A. Nguyên liệu
1. Sườn xào chua ngọt
800gr sườn thăn
Hành khô, tỏi
2. Ngao hấp dứa
1 kg ngao
1/2 quả dứa
Sả, ớt
3. Canh hoa thiên lý nấu giò sống, tôm khô
200 gr hoa thiên thiên lý
100 gr giò sống
20 gr tôm khô
4. Quả lặc lè luộc
5. Dưa cải muối chua
6. Gia vị: Mắm, muối, đường, hạt nêm, giấm, hành khô
7. Hoa quả tráng miệng theo mùa (bưởi, cam, dưa hấu, dưa lê, vải, mận...)
B. Thực hiện: Bên cạnh các món ăn chắc dạ, mang biểu trưng của sự may mắn vào dịp thi cử như xôi gấc, xôi đậu, chè đậu đỏ, bữa cơm cho sĩ tử vào mùa hè cần đảm bảo chất, giải nhiệt và cân đối dinh dưỡng các nhóm chất tinh bột, đạm, rau xanh.
1. Sườn xào chua ngọt: Sườn xào chua ngọt kiểu Hà Nội và miền Bắc nói chung gồm các nguyên liệu đơn giản như sườn, giấm, mắm, đường cùng hành tỏi khô. Sườn mềm, dễ róc thịt, vị chua mặn ngọt hài hòa, nước sốt sánh lên màu nâu đỏ tự nhiên. Món ăn này kích thích vị giác, được nhiều người yêu thích vào ngày hè.
Cách làm:
Sườn chặt miếng vừa ăn, dùng dao nhỏ nhọn rạch sau sườn để khi ăn róc xương hơn. Chần sơ sườn rồi vớt ra rửa sạch, thấm khô ướp chút bột hành, bột tỏi (hoặc nước cốt tỏi, hành giã) cùng chút gia vị cho thấm.
Làm sốt sườn gồm nước mắm, đường, giấm, nước theo tỷ lệ: 1:1:1:0,5 (3 thìa canh đường, 3 thìa canh nước mắm 30 - 40 độ đạm, 3 thìa canh giấm trắng, 1,5 thìa canh nước lọc). Nếu dùng nước mắm độ đạm cao sẽ mặn hơn, tùy chỉnh theo khẩu vị. Khuấy đều cho tan.
Đun sôi dầu nóng, hạ nhỏ lửa và gắp sườn vào rán vàng đều các mặt.
Phi thơm hành tỏi (phần xác đã vắt nước), rồi cho hỗn hợp nước sốt cùng sườn vào. Đảo đều cho tới khi nước sốt sền sệt và hơi keo lại, bám đều các mặt sườn, sánh màu nâu đỏ đẹp mắt là được.
2. Ngao hấp dứa, sả, ớt: Theo Đông y, thịt ngao tính hàn, vị ngọt mặn, có tác dụng giải độc, tiêu khát, tư âm, lợi thủy, hóa đờm. Món ngao hấp dứa, sả, ớt vừa nhanh gọn lại vừa đẩy đưa vị giác, thanh mát ngày hè.
Cách làm:
Ngao lựa các con vỏ sáng, nặng tay, không có mùi hôi là những con ngao tươi ngon.
Ngao mua về rửa sạch rồi ngâm nước ấm (tỷ lệ nước lạnh và sôi là 1:5), thêm chút muối hạt tạo môi trường giống biển, vài ba quả ớt cắt lát để ngao hô hấp và nhả cát nhanh. Để ngao ngâm ở nơi yên tĩnh khoảng 1 tiếng là nhả sạch bùn cát, rửa sạch.
Dứa gọt bỏ vỏ, cắt miếng vừa ăn. Sả, ớt thái lát. Tùy theo khẩu vị mà cho nhiều ớt hay ít.
Bí quyết để luộc hay hấp ngao béo tròn, không bị teo là: Đun sôi nồi nước, thêm sả, ớt, dứa rồi cho ngao vào đảo đều tay. Khi nước sôi trở lại, canh kỹ thấy ngao hơi hé miệng mở vỏ tắt bếp, thêm rau răm, đậy nắp lại. Dưới sức nóng của nồi đậy vung, ngao sẽ chín tới và mở hết vỏ, lúc này ăn là đầy đặn và ngon. Chú ý không hấp ngao lâu quá làm teo thịt, bị khô dai.
3. Canh hoa thiên lý giò sống, tôm khô: Hoa thiên lý màu xanh tươi, giò chín tới, tôm mềm, nước canh thanh ngọt hấp dẫn. Đây là món canh phổ biến của vùng đồng bằng Bắc Bộ giúp giải nhiệt trong những ngày hè.
Cách làm:
Hoa thiên lý chọn những bông thiên lý còn e ấp nụ vì lưu giữ hương thơm, giúp món ăn ngon hơn. Đem hoa thiên lý nhặt bỏ cuống già, rửa sạch rồi để ráo nước.
Tôm khô rửa sạch, ngâm nước ấm cho mềm. Vị ngọt thanh từ tôm khô giúp cho món ăn trở nên hấp dẫn.
Cho lượng nước vừa đủ, cho tôm khô cùng nước ngâm vào ninh mềm để lấy nước dùng ngọt tự nhiên. Chú ý hớt bỏ bọt cho nước trong. Dùng thìa tròn dấp ít dầu ăn cho đỡ dính, múc giò sống thả vào nồi nước dùng. Khi giò nổi lên mặt nước là đã chín. Nêm mắm, muối, hạt nêm cho vừa miệng. Cho hoa thiên lý vào. Khi nước sôi trở lại đảo hai dạo chín tới là được, Tắt bếp, múc canh ra thưởng thức.
4. Rau củ quả luộc (tùy chọn): Quả lặc lè (còn có nhiều tên gọi khác như lặc lày, mướp rừng, mướp Mường, mướp Nhật...) vỏ ngoài sọc xanh trắng gần giống dưa gang. Theo nhiều nghiên cứu, lặc lè có tác dụng thanh nhiệt và cung cấp nhiều vitamin A, chất oxy hóa flavonoid như beta carotene, lutein và xanthin rất tốt cho mắt. Khi luộc nên để nguyên cả vỏ vì tạo độ giòn và hương vị riêng. Đun sôi nước, thêm chút muối rồi cho lặc lè vào luộc chín tới là được, khi ăn chấm với muối vừng hoặc nước mắm đều ngon.
5. Dưa cải muối: Dưa cà muối giúp bữa ăn thêm tròn vị nhưng không nên ăn nhiều vì theo các nghiên cứu, các món lên men chua có nồng độ axit cao, chứa nhiều muối nên mỗi người chỉ ăn khoảng 50 gr/tuần. Đặc biệt là những người mắc bệnh dạ dày, thận, cao huyết áp, phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều dưa cà muối.
Cách làm:
Dưa cải (1kg) mua về phơi hơi héo, rửa sạch, cắt khúc vừa ăn rồi ngâm vào nước muối loãng, vớt ra để ráo.
Hành hoa rửa sạch, thái khúc, giữ lại phần gốc hành rửa sạch cho vào muối cùng cho thơm.
Đun sôi nước thêm 4 thìa canh muối hạt, thêm chút đường khuấy cho tan, để cho nước nguội hoặc hơi âm ấm khoảng 40 độ.
Cho dưa cải trộn hành hoa, rễ hành vào vại sành sứ, rồi đổ nước muối đã nguội hoặc âm ấm vào nén chặt, để nơi thoáng mát. Sau 2-3 ngày dưa cải lên men, chuyển màu vàng là dùng được.
6. Tráng miệng: Hoa quả theo mùa ngon và rẻ (bưởi, cam, xoài, dưa hấu, vải ...).
Bùi Thủy