vẫn ở mức 72%.
Trong khi một số nhà quan sát nghi ngờ kết quả thăm dò dư luận của Trung tâm Levada, Volkov cho rằng số liệu này đáng tin cậy và suy nghĩ của người Nga khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Ông cho hay nền tảng ủng hộ chính của quân đội Nga là nỗ lực tuyên truyền rằng Nga đang tham gia vào một cuộc chiến lớn hơn với NATO và Mỹ, vốn được truyền tải hàng ngày trên đài truyền hình quốc gia.
Trong các cuộc phỏng vấn và thăm dò, nhiều người Nga tin rằng đất nước đang bị phương Tây bao vây và Điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác ngoài đưa quân vào Ukraine.
"Chồng tôi không chỉ chiến đấu chống Ukraine mà còn cả NATO. Chúng tôi không có nhiều đồng minh", Lyudmila, vợ của Sergi, người nhận lệnh tòng quân hồi đầu tuần, nói.
Từ khi ông Putin phát lệnh động viên, một số phụ nữ Nga đã lập các nhóm trên Telegram, chia sẻ cách giữ liên lạc với chồng, người yêu hay con trai khi họ tòng quân. "Tôi rất tự hào về chồng tôi. Nga đang bị dồn vào chân tường, chúng tôi phải đánh trả", Lyudmila, người điều hành một nhóm như vậy, nói.
Nhưng nhiều đàn ông Nga miễn cưỡng tới trung tâm tuyển quân khi tin rằng họ không thể né tránh lệnh triệu tập, hành vi có thể bị phạt tù tới 10 năm. "Tôi không muốn chiến tranh, nhưng không thể trốn, tốt hơn là đối mặt", Igor, một nam thanh niên ở St Petersburg, người nhận giấy triệu tập ngày 28/9, nói.
Dù nhiều người Nga tiếp tục ủng hộ ông Putin, cuộc thăm dò của Trung tâm Levada cho thấy 70% người được hỏi cảm thấy "sợ hãi" và "sốc" trước lệnh động viên. Tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Putin cũng giảm 6 điểm, mức giảm cao nhất từ khi cuộc chiến bắt đầu. Khoảng 1/4 đàn ông Nga dưới 24 tuổi ủng hộ tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine.
Andrei Kolesnikov, chuyên gia Trung tâm Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho rằng số liệu thăm dò mới nhất của Trung tâm Levada cho thấy nỗi bất bình ngày càng tăng của nhiều người Nga về cuộc chiến tại Ukraine.
Sự lo lắng của người dân Nga về lệnh động viên cũng tăng lên sau khi nhiều tân binh nhập ngũ phản ánh điều kiện sinh hoạt kém tại trung tâm huấn luyện. Một số người cho hay họ phải ngủ trên sàn nhà vì doanh trại quá đông. Một số tự bỏ tiền túi mua trang bị cho bản thân, từ áo chống đạn tới thảm ngủ và quần áo giữ nhiệt.
"Chúng tôi chi hơn 460 USD, bằng cả tháng lương của tôi, để chuẩn bị cho anh ấy nhập ngũ", Tatyana, giáo viên thành phố Chelyabinsk, tây nam nước Nga, nói.
Chồng cô nhận lệnh triệu tập trong tuần này. Tatyana cho hay bị sốc vì quân đội không cung cấp những thứ cơ bản cho tân binh nhập ngũ. "Làm sao họ có thể yêu cầu anh ấy tới đó chiến đấu khi mọi thứ lộn xộn như vậy?" cô nói. "Cuộc chiến nên dừng lại".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)