Các loại khoai sọ, khoai môn, khoai mỡ trên bề mặt củ có chứa lớp chất nhầy mỏng acid oxalic (còn được gọi oxalat) gây kích ứng nhẹ, gây ngứa. Ngoài ra, còn có cả chất saponin dễ làm da bị ửng đỏ gây nên cảm giác rát hơn.
Một số mẹo trước khi gọt khoai sọ dưới đây giúp hạn chế bị ngứa khi sơ chế.
Luộc sơ: Đun sôi nồi nước, thêm chút muối hạt rồi cho khoai sọ vào luộc sơ. Cách này giúp hòa tan lượng lớn chất saponin và acid oxalic nên không bị ngứa khi sơ chế. Đổ khoai ra cho nguội rồi dễ dàng bóc bỏ vỏ.
Gọt khô: Nếu rửa khoai hoặc tay ướt dễ làm cho chất nhầy ở lớp vỏ bám dính vào tay gây ngứa. Theo kinh nghiệm dân gian, gọt khoai sọ nên để khô (khoai khô và tay khô). Gọt xong ngâm vào thau nước muối loãng rồi mới chế biến.
Đeo găng tay: Đây là cách nhanh gọn nhất để tránh da tay tiếp xúc với chất oxalat và saponin gây kích ứng ngứa.
Ngâm nước chanh hoặc giấm: Trước khi gọt ngâm khoai vào nước pha giấm hoặc nước cốt chanh. Hai dung dịch này có tính axit nhẹ giúp vô hiệu hóa phần nào các tinh thể oxalat, saponin gây ngứa.
Nếu không may gọt trực tiếp khoai sọ bị ngứa thì bạn xử lý theo cách sau: Cho một chút muối hạt hoặc nước cốt chanh vào chà xát đều lòng bàn tay và chỗ ngứa rồi rửa sạch lại sẽ giảm tới 80%. Một số người hơ tay qua lửa nóng cũng giảm ngứa rõ rệt.
Khoai sọ theo Đông y, tính bình, vị ngọt vào ba kinh tỳ, vị và đại tràng có tác dụng nhuận tràng, chữa bỏng lửa, viêm khớp, viêm thận, sưng hạch, bạch huyết. Theo các nghiên cứu, trong 100 gr khoai sọ tươi chứa 60 gr nước; 1,8 gr protein; 64 mg calcium; 75 mg photpho; 1,5 mg sắt; 0,02 mg caroten, cùng nhiều vitamin như B1, B2, PP, C rất tốt cho cơ thể đặc biệt là người suy nhược, mệt mỏi, táo bón.
Nhiều món ăn từ mùa hè được đưa vào thực đơn như canh cua khoai sọ rau rút, vịt om sấu, khoai sọ nấu sườn non.
Bùi Thủy