A. Nguyên liệu:
200 gr thịt ba chỉ
250 gr tép (tôm đồng nhỏ)
300 gr lòng non, dồi
2 quả cà chua
1 bó rau muống
Hành khô, hành lá
Dưa cải (tự muối)
Sấu dầm nước canh
Gia vị: Mắm, muối, đường, hạt nêm, hạt tiêu
Tráng miệng: dưa hấu hoặc hoa quả khác tùy chọn
B. Thực hiện
1. Tép đồng rang thịt ba chỉ
Tép đồng cắt bỏ râu, ngâm nước muối loãng rồi rửa sạch, để ráo nước. Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn. Hành khô thái lát. Lá chanh thái chỉ, lá chanh giúp món ăn dậy mùi thơm đặc trưng. Ớt thái lát (tùy chọn).
Đun nóng chảo, cho thịt ba chỉ vào đảo đều cho tới khi xém cạnh và ra bớt mỡ. Múc thịt ra để riêng, trút phần mỡ ra, chỉ để lại hai thìa rang tép. Cho tép đồng vào chảo vừa rang thịt, đảo đều cho tới khi tôm ráo nước và vỏ chuyển màu hồng đỏ.
Trút phần thịt ba chỉ đã rang vào chảo tôm tiếp tục đảo đều cho mỡ quyện vào tôm. Khi ráo hẳn nước cho đường, mắm đảo đều ở lửa nhỏ vừa. Lúc này, đường và nước mắm quyện và làm chuyển màu nâu đỏ mắt bao cả tép đồng và thịt. Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Cuối cùng thêm lá chanh thái chỉ, ớt và rắc chút hạt tiêu cho dậy mùi thơm. Tép đồng khô giòn, vỏ màu nâu đỏ quyện với thịt ba chỉ béo ngậy, đậm vị mặn ngọt.
2. Lòng xào dưa
Tùy theo khẩu vị mà chọn mua lòng già hoặc lòng non xào dưa đều ngon.
Chọn lòng non ngon với các đặc điểm như dày, bóp nhẹ bên trong ra dịch màu trắng là không bị đắng, nếu dịch màu vàng sẽ bị đắng. Lòng non cắt thành các đoạn nhỏ 30-35 cm cho dễ sơ chế, cho lòng vào chậu thêm chút giấm và muối hạt, dùng tay bóp nhẹ đều cho ra bớt phần dịch bên trong. Sau đó, khoắng rửa sạch (chú ý không bóp mạnh). Tiếp tục cho lòng vào chậu, vắt thêm nước cốt chanh, đập vài lát gừng ngâm 15 phút cho lòng sạch, thơm. Chần sơ lòng, vớt ra rồi cắt khúc vừa ăn, ướp chút mắm, muối, gia vị cho đậm đà. Thêm dồi nếu thích.
Dưa chua rửa sơ qua cho bớt chua, cắt khúc vừa ăn. Cà chua rửa sạch, thái múi cau. Rau răm, hành lá rửa sạch thái khúc. Ớt bỏ hạt thái lát hoặc thái chỉ (tùy chọn).
Phi thơm hành tỏi, cho lòng vào xào sơ lại rồi múc ra để riêng. Phi thơm hành, tỏi còn lại rồi cho dưa vào xào. Nếu dưa chua thêm chút đường cho dịu. Sau đó, cho cà chua vào đảo sơ.
Khi dưa và cà chua khô ráo, săn lại trút lòng già đã xào vào đảo đều cho thấm vị. Vị chua từ dưa tiết ra làm cho lòng bay mùi, vị giòn ngọt. Sau đó, cho thêm dồi luộc (tùy chọn), đảo nhẹ rồi nêm nếm mắm, hạt nêm cho vừa vị. Thêm hành lá, rau răm, ớt đảo qua, rắc chút hạt tiêu, tắt bếp, múc ra đĩa.
3. Rau muống luộc, nước canh dầm sấu
Rau muống nếu chọn được rau ra mới đợt đầu của mùa mới là ngon nhất vì rau thả bè rau muống vào mùa mưa nên xanh mềm, nước trong. Không nên mua rau cọng đanh cứng, xanh đen, lá to vì luộc dễ xỉn màu, dai cứng, nước đục chát.
Rau mua về nhặt, rửa vài ba nước cho sạch, vớt ra rổ.
Đun sôi nồi nước (phải ngập rau), thêm chút muối hạt. Khi nước sôi bùng cho rau muống vào, lấy đũa cả nhấn chìm xuống. Rau sôi vài dạo vớt ra tãi trên rổ tre thưa cho nhanh nguội để rau xanh mướt, rồi gắp vào đĩa. Khi ăn chấm cùng nước mắm ngâm sấu chua thanh rất bắt vị. Nếu không có chấm nước mắm chanh tỏi ớt, tương nếp đều ngon.
Cho sấu vào luộc cho mềm rồi dầm ra tạo vị chua thanh tự nhiên. Lúc này nước rau từ xanh chuyển màu trong vắt.
Người Hà Nội xưa luộc rau không cho muối vì món rau luộc thường ăn kèm thịt thịt ba chỉ rang cháy cạnh hoặc tôm rang đã vốn đậm đà. Một số vùng khác ở miền Bắc không có sấu, cho cà chua vào dầm cũng ngon, tạo dư vị riêng.
4. Cà muối
Nên muối sẵn cà vào cuối tuần và chia nhỏ ăn dần.
Cà muối không nên ăn nhiều vì theo các nghiên cứu, món lên men chua có nồng độ axit cao, chứa nhiều muối nên mỗi người chỉ ăn khoảng 50 gr mỗi tuần. Đặc biệt là những người mắc bệnh dạ dày, thận, cao huyết áp, phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều dưa cà muối.
5. Cơm nấu bằng niêu đất là ngon nhất, có hương vị rất riêng.
6. Hoa quả tráng miệng tùy chọn theo mùa: Dưa hấu, dứa, ổi.
Bùi Thủy