Theo các chuyên gia, khoai môn gây ngứa bởi trong quá trình vọt vỏ, nhựa của loại củ này tiết ra các tinh thể oxalat. Loại chất này được sản sinh giúp các thực vật tự bảo vệ bản thân khỏi động vật ăn cỏ hoặc sâu bệnh. Mức độ ngứa có thể khác nhau, tùy theo thể trạng của từng người.
Để tránh tình trạng bị ngứa khi sơ chế, bạn hãy áp dụng một số mẹo dưới đây.
Đeo găng tay: Cách đơn giản và hiệu quả nhất để tránh ngứa là đeo găng tay. Đồ vật này hoạt động như một hàng rào bảo vệ da khỏi tiếp xúc với các tinh thể oxalat có trong nhựa khoai.
Rửa tay kỹ: Trong trường hợp không đeo bao tay và bị ngứa sau khi gọt vỏ, bạn nên rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước. Trong quá trình thực hiện nên chà xát tay để loại bỏ chất cặn và các tinh thể gây ngứa bám dính trên bề mặt da.
Lưu ý: nên rửa tay bằng nước lạnh hoặc nước ấm, tránh rửa nước nóng bởi dễ làm trầm trọng hơn cảm giác khó chịu.
Rửa tay bằng giấm hoặc nước cốt chanh: Bởi hai dung dịch này đều có tính axit nhẹ giúp vô hiệu hóa các tinh thể oxalat gây ngứa.
Để thực hiện bạn nên làm ướt một vải sạch có tẩm giấm hoặc nước cốt chanh và chà xát lên vùng ảnh hưởng trong vài phút sau đó rửa lại bằng nước.
Nha đam: Với đặc tính làm dịu và chống viêm, nha đam tươi rất thích hợp để chà lên vùng da bị ngứa. Sau khi chờ cho khô, bạn hãy rửa lại bằng nước mát để dứt cảm giác khó chịu.
Bột yến mạch: Bột yến mạch cũng có đặc tính chống ngứa và giảm bớt sự khó chịu do kích ứng với nhựa của khoai môn.
Để thực hiện bạn hãy tạo một hỗn hợp sệt bằng cách trộn bột yến mạch với nước và thoa lên vùng da bị ngứa. Đắp trong 10-15 phút và rửa lại bằng nước sạch để cảm nhận hiệu quả.
Ngâm khoai môn trong nước: Để tránh ngứa hoàn toàn, các chuyên gia khuyên bạn sau khi bóc vỏ hãy ngâm củ trong nước 15 phút trước khi chế biến. Điều này có thể giúp loại bỏ tinh thể oxalat và làm giảm nồng độ của chúng trên bề mặt rau.
Minh Phương (Theo Indiatimes)