1. Xôi gấc
Với màu đỏ tự nhiên - màu tượng trưng cho sự may mắn, xôi gấc là món ăn được ưu tiên lựa chọn trong những dịp quan trọng như đám cưới, thi cử của người Việt. Xét dưới góc độ dinh dưỡng, khi thi cử tiêu hao nhiều năng lượng, xôi thường giúp no lâu; còn gấc chứa hàm lượng lycopen cao gấp 70 lần cà chua, beta-caroten gấp 10 lần cà rốt giúp tăng cường thị lực.
Cách làm: Gạo nếp đãi sạch ngâm nước 2 tiếng, vớt ra để ráo nước. Gấc bổ đôi quả, lấy ruột ra đánh cùng chút rượu trắng rồi cho vào nếp đảo đều nhuộm đỏ, để 4 giờ nữa cho màu đượm. Thêm chút muối xóc đều cho đậm vị. Xôi đồ 2 lần lửa là bí kíp để căng mẩy, bóng mượt, để lâu vẫn mềm dẻo.
Lần 1: Đun sôi 1/2 lượng nước trong nồi làm nóng chõ, hạ nhiệt rồi cho gạo nếp gấc vào dàn đều. Thỉnh thoảng xới cho xôi chín đều. Sau 40 - 45 phút lấy xôi ra rá, tãi đều, lấy bỏ hạt gấc rồi cho đường, chút dầu ăn vào đảo đều. Nếu làm nhiều thì để nguội, chia nhỏ các suất đủ đĩa rồi cấp đông.
Lần 2 trước khi ăn nếu xôi cấp đông, rã đông tự nhiên rồi tiếp tục đồ 10 - 15 phút nữa là xôi chín dẻo ngon, lấy ra đơm vào đĩa. Xôi gấc đồ bằng chõ sành là ngon nhất vì xôi rền, căng bóng, vị béo ngậy của gấc quyện vị ngọt nhẹ của đường rất bắt vị.
2. Xôi đỗ
Theo ngũ hành, đỗ xanh biểu trưng cho mộc và có ý nghĩa mang lại bình an, may mắn và gắn kết. Ngoài ra, theo Đông y đậu xanh có vị ngọt tính mát, giúp giải nhiệt, mát gan. Vì thế món xôi đỗ vừa có chữ ''đỗ'' vừa giúp mát gan, dễ hấp thụ nên cũng là món ăn được nhiều sĩ tử lựa chọn.
Cách làm: Để xôi đậu xanh mềm dẻo cần phải chọn hạt đậu đều, vỏ xanh đậm và sáng. Gạo nếp đãi sạch, ngâm nước 6 - 8 giờ cho ngậm no tròn nước. Đậu xanh ngâm 4 giờ cho nở hết, đãi bỏ vỏ. Trộn đều gạo nếp với đậu xanh rồi thêm chút muối và cho vào đồ 2 lần lửa như cách đồ xôi gấc. Nếu không có thời gian có thể nấu xôi đậu xanh bằng nồi cơm điện.
Gạo sau khi vo sạch, ngâm 1 giờ, để ráo nước. Đậu xanh ngâm nước nóng 1 giờ cho nhanh nở, đãi sạch. Sau đó trộn gạo và đậu xanh, thêm chút muối, dầu ăn, rồi lót lá nếp dưới đáy nồi cơm điện và cho gạo nếp trộn đậu xanh vào, lượng nước xâm xấp, bật chế độ nấu cơm. Khi xôi chín đảo nhẹ, xới ra đĩa.
3. Xôi hoàng phố
Ngoài các món xôi truyền thống, xôi hoàng phố luôn được yêu thích vì cách làm đơn giản mà lại bắt vị. Màu vàng của xôi tựa như ánh mặt trời tượng trưng cho may mắn, tốt lành và nguồn năng lượng tích cực.
Cách làm: Gạo nếp đãi sạch, ngâm nước pha bột nghệ khoảng 6 - 8 giờ cho ngậm no tròn nước và ươm màu vàng. Sau đó đổ ra rổ, xả nhẹ nước nhẹ nhàng để bớt mùi nghệ, rồi tãi ra và để ráo nước. Thêm chút muối xóc đều cho đậm vị. Rồi cũng đồ xôi 2 lần lửa cho dẻo mềm, căng mẩy.
Ở lần lửa 1, đồ xôi 35-40 phút vừa chín tới múc ra mâm hoặc mẹt, tãi đều rồi hong quạt cho nguội bớt. Trước khi ăn đồ lửa 2 bằng cách vẩy chút nước lạnh, cầu kỳ hơn thêm chút mỡ gà vào trộn đều và tiếp tục đồ thêm 10-15 phút cho hạt xôi căng mẩy, bóng đẹp, dẻo mềm dù để lâu.
4. Chè đậu đỏ
Một bát chè đậu đỏ mềm, đượm vị ngọt, dậy mùi thơm từ nước hoa bưởi rất hấp dẫn. Đây là món ăn được nhiều bạn trẻ lựa chọn vào ngày thi cử vì vừa giải nhiệt, vừa mang yếu tố may mắn.
Cách làm: Đỗ đỏ đem đãi và nhặt bỏ hạt lép. Nếu có thời gian ngâm đậu đỏ từ 3- 4 tiếng. Muốn nhanh cho đậu đỏ cùng 1/3 thìa cà phê muối hạt vào nồi nước xâm xấp đun sôi, đổ ra rồi rửa sạch. Việc chần này vừa giúp đậu khi ninh nhanh mềm vừa loại bỏ vị chát từ đậu. Cho đậu đỏ vào nồi nước đun sôi, hớt bỏ bọt. Sau đó, hạ lửa nhỏ ninh cho tới khi đậu mềm.
Dùng muôi lỗ vớt hạt đậu ra, ướp với đường, chút muối cho thấm vị ngọt rồi cho lên bếp xào ở lửa nhỏ, đảo nhẹ tay cho vị ngọt quyện đượm vào từng hạt đậu. Trút phần đậu đỏ đã xào đường vào trở lại nồi nước đậu, đun sôi trở lại, hớt bỏ bọt và tắt bếp để nguội. Khi ăn, múc chè đậu đỏ ra cốc, thêm đá lạnh, rưới chút nước hoa bưởi hoặc vani, cốt dừa, rắc dừa nạo và thưởng thức.
5. Đậu phụ sốt cà chua
Món ăn vừa có chữ ''đậu'' lại mang sắc màu đỏ may mắn, giàu dinh dưỡng nên là lựa chọn phù hợp cho thực đơn ngày thi của sĩ tử.
Cách làm: Đậu phụ cắt miếng vuông, dùng dao mũi nhọn cắt hình vuông hoặc tròn ở giữa. Dùng thìa nhỏ múc phần đậu bên trong ra sao vẫn giữ được phần đáy khoảng 1-1,5cm. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nở, rửa sạch, thái nhỏ. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ. Hành khô băm nhỏ. Cho thịt xay cùng mộc nhĩ, nấm hương, hành lá, hành khô vào âu. Nêm chút gia vị đảo đều cho thấm. Xúc lượng nhân vừa đủ nhồi vào phần đậu ở giữa, miết nhẹ cho mịn. Chú ý không ấn mạnh vì dễ làm đậu bị vỡ. Làm lần lượt cho tới hết.
Đun nóng dầu ăn, lần lượt cho đậu vào nhẹ tay và rán vàng đều hai mặt. Cà chua khứa hình chữ thập, rồi đem chần sơ, rửa sạch rồi bóc bỏ vỏ, đem xay nhuyễn hoặc băm nhỏ. Phi thơm hành khô còn lại, cho cà chua vào, nêm chút mắm muối, nước đun nhỏ lửa cho tới khi cà chua mềm nhuyễn. Cho đậu phụ vào đun sôi, om vài phút cho đậu thấm vị. Cuối cùng, nêm hạt nêm, rắc chút hạt tiêu, hành lá đảo đều, múc ra thưởng thức nóng. Từng miếng đậu phụ vỏ dai, bên trong dồn thịt mềm ngọt, nước sốt cà chua đỏ vàng sóng sánh, vị hài hòa dễ ''bắt cơm'' vào mùa hè oi bức.
6. Cánh gà chiên nước mắm
Với ước mong vươn xa, bay cao vượt vũ môn thành công, những món ăn từ cánh gà, cánh chim cũng được nhiều sĩ tử truyền tai nhau lựa chọn. Từng cánh gà vàng óng, da giòn, thịt mềm ngọt, hương vị đậm đà. Món này ăn cùng cơm nóng và xôi đều rất ngon.
Cách làm: Cánh gà làm sạch, ngâm với nước ấm pha muối loãng, thêm vài lát gừng, hành củ đập dập 10-15 phút để khử mùi. Sau đó, rửa sạch, thấm khô. Nếu cánh nhỏ để nguyên, cánh to cắt thành các miếng vừa ăn. Ướp cánh gà với chút gia vị (muối, hạt tiêu, hạt nêm, ớt bột, dầu hào, bột bắp...). Đeo găng tay trộn và thoa đều các mặt, để ướp 15-20 phút cho gia vị thấm đều. Làm nước sốt chua ngọt gồm đường, mắm, tương ớt, nước lọc pha sao cho vừa miệng là được.
Chiên cánh gà: Nên chiên 2 lần lửa vừa giúp cánh gà chín, không bị đỏ xương và giòn hơn. Phi thơm tỏi băm, cho hỗn hợp nước sốt mặn ngọt vào, đun sôi. Khi hỗn hợp sủi bọt, tạo độ keo kết dính cho cánh gà đã chiên vào đảo đều để sốt bám vào các mặt cánh gà. Khi sốt sánh, bao phủ vàng óng tắt bếp, gắp cánh gà ra đĩa, rắc thêm tỏi phi (nếu thích).
Bùi Thủy