Triều Tiên ngày 4/7 tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 có tầm bắn khoảng 7.000 km, đủ sức vươn tới lãnh thổ Alaska của Mỹ. Đối với giới quân sự và tình báo Mỹ, Hwasong-14 là một bất ngờ ngoài dự đoán của họ, theo Washington Post.
Các cơ quan tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều kết luận rằng đây là "cột mốc đáng sợ" trong chương trình tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đạt được sớm hơn nhiều năm so với những ước tính trước đây của họ.
"Nó là một quả ICBM đúng nghĩa, chứ không phải một tên lửa kiểu như ICBM. Không có lý do nào để cho rằng nó có tầm bắn tối đa dưới 6.500 km", ông Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến vũ khí James Martin (JMCNS) cho biết.
David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) ở Mỹ tính toán rằng Hwasong-14 có thể dễ dàng bắn xa hơn 6.500 km. "Tầm bắn này không đủ để vươn tới các thành phố lớn của Mỹ hoặc các cụm đảo lớn ở Hawaii, nhưng thừa sức bao trùm toàn bộ khu vực bang Alaska", ông Wright khẳng định.
Các nhà phân tích cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy Triều Tiên đủ khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân thu nhỏ cho tên lửa đạn đạo, cũng như chế tạo được ICBM bắn tới lãnh thổ chính của Mỹ, nhưng thành công của vụ thử Hwasong-14 chứng tỏ cả hai điều kiện này đều nằm trong tầm tay của Bình Nhưỡng.
Tình báo Mỹ đã tìm nhiều cách để ngăn cản chương trình tên lửa Triều Tiên, nhưng nước này vẫn đạt được hàng loạt thành tựu đột phá, bao gồm phát triển thành công động cơ tên lửa dùng nhiên liệu rắn và bệ phóng di động, cũng như chế tạo được tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).
Trước đây, có ý kiến cho rằng tên lửa Hwasong-14 sử dụng một cụm động cơ của tên lửa Musudan. Tuy nhiên, Lewis nhận định Hwasong-14 nhiều khả năng sử dụng động cơ hoàn toàn mới do Triều Tiên tự phát triển, từng được nước này công bố hôm 18/3.
"Nó không phải bản sao động cơ cổ lỗ của Liên Xô, cũng không phải vài động cơ cũ được gắn chung với nhau. Tôi nghĩ họ đã sử dụng thiết kế động cơ nội địa hé lộ cách đây ba tháng và phát triển nó cho ICBM", ông Lewis cho hay.
Trong thông điệp đưa ra sau vụ thử Hwasong-14, Bình Nhưỡng khẳng định quả đạn được điều khiển để bay ở "góc cao nhất", nhằm tránh gây nguy hiểm cho các nước láng giềng. Các chuyên gia quân sự đồng tình rằng quỹ đạo bay cao đáp ứng cho hai mục đích quan trọng.
Đường bay cao sẽ giúp rút ngắn tầm bắn, loại trừ nguy cơ tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Ngoài ra, đường bay này sẽ làm các bộ phận của quả đạn Hwasong-14 rơi xuống vùng nước sâu thuộc biển Nhật Bản, khiến Mỹ và Nhật không thể trục vớt tên lửa để nghiên cứu, cây bút Joby Warrick nhận định.
Tử Quỳnh