Nguyên liệu:
- 350 gr tép (tôm đồng nhỏ)
- 200 gr thịt ba chỉ
- 200 gr lạc cúc đỏ
- 100 gr thịt nạc vai băm (hoặc xay)
- 100 gr tóp mỡ
- 4 quả trứng gà ta
- 3 quả cà chua chín
- 1 quả bầu non
- Hành khô, hành lá, lá chanh
- Rau ghém (xà lách, tía tô, kinh giới, rau mùi, hành chẻ...)
- Gia vị: Mắm truyền thống, muối, đường, hạt tiêu, ớt (tùy chọn)
Cách làm
Tép đồng rang ba chỉ, lá chanh:
Một đĩa tép (tôm đồng bé) khô giòn, vỏ màu nâu đỏ quyện với thịt ba chỉ béo ngậy, đậm vị mặn ngọt. Đây là món ăn dân dã được nhiều người yêu thích vào ngày hè.
Chú ý: Không ướp mắm, muối với tép đồng và thịt ba chỉ vì khi rang vị mặn làm thực phẩm tiết ra nước sẽ bị khô cứng, lâu ráo nước. Với món tép đồng rang ba chỉ miền Bắc thì thường cho hành khô, lá chanh. Món này nên rang 2 lần lửa sẽ giúp món ăn lên màu đẹp mắt và tròn vị.
Lấy khoảng 250 gr tép đồng dùng làm món mặn, còn 100 gr thì giã nấu canh bầu giải nhiệt ngày hè.
Canh bầu:
Theo Đông y, tôm đồng vị ngọt, tính ôn, có công dụng thông nhũ (lợi sữa), bổ thận tráng dương, tiêu thoát mủ, tốt cho xương khớp. Còn quả bầu vị nhạt, tính mát giúp giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận phổi, trừ ngứa... Canh bầu nấu tôm rất tốt cho cơ thể vào ngày nóng.
Canh bầu nấu tôm có ba cách làm khác nhau, tùy theo khẩu vị mỗi người: Canh bầu nấu tôm khô, canh bầu nấu tôm tươi bóc vỏ lấy phần nõn băm nhỏ rồi xào, canh bầu nấu tôm đồng giã lọc lấy nước riêu. Từ xưa, phổ biến và bình dân nhất là canh bầu nấu tôm nhỏ (tép đồng) giã.
Trong tiết trời oi bức, một bát canh bầu nấu tôm đồng vừa thanh mát lại giúp giải nhiệt hiệu quả với bầu non giòn ngọt, nước canh thanh trong, vị vừa vặn, phần riêu tôm béo bùi. Món này ăn cùng cơm trắng, thêm vài ba quả cà muối là tròn vị.
Trứng đúc thịt:
Với nguyên liệu và cách làm đơn giản, món ăn này dễ chiều vị giác người già và trẻ nhỏ bởi trứng phồng xốp quyện với thịt ngọt mềm, thơm mùi hành lá.
Cách làm: Thịt nạc vai băm hoặc xay nhỏ, hành lá cắt nhỏ cho vào bát tô thêm trứng, nêm chút gia vị rồi đánh cho hỗn hợp hòa quyện vào nhau. Đun nóng dầu ăn (lượng vừa phải), múc chả trứng vào rán ở lửa vừa. Khi một mặt vàng thì lật trở rán mặt còn lại là được.
Cà chua chưng tóp mỡ ăn cùng rau sống:
Đây là một trong những món dân dã được nhiều người yêu thích vào thời bao cấp. Thuở ấy, nhà nào cũng có một âu mỡ lợn để xào nấu. Phần mỡ sau khi rán chắt nước để riêng, còn tóp mỡ vàng ruộm dành dụm để chế biến các món cải thiện như: Tóp mỡ chưng cà chua, canh dưa chua tóp mỡ, tóp mỡ rim cay...
Ngày nay, món ăn này vẫn đôi lúc xuất hiện trong bữa cơm của người Hà Nội. Trong tiết trời oi bức, dở nắng dở mưa, một đĩa hoặc rổ rau sống ăn kèm tóp mỡ chưng cà chua rất cuốn vị, có khi xong bữa cơm.
Cách làm: Phi thơm mỡ lợn với hành khô, trút cà chua băm nhỏ vào, nêm chút gia vị rồi xào nhừ. Thêm nước vào xâm xấp rồi đun sền sệt, thêm tóp mỡ, hành hoa, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng là được. Tùy theo khẩu vị có thể thêm chút hạt tiêu, ớt tạo vị the cay.
Lạc rang muối:
Lạc là một trong những món ăn quen thuộc gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ 6X, 7X, 8X với các món như muối vừng, lạc rang muối, canh mướp nấu lạc...
Món lạc rang muối dễ làm lại nhanh gọn ngày nay vẫn thường thấy trong các bữa ăn thường ngày nhiều gia đình miền Bắc. Lạc rang chín, thêm chút mỡ lợn hoặc dầu ăn đảo đều, múc ra rồi trộn với chút bột canh (muối) là được.
Cà muối:
Trong mâm cơm ngày hè miền Bắc không thể thiếu bát cà hoặc dưa muối. Vài ba quả cà muối vàng hanh, giòn tan ăn cùng canh bầu dễ chiều vị giác ngày nóng.
Tráng miệng: Hoa quả theo mùa (mận cơm, nhãn đầu mùa).
Bùi Thủy