Anh Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Văn Khu ở Hà Nội là hai đầu bếp đồng thời là những người đam mê xê dịch chia sẻ một số kinh nghiệm giữ cho đồ ăn tươi mới và an toàn khi đi cắm trại.
Lập kế hoạch
Đầu tiên bạn cần xác định thời gian chuyến đi, tìm hiểu địa điểm cắm trại và lập kế hoạch thực phẩm.
Việc xác định rõ lúc nào đi, đi mấy ngày, cung đường di chuyển, số người tham gia, ở ngoài thiên nhiên hay về nhà nghỉ là rất quan trọng vì nó quyết định cách chúng ta bảo quản thực phẩm như thế nào, mang theo loại thực phẩm gì và mang bao nhiêu.
Hãy chuẩn bị thật đơn giản, ước lượng phần thức ăn và nước uống vừa đủ cho chuyến đi để tránh phải mang vác nhiều. Thông thường, một chuyến đi cắm trại cần danh sách thực phẩm gồm bốn nhóm chính: Nhóm protein như thịt, cá, xúc xích; Nhóm tinh bột như bánh mì, yến mạch, mì ăn liền; Nhóm rau củ hoa quả, nhóm này nên mua các loại củ quả có thể bảo quản lâu ngày ở nhiệt độ thường như bí ngô, khoai tây, khoai lang, hành tây, cà rốt, táo, chuối, cam và nhóm cuối cùng là snack (đồ ăn vặt). Nhóm snack rất quan trọng, dùng để ăn lót dạ trong quá trình di chuyển trên đường như khoai tây đóng hộp, đồ khô, cháo ăn liền, cà phê, trà và đồ uống nhanh như nước ngọt, bia, nước suối.
Nhưng trước khi ra chợ hay vào siêu thị, nên kiểm tra tủ nhà mình còn gì hoặc bạn bè có thực phẩm gì để cùng nhau góp vào cho chuyến đi thay vì đi mua thêm gây lãng phí.
Nếu chuyến đi kéo dài nhiều ngày, hãy chuẩn bị thêm lương khô và lấy nước ở các điểm dừng chân trên đường.
Thực đơn
Tùy sở thích và gu ẩm thực nhưng khi đi dã ngoại nên chọn những món nướng. Món nướng có cách chế biến đơn giản, tiết kiệm thời gian và dễ sử dụng cho nhiều đối tượng. Chỉ cần một loại thực phẩm chính như thịt bò, thịt gà, thịt lợn sơ chế, tẩm ướp sẵn rồi đóng gói cấp đông sâu trước ở nhà, tới nơi cắm trại lấy ra nướng trên bếp rất nhanh gọn, tiện lợi.
Ngoài ra, các món rau trộn, salat cũng được ưu tiên. Các loại bánh kẹp như sandwich có thể mua sẵn rồi kẹp với các món thực phẩm nướng như trên là rất phù hợp.
Trứng, mỳ, bún khô hay cháo pha sẵn cũng là lựa chọn tốt giúp đa dạng và đổi món. Đồ uống có ga, hoa quả tráng miệng (chỉ nên mang 2 loại) là cần thiết cho những bữa tiệc ngoài trời mùa hè.
Cách sơ chế sườn nướng BBQ
Chuẩn bị sườn heo (tảng lớn) khoảng 1,5kg. Rửa sạch và lột da, sau đó khứa thành nhiều cây sườn nhỏ hoặc chặt miếng vừa ăn tùy sở thích. Tiếp theo, làm sốt ướp bằng cách kết hợp tương cà chua (45g), sốt worcestershire (5g), nước tương (70g), tỏi bằm nhuyễn (15g), đường (50g), nước táo ép (40ml), dầu oliu (40ml), muối (8g), bột canh Ajinomoto (6g), tiêu (5g), sốt nướng cholimex (60g), mustard dijon (4g), tương ớt (40g), lá thyme khô (4g), lá origano khô (3g) và lá rosemary khô (3g). Ướp sườn trong hỗn hợp này rồi cho vào túi mang đi cấp đông.
Cách sơ chế hải sản
Hải sản tươi muốn giữ đúng vị ngon ngọt không nên tẩm ướp gia vị. Hải sản chỉ cần sơ chế, rửa sạch để ráo rồi đóng túi mang đi cấp đông sâu là được. Hoặc nếu muốn tẩm ướp, chỉ nên ướp nhẹ với chút tiêu, muối hoặc sa tế.
Đóng gói và bảo quản
Sẽ thách thức hơn khi phải đóng gói thức ăn cho nhiều hơn một ngày bởi không có tủ lạnh để bảo quản, nếu thời tiết quá nóng, thực phẩm rất dễ lên mùi và bị hỏng. Việc này nên tiến hành trước khi đi khoảng hai ngày với các loại thực phẩm thuộc nhóm protein.
Thịt, cá sau khi sơ chế, tẩm ướp nên chia theo khẩu phần bữa ăn (mỗi bữa người lớn cần trung bình 300 gr thịt) rồi cho vào hộp nhựa kín hoặc túi zip mang đi cấp đông trước khi cho vào thùng đá giữ nhiệt. Như vậy có thể bảo quản tới hai ngày mà không hỏng.
Các hộp nhựa hoặc túi zip đựng thức ăn nên được ghi nhãn với ngày và bữa ăn sẽ sử dụng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sự lộn xộn khi phải lấy ra dùng. Nếu không sắp xếp theo ngày và bữa ăn, hãy ghi nhãn các hộp/túi đựng thức ăn theo món hoặc thành phần để dễ nhận biết chúng ở trong thùng đá.
Ưu tiên túi hút chân không là một mẹo hay. Việc sử dụng túi hút chân không sẽ giúp tiết kiệm diện tích của ngăn chứa, loại túi này cũng truyền nhiệt nhanh hơn hộp nhựa và đảm bảo cho các loại thực phẩm sau khi tẩm ướp sẽ được bảo quản kín trong đó, rất an toàn.
Cần có nhiều đá viên để trữ trong thùng giữ nhiệt, vừa để sử dụng làm đồ uống, lại vừa để bảo quản thực phẩm. Cũng có thể thay đá viên bằng các chai nước đã được cấp đông thành đá lạnh từ trước, hoặc túi đá gel. Không nên dùng đá khô, dễ gây bỏng lạnh.
Trong một số trường hợp, nếu nơi cắm trại có suối chảy qua, có thể bọc thực phẩm thật kín rồi dìm sâu xuống dòng nước. Nước suối mát lạnh có thể giúp giữ thực phẩm được tươi ngon.
Dụng cụ nấu nướng
Với những món ăn được gợi ý ở trên thì một chiếc lò nướng than hoa sẽ là lựa chọn tốt. Dùng loại lò này có thể tận dụng cả củi trên rừng do cành khô gãy xuống để đốt, hoặc những đống củi mà nhóm đi chơi trước để lại. Tuy nhiên lò nướng than hoa sẽ lích kích, phải mang theo nhiều công cụ khác như máy đánh lửa, rìu bổ củi, cưa và phải chăm sóc rất mất thời gian.
Một dụng cụ khác là lò nướng gas loại mini. Loại lò nướng bằng gas này rất tiện lợi và an toàn, sẽ không phải chăm sóc gì nhiều, miễn có gas là được.
Tùy vào sở thích và khả năng của người đi cắm trại mà lựa chọn dụng cụ phù hợp.
Quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm
Những thực phẩm tươi sống (nhóm protein) không thể để ngoài trong thời tiết nóng (khoảng 30 độ C hoặc cao hơn) quá một giờ; trong thời tiết ôn hòa không quá hai giờ. Điều quan trọng nhất vẫn là bảo quản bằng đá lạnh.
Nên rửa tay liên tục trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm. Nếu không thể rửa tay bằng nước sạch, sử dụng dung dịch rửa tay khử trùng có chứa ít nhất 60% cồn để giảm vi khuẩn và vi trùng.
Những gợi ý trên đây là phương án đơn giản ai cũng có thể thực hiện. Còn nếu người cắm trại có đủ dụng cụ chuyên dụng hoặc ở nhà nghỉ khách sạn, có khả năng kết nối các nguồn điện, rất có thể bạn sẽ có một chiếc tủ lạnh hoặc tủ đông để lưu trữ thực phẩm, lúc đó sẽ có nhiều lựa chọn hơn về đồ ăn cho chuyến cắm trại.
Thái Lê