Lễ cúng ông Công, ông Táo năm nay được nhiều gia đình tổ chức từ ngày 18 tới trước giờ Ngọ (11-13 giờ trưa) ngày 23 tháng Chạp.
Theo phong tục tập quán xưa, Táo quân là vị thần chủ về phúc đức với tên gọi "Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân". Bên cạnh 3 bộ mũ áo, hài và cá chép (sống hoặc tạo hình) thì không thể thiếu mâm cỗ mặn gồm xôi, cơm canh, thịt gà, hoa quả.
Tùy theo mỗi vùng miền cũng như điều kiện mỗi gia đình mà lựa chọn các món cỗ phù hợp.
Xem: Bài văn khấn ông Táo
Hiện nay, nhiều gia đình thay cá chép sống bằng cá chép tạo hình từ bánh bao hoặc thạch rau câu, xôi cũng bắt mắt, sau khi thắp hương thì xin thụ lộc. Hơn nữa, việc này có ý nghĩa tránh sát sinh và phóng sinh cá bị kích điện, vứt túi nilon bừa bãi gây ô nhiễm.
Các gia đình cúng cỗ mặn thường là các món truyền thống như xôi, gà luộc, giò lụa, món nộm, món xào, món canh.
Gia đình nào nhiều thế hệ, số lượng thành viên đông thì số lượng bát đĩa (sơn - thủy) nhiều hơn gồm 6 bát 8 đĩa, 10 hay 12 đĩa. Nếu số người ít hơn thì giản tiện cho vừa vặn, phù hợp.
Đặc biệt, màu đỏ luôn được ưu tiên với ý nghĩa mang lại vận khí tốt. Vì thế cần chuẩn bị tấm vải đỏ trải bàn ngay ngắn, sang trọng và miếng vải đỏ dài trải dưới nền đất như miếng thảm đỏ đưa tiễn Táo Quân chầu Trời.
Xôi gấc: Xôi gấc đỏ tự nhiên như mặt trời biểu trưng cho sự cát tường, thịnh vượng, một năm mới nhiều khởi sắc vẹn tròn. Để đồ xôi gấc lên màu đẹp, dẻo mềm, căng mọng cần ngâm gạo đủ thời gian, chọn gấc nếp, vào gạo và gấc tối thiểu 1,5 giờ, đồ xôi 2 lần lửa.
Gà luộc: Nếu luộc nguyên con chọn gà trống, nếu làm cỗ chặt đĩa thì tùy chọn. Để gà luộc ngon cần chọn gà ở các cửa hàng uy tín, khi sơ chế lấy hết tiết, bỏ phổi. Để luộc gà không bị rách da, cháy da phần dưới nên sử dụng nồi đế dày hoặc lót đĩa sứ bên dưới đáy. Gà luộc nên để ngập nước, lửa nhỏ sủi tăm, tùy theo kích thước to hay nhỏ mà thời gian luộc khác nhau. Nếu gà trọng lượng trung bình, da giòn luộc 4 - 5 phút rồi tắt bếp, đậy vung và om gà 30 phút để gà ngậm nước chín đều từ từ, không bị đỏ xương, không bị rách da. Gà luộc xong nên rửa nước sạch, treo cho ráo nước rồi mới bày đĩa hoặc chặt bày ra đĩa. Nếu muốn vàng óng hơn, phết chút mỡ nghệ.
Canh măng: Theo lối cũ, người nội trợ thường dùng măng lưỡi lợn. Măng khô cần ngâm nước vo gạo, luộc kỹ để loại bỏ độc tố. Canh măng muốn ngon, ngấu vị cần nấu hai lần lửa (lần đầu xào với mỡ gà, sau đó nấu với nước dùng từ luộc gà hoặc nước ninh xương). Đồ độn thêm tùy chọn mỗi nhà như móng giò, thịt bò hoặc sườn đều ngon.
Tùy theo mỗi vùng miền, gia đình mà làm nem thịt, nem tôm thịt hoặc nem cua bể đều ngon. Sự kết hợp tổng hòa nhiều nguyên liệu (thịt, tôm, cua, miến, mộc nhĩ, nấm hương, rau củ quả) toát lên sức mạnh cộng đồng tương thân tương ái. Để làm nên những chiếc nem có vỏ giòn vàng giòn, nhân mềm ngọt thì cần một số bí kíp như: Nguyên liệu khô ráo, nhân chỉ dùng lòng đỏ (còn lòng trắng dán mép khi cuốn), gói vừa phải không chặt quá làm nem vỡ, chiên 2 lần lửa.
Hành muối: Món ăn này vừa làm ấm bụng ngày lạnh, vừa kích thích tiêu hóa và giúp giải ngấy hiệu quả. Hơn nữa, dưa hành còn phảng phất nét văn hóa nông nghiệp truyền thống. Bí quyết để muối dưa hành trắng giòn chính là cần ngâm hành vào nước vo gạo hoặc tro bếp mấy ngày rồi mới muối.
Bùi Thủy