Dưới đây là một số gợi ý về những món xôi ngon cho ngày Tết.
1. Xôi gấc
Theo quan niệm xưa, màu đỏ mang lại sự may mắn, hạnh phúc. Bởi thế xôi gấc với sắc màu son tự nhiên luôn được ưu ái trong cỗ Tết, nhất là mồng 1 để khởi đầu cho một năm vẹn tròn. Nấu xôi gấc cũng lắm tỉ mỉ. Nên chọn quả gấc nếp thì màu đỏ tươi hơn, nếp thì ưu tiên nếp cái hoa vàng hoặc nếp nương dẻo mềm.
Gạo nếp đãi sạch ngâm nước 2 tiếng, vớt ra để ráo nước. Gấc bổ đôi quả, lấy ruột ra đánh cùng chút rượu trắng rồi cho vào nếp đảo đều nhuộm đỏ, để 4 giờ nữa cho màu đượm. Thêm chút muối xóc đều cho đậm vị. Xôi đồ 2 lần lửa là bí kíp để căng mẩy, bóng mượt, để lâu vẫn mềm dẻo. Lần 1: Đun sôi 1/2 lượng nước trong nồi làm nóng chõ, hạ nhiệt rồi cho chõ gạp nếp gấc vào dàn đều. Thỉnh thoảng xới cho xôi chín đều. Sau 40 - 45 phút thì lấy xôi ra giá, tãi đều, lấy bỏ hạt gấc rồi cho đường, chút dầu ăn vào đảo đều. Nếu làm nhiều cho cả Tết thì để nguội, chia nhỏ các suất đủ đĩa rồi cấp đông. Lần 2 trước khi ăn nếu xôi cấp đông thì rã đông tự nhiên rồi tiếp tục đồ khoảng 10 - 15 phút nữa là xôi chín dẻo ngon, lấy ra đơm vào đĩa. Xôi gấc đồ bằng chõ sành là ngon nhất vì xôi rền, căng bóng, vị béo ngậy của gấc quyện vị ngọt nhẹ của đường rất bắt vị.
2. Xôi đậu xanh
Theo ngũ hành, đậu xanh biểu trưng cho yếu tố mộc và có ý nghĩa mang lại bình an, gắn kết. Ngoài ra, theo Đông y thì đậu xanh có vị ngọt tính mát, giúp giải nhiệt, mát gan. Vì thế nhiều món ăn ngày Tết ưu ái đậu xanh như một nguyên liệu không thể thiếu như: Bánh chưng, xôi đậu xanh, xôi chè, bánh đậu xanh...
Để làm được đĩa xôi đậu xanh mềm dẻo, bùi bùi cần phải chọn hạt đậu đều, vỏ xanh đậm và sáng. Gạo nếp đãi sạch, ngâm nước 6 - 8 giờ cho ngậm no tròn nước. Đậu xanh ngâm 4 giờ cho nở hết, đãi bỏ vỏ. Trộn đều gạo nếp với đậu xanh rồi thêm chút muối và cho vào đồ 2 lần lửa như cách đồ xôi gấc. Nếu không có thời gian thì có thể nấu xôi đậu xanh bằng nồi cơm điện. Gạo sau khi vo sạch, ngâm 1 giờ, để ráo nước. Đậu xanh thì ngâm nước nóng 1 giờ cho nhanh nở, đãi sạch. Sau đó trộn gạo và đậu xanh, thêm chút muối, dầu ăn, rồi lót lá nếp dưới đáy nồi cơm điện và cho gạo nếp trộn đậu xanh vào, lượng nước xâm xấp, bật chế độ nấu cơm. Khi xôi chín thì đảo nhẹ, xới ra đĩa đơm.
3. Xôi trám
Xôi trám với màu hồng tím nhẹ căng mẩy, tỏa hương vị từ núi rừng, khi ăn cảm nhận vị bùi béo từ trám đen, chút béo ngậy từ thịt khiến ai cũng thích thú. Đây là món ăn truyền thống vào dịp lễ Tết, cưới hỏi của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.
Xôi trám với màu hồng tím như một lời chúc phúc, thịnh vượng. Trám thường chỉ có vào mùa thu, nhưng nhiều người lỡ ''thương nhớ'' nên om và sơ chế, hút chân không và dự trữ trong ngăn đá tủ lạnh, để khi lễ tết hay dịp đặc biệt đưa ra làm món xôi đẹp mắt, thơm ngon.
4. Xôi xéo
Một đĩa xôi xéo đủ sắc, hương và vị luôn đầy sức cuốn hút. Từng hạt xôi dẻo mềm, vàng ươm, vị bùi bùi từ đậu, vị béo ngậy từ mỡ, thêm chút giòn rụm từ hành phi khiến cho ăn no mà vẫn muốn ăn thêm.
Trong các loại xôi thì cách làm xôi xéo khá cầu kỳ từ khâu làm hành phi sao cho giòn rụm tới cách ngâm gạo nếp với nghệ để khi đồ ánh lên màu vàng tươi mà không hăng. Xôi xéo thêm chút ruốc bông làm cho món ăn thêm tròn vị.
5. Xôi chim
Để đổi vị thì món xôi chim là lựa chọn hợp lý khi ăn cùng dưa góp. Xôi dẻo mềm hòa quyện với thịt chim béo bùi, hành phi thơm lừng, giòn rụm cuốn hút từ cái nhìn đầu tiên.
Có thể sử dụng chim cút, chim ngói, chim câu... Chim sơ chế xong nên thui qua cho thơm rồi mới lọc thịt, băm nhuyễn, ướp chút gia vị, xào săn trên lửa lớn để giữ vịt ngọt mềm tự nhiên. Sau khi đồ xôi lần 1 chín 80% thì cho thịt chim câu vào trộn đều đồ tiếp lửa 2 thì tất cả quyện lại ngọt bùi rất ngon.
6. Xôi cốm
Xôi cốm được làm từ cốm tươi, hạt sen, đỗ xanh, dừa nạo sợi mang hương vị mộc mạc của đất trời. Nhiều người thích xôi cốm bởi món ăn này vẫn còn giữ được hương thơm thanh tao của hương sữa non trong cốm.
Cốm gói vào lá sen rồi trữ trong ngăn đá, sử dụng được quanh năm. Cốm rã đông rồi vẩy thêm chút nước, dàn đều, thêm 1 thìa canh dầu ăn trộn đều để giúp hạt cốm tơi ra. Rưới chút nước cốt dừa vào cốm đảo đều, rồi cho vào xửng (đã thoa chút dầu ăn), hấp trong 4-5 phút cho hạt cốm hơi mềm là lấy ra. Dùng dao thái nắm đậu xanh thành lát mỏng (giống cách làm xôi xéo để giúp đậu mịn) rồi đảo đều cùng cốm. Thêm hạt sen, dừa xào trộn đều là hoàn thành.
Bùi Thủy