1. Bò nấu sốt vang Hà Nội
Bò nấu sốt vang có nguồn gốc từ Pháp, khi du nhập vào Việt Nam được người Hà Nội xưa biến đổi trở nên thuần Việt hơn, được nhiều người yêu thích, nhất là vào mùa đông. Để có món ăn ngon nên chọn phần dẻ sườn. Gia vị đặc trưng gồm có bơ, rượu vang đỏ, quế, hồi, thảo quả.
Khác với bò kho kiểu Nam Bộ, bò sốt vang Hà Nội không có khoai tây hay cà rốt. Màu đỏ nâu từ món ăn này được tạo từ cà chua hoặc thêm chút ketchup. Một số người dùng gấc để tạo màu nhưng khi ăn sẽ không tròn vị như cách nấu người Hà Nội xưa nữa. Nếu muốn nước sốt hơi sánh, có thể xào chút bột mì với bơ cho vào. Một bát bò sốt vang dậy mùi thơm đặc trưng, thịt bò mềm mà không nát, nước sốt sánh nhẹ, màu nâu đỏ, ăn cùng bánh mì hoặc cơm trắng đều ngon.
2. Cà ri gà
Cà ri vốn là món ăn có nguồn gốc từ 2500 trước Công nguyên ở khu vực Pakista với nhiều gia vị như: nghệ, hạt màu điều, hạt ngò, ớt khô, đại hồi, tiểu hồi, thì là, đinh hương, quế, lá thơm, tỏi khô, thảo quả.... Sau đó, món ăn này lan tỏa khắp nhiều nước với hương vị đa dạng.
Cà ri gà mềm ngon, nhiều dưỡng chất giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giàu chất chống oxy hóa tốt cho người già, trẻ nhỏ nhất là trong tiết trời lạnh giá. Gà sau khi rửa sạch, chặt miếng vừa ăn thì ướp với bột cà ri cùng chút gia vị. Sau đó, xào săn gà cho thấm vị rồi cho nước dùng vào ngập thịt đun cho chín, thêm khoai lang (hoặc khoai tây), cà rốt hầm mềm. Cuối cùng rưới nước cốt dừa, hành tây, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Nếu thích sánh thì thêm chút bột cốt dừa. Múc ra bát và thưởng thức nóng cùng bánh mì, bún hoặc cơm trắng đều ngon.
3. Vịt nấu chao
Là món ăn đượm hương vị miền Tây, vịt nấu chao với thịt vịt ngọt mềm, khoai môn bùi dẻo, nước sóng sánh béo ngậy chiếm thiện cảm thực khách, lan tỏa nhiều vùng trong cả nước.
Vịt cần làm kỹ, dùng chanh và muối hạt hoặc rượu gừng chà xát khử mùi, rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Ướp thịt vịt với chao, mắm, đường, sa tế, dầu màu điều, 1/2 lượng hành tỏi sả băm nhuyễn cho thấm vị. Phi thơm hành tỏi, sả còn lại rồi cho vịt vào xào săn. Thêm nước dừa tươi vào hầm khoảng 15 phút thì thêm khoai môn chiên sơ. Khi khoai mềm thì thêm hành lá, ngò gai là được. Khi ăn, chần cho vào các loại rau yêu thích như: rau muống, rau cải xanh, tần ô... Chấm cùng nước chấm chao.
4. Móng giò hầm măng khô
Thịt chân giò mềm ngon kết hợp với măng giòn sần sật ngấu nước dùng đậm vị, nước canh vàng óng ả rất hấp dẫn. Đây là món ăn truyền thống vào mùa đông và mỗi khi Tết đến xuân về của các gia đình miền Bắc.
Để có món ăn ngon cần chú ý: Măng khô phải ngâm và luộc để loại bỏ độc tố cũng như giúp măng nở mềm. Để măng ngon cần nấu 2 lửa (lửa 1 xào cho thấm vị, lửa 2 trút vào ninh cùng móng giò) để măng ngấm trọn vị tinh túy ngọt ngào từ nước dùng. Khi thêm nước vào hầm móng giò nên thêm nước nóng (nước luộc gà, nước đun sôi), đây là bí quyết vừa giúp nồi nước dùng trong, óng vàng, không bị đục.
5. Bồ câu hầm thuốc bắc
Theo Đông y, thịt bồ câu tính bình, vị mặn, giàu giá trị dinh dưỡng. Ngải cứu có tính ôn, hơi cay giúp điều hòa khí huyết, trừ thống, giảm đau, an thần. Thuốc bắc được coi như ‘kháng sinh tự nhiên’ lành tính, bồi bổ sức khỏe cho mọi đối tượng. Món chim câu hầm thuốc bắc giàu giá trị dinh dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.
Chú ý nên chọn chim ra ràng, ức đầy, mỏ neo và đầu cánh mềm là chim ngon, dầy thịt. Bồ câu thịt đỏ hồng sẽ tươi và nhiều chất dinh dưỡng hơn so với bồ câu đen. Để thay đổi khẩu vị, bạn có thể hầm với hạt sen, củ năng, dừa hoặc hầm cùng trái cây (lê, vải)... đều rất tốt cho sức khỏe trong mùa đông.
Bùi Thủy