Một vài mẹo nhỏ sơ chế ốc hết bùn nhớt giúp cho các món ốc trở nên hoàn hảo hơn.
1. Ngâm ốc vào thau, nồi hoặc thìa kim loại
Cách đơn giản nhất là ngâm vào thau kim loại hoặc để dao sắt, thìa sắt vào cùng trong 2 - 3 giờ. Do kim loại có tính khử, nên khi gặp nước thì khử H2O thành hydro, làm giảm bớt lượng oxy trong nước. Vì thế làm cho ốc há miệng thở, đồng thời nhả bùn nhớt ra ngoài. Sau đó, cọ rửa nhiều lần cho sạch rồi đem chế biến món ăn.
2. Ngâm ốc bằng nước vo gạo hoặc bột mì
Đây là mẹo dân gian được nhiều người áp dụng để làm sạch ốc. Ốc sau khi mua về rửa sạch, ngâm vào nước vo gạo khoảng 2-3 giờ. Lúc này, ốc đánh hơi được thức ăn, há miệng, quơ râu nên chất bùn nhớt cũng theo ra ngoài, vón lại thành từng mảng dưới đáy chậu. Ngoài ra, nước vo gạo giúp cho ốc thơm béo hơn. Nếu không có nước vo gạo thì cho chút bột mì pha vào nước ngâm ốc cũng giúp làm sạch ốc.
3. Ngâm ốc bằng ớt
Theo y học cổ truyền, ớt có vị cay, nóng vì thế dân ''ghiền'' ốc thường ngâm ốc với ớt tươi cắt lát nhằm kích thích ốc mở miệng, nhả tạp chất cho nhanh. Để khử mùi bùn đất, thì ngâm thêm vài lát chanh tươi hoặc ít giấm vào cùng. Sau 2 giờ đem cọ rửa sạch và chế biến nhiều món ngon như ốc luộc, chả ốc, lẩu ốc...
4. Ốc gác bếp, ngâm trứng, sữa
Trong ẩm thực miền Bắc ngày xưa, đặc biệt là Hà Nội khá cầu kỳ trong việc sơ chế ốc.
Ốc nhồi mua về được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào giỏ treo lên giàn bếp, càng nhiều khói càng tốt. Khói và hơi nóng hong khô ốc để tránh ruồi bâu vào, vừa làm cho ốc thơm hơn. Thời gian này có khi cả hàng tuần, ốc chỉ ngủ chứ không chết. Cứ vài ba hôm lại đem xuống ngâm nước vo gạo đặc rồi tiếp tục gác bếp hong khói. Cứ như thế, con ốc trở nên sạch sẽ, hết mùi bùn đất. Cuối cùng, hạ ốc xuống úp miệng vào mâm đồng sâu lòng, đập trứng gà cho hút.
Người dân miền Tây cũng có món ốc lác gác bếp tương tự, chỉ ưu ái có trong các dịp quan trọng. Ốc cũng đem gác bếp ròng rã cả tháng, rồi đem xuống cho ăn sữa tươi, trứng gà. Loại ốc này đem chế biến nhiều món ăn ngon, bình dân và khoái khẩu nhất là món ốc hấp sả chấm cơm mẻ - đặc trưng sông nước nơi đây.
Bùi Thủy