1. Gà luộc
Trong mâm cỗ ngày 23 tháng chạp, đêm giao thừa và ngày mồng 1 Tết, gà luộc luôn được ưu tiên và không thể thiếu.
Theo quan niệm xưa, gà trống với tiếng gáy vang báo hiệu sự chuyển giao từ ngày sang đêm, mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác, để rồi kết nối con người và vạn vật sinh sôi thuận tự nhiên. Từ đó mang lại ý nghĩa cho sự khởi đầu mới, mùa mới, năm mới với nhiều may mắn, an phúc đong đầy. Gà lễ được chọn phải là gà trống hoa mới le te tập gáy, tượng trưng cho sự tinh khiết.
2. Canh bóng thả
Đây là một trong bốn món không thể thiếu trong cỗ Tết miền Bắc gồm bóng, vây, măng, miến. Bát canh bóng thả như bức tranh đa màu sắc, hương và vị hài hòa với bì mềm mượt, dẻo dai, nước dùng ngọt thanh, rau củ quả giòn ngon rất đưa miệng, tạo nên ấn tượng khó quên.
Món ăn này từ vẻ ngoài cho tới chất lượng thanh tao, không chỉ gói gọn trọn mùa xuân mà còn gửi gắm ước nguyện về sự an nhiên, êm ấm. Khâu sơ chế bóng phải tinh và kỹ thì mới toát ra được cái hồn món ăn. Chọn bóng bì loại thăn dày, không có lông, ngâm nước vo gạo rồi cắt hình quả trám. Sau đó, tẩy trắng và khử mùi bằng rượu gừng. Phần nước dùng cũng lắm công phu khi lấy nước luộc gà thứ hai (sau khi vớt bỏ bọt và váng mỡ ở lớp trên cùng), rồi thêm tôm khô, gừng hành củ nướng vào nấu lửa thật nhỏ, mở vung cho trong thanh và thơm.
3. Xôi gấc
Trong quan niệm dân gian của người Việt, màu đỏ mang tới sự may mắn, suôn sẻ.
Xôi gấc đỏ tự nhiên như vầng dương (mặt trời) luôn được người dân miền Bắc đưa vào mâm cỗ Tết với biểu trưng cho sự cát tường, thịnh vượng, một năm mới nhiều khởi sắc vẹn tròn.
4. Thịt đông
Từng miếng thịt mềm mướt, mộc nhĩ sần sật quyện vào trong lớp nước đông trong veo như sương mai, vị tròn trịa vừa độ, tất cả tạo nên món ăn thanh mát cho ngày Tết.
Thịt đông tượng là sự tổng hòa nhiều nguyên liệu, mềm mướt trưng cho mối kết giao trong trẻo. Bí quyết để có món thịt đông trong veo là thịt và bì cần chần sơ, rửa sạch để loại bỏ tạp chất. Khi xào săn xong cần thêm vào nước nóng và hớt bỏ bọt, mở nhẹ vung khi nấu.
5. Canh măng khô móng giò
Trong mâm cỗ Tết người miền Bắc không thể thiếu canh măng khô nấu móng giò.
Món ăn đượm hương vị mộc mạc, dân dã đồng quê với măng giòn sần sật, thịt chân giò mềm ngon, nước dùng sóng sánh hấp dẫn. Cách chọn măng cũng lắm cầu kỳ, theo các nghệ nhân ẩm thực thì phải chọn mụp măng khô, màu vàng nhạt, không có xơ thì mới ngon.
6. Nem rán
Đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người dân miền Bắc.
Sự kết hợp tổng hòa của nhiều nguyên liệu (thịt với miến, mộc nhĩ, nấm hương, rau củ qua) biểu trưng cho sức mạnh cộng đồng tương thân tương ái, đồng lòng. Cùng với phở, nem rán cũng được xếp vào danh sách ''quốc hồn quốc túy'' trên bản đồ ẩm thực Việt Nam. Để làm nên những chiếc nem có vỏ giòn vàng giòn, nhân mềm ngọt thì cần một số bí kíp.
7. Dưa hành
Trong mâm cỗ Tết miền Bắc, bên cạnh thịt đông, nem rán, giò chả, bánh chưng thì không thể thiếu món dưa hành.
Món ăn này vừa giúp kích thích tiêu hóa, vừa giúp giải ngấy. Hơn nữa, dưa hành còn phảng phất nét văn hóa nông nghiệp truyền thống. Bí quyết để muối dưa hành trắng giòn chính là cần ngâm hành vào nước vo gạo hoặc tro bếp.
Bùi Thủy