Truyền thông Israel tuần trước đưa tin Cục Tình báo và Chiến dịch Đặc biệt (Mossad) và Cơ quan An ninh Israel (Shin Bet) đã thành lập một đơn vị đặc biệt mang tên Nili, viết tắt của cụm từ "Sự vĩnh cửu của Israel sẽ không nói dối" trong tiếng Do Thái.
Đơn vị có nhiệm vụ chính là săn lùng và hạ các thành viên của Nukhba, lực lượng biệt kích tinh nhuệ dẫn đầu chiến dịch tấn công hiệp đồng của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7/10 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng.
Mục tiêu hàng đầu của Nili còn bao gồm những chỉ huy cấp cao Hamas đứng sau cuộc tấn công, như thủ lĩnh cánh vũ trang Mohammed Deif và cấp phó Marwan Issa, cũng như lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza Yahya Sinwar.
Chính phủ Israel thường không lên tiếng về các hoạt động tình báo, trong đó có biệt đội Nili, song giới chuyên gia cho rằng có nhiều lý do để Israel thành lập đơn vị này.
"Điều lệ của Mossad quy định rõ nhiệm vụ của lực lượng này bao gồm vô hiệu hóa các mối đe dọa với Israel và tiến hành các hoạt động trả thù. Nói cách khác, săn tìm các tay súng Hamas là một phần trách nhiệm của họ", Shahin Modarres, chuyên gia về tình báo Iran - Israel tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Verona (ITSS), trụ sở tại Italy, cho biết.
Modarres cũng cho rằng đây là nỗ lực nhằm lấy lại hình ảnh cho tình báo Israel, vốn bị tổn hại đáng kể vì không phát hiện sớm kế hoạch tấn công của Hamas. Nhóm này được cho là đã âm thầm huấn luyện lực lượng, xây dựng kế hoạch tấn công tại Dải Gaza trong hai năm qua, ngay trước mắt Tel Aviv, song tình báo nước này không hay biết.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 28/10 đăng thông điệp chỉ trích giới tình báo Israel trên mạng xã hội, khẳng định ông "chưa bao giờ" được cảnh báo về ý định phát động tấn công của Hamas. Lãnh đạo Israel sau đó xóa bài đăng và công khai xin lỗi, cho rằng đây là điều đáng lẽ "không được phép nói ra" trong bối cảnh nước này đang tập trung vào chiến sự.
Theo Ahron Bregman, nhà khoa học chính trị người Israel tại Đại học King, trụ sở ở London, mục tiêu của Nili tương đồng với chiến dịch báo thù mang tên "Cơn thịnh nộ của Chúa", được tình báo Israel tiến hành nhằm ám sát những người liên quan tới nhóm Tháng 9 Đen. Đây là tổ chức đã bắt cóc, sát hại 11 thành viên đội tuyển Olympic Israel tham dự Thế vận hội mùa hè năm 1972 tại Munich, Đức.
"Mossad đã truy lùng các thành viên của nhóm Tháng 9 Đen và ám sát từng người một. Nili được cho là cũng sẽ làm điều tương tự", Bregman nói.
Để thực hiện chiến dịch "Cơn thịnh nộ của Chúa" kéo dài hơn hai thập kỷ, Israel được cho là đã thành lập 5 nhóm tác chiến, với nòng cốt là lực lượng sát thủ tinh nhuệ Kidon của Mossad. Không giống các tổ chức điệp viên khác, đặc vụ Kidon không tìm cách tiến hành các vụ ám sát một cách kín đáo, mà thường hạ mục tiêu bằng các phương pháp mang tính phô trương như dùng thuốc nổ, nhằm truyền đi thông điệp răn đe tới lực lượng chống đối.
Phần lớn các vụ ám sát thành viên nhóm Tháng 9 Đen là do đặc vụ Kidon thực hiện. Lực lượng này cũng được cho là đã ám sát một số quan chức Palestine và nhà khoa học chủ chốt trong chương trình hạt nhân Iran.
Nhiều khả năng các đặc vụ Kidon cũng sẽ tham gia đơn vị Nili, theo chuyên gia Modarres. Tuy nhiên, ông cho rằng lực lượng này sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn ở Dải Gaza so với chiến dịch "Cơn thịnh nộ của Chúa", do sự khác biệt về hoàn cảnh mà các chiến dịch được tiến hành.
"Chiến dịch của Nili diễn ra trong lúc Israel đang xung đột với Hamas", Modarres nói. "Tiến hành truy lùng các tay súng ẩn nấp ở Dải Gaza sẽ trở nên phức tạp hơn khi nó được tiến hành song song với các hoạt động quân sự lớn của Israel".
Modarres cho rằng biệt đội Nili sẽ không xuất hiện trong giai đoạn đầu của chiến dịch trên bộ do điều này quá nguy hiểm với họ. Thay vào đó, các đặc vụ sẽ vào Dải Gaza sau khi lực lượng Hamas đã bị vô hiệu hóa năng lực phản kháng, để truy tìm những thành viên còn sống sót.
Chuyên gia Bregman lại nhận định các thành viên Nili sẽ thâm nhập Dải Gaza cùng thời điểm với bộ binh Israel, thay vì chờ đợi đến khi giao tranh kết thúc.
"Họ sẽ có hai nhiệm vụ chính. Một là tìm kiếm và giải thoát con tin nếu có thể. Hai là săn tìm các thành viên Hamas đã tấn công và sát hại dân thường Israel", ông nêu quan điểm.
Bregman cũng cho rằng các mục tiêu mà Nili muốn ám sát sẽ không chỉ giới hạn ở Dải Gaza, mà còn gồm các thành viên cấp cao của Hamas đang ở nước ngoài.
"Việc Nili có thành viên của Mossad cho thấy Israel cũng sẽ nhắm tới các thành viên Hamas hiện không có mặt tại Dải Gaza, mà đang ở những nơi như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, như cựu thủ lĩnh Khaled Meshaal hay người đứng đầu văn phòng chính trị Hamas Ismail Haniyeh", chuyên gia này nói.
Khác với Shin Bet, cơ quan phụ trách vấn đề an ninh nội địa, Mossad chủ yếu đảm nhận hoạt động tình báo bên ngoài lãnh thổ Israel, nổi tiếng với hàng loạt chiến dịch bắt cóc và ám sát ở nước ngoài.
Modarres nhận định Nili sẽ dần mở rộng danh sách mục tiêu cần ám sát. Danh sách này sẽ được các cấp cao nhất của chính phủ Israel phê duyệt trước khi triển khai, song Thủ tướng Netanayhu nhiều khả năng sẽ không được báo cáo, để ông có thể nói rằng bản thân không biết về các vụ ám sát trong trường hợp xảy ra bất cứ sự cố ngoại giao nào.
"Các quan chức chính phủ cần duy trì một khoảng cách nhất định với cơ quan tình báo, do hoạt động của lực lượng này có thể gây ra nhiều rủi ro cho quan hệ đối ngoại", Modarres nhận định.
Năm 1997, đặc vụ Israel từng tìm cách ám sát Khaled Meshaal tại thủ đô Amman của Jordan, song thất bại và bị lực lượng nước này bắt, gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Israel và Jordan.
Tel Aviv sau đó phải đồng ý trả tự do cho nhiều tù nhân Palestine, bao gồm người sáng lập Hamas Sheikh Ahmed Ismail Hassan Yassin, để hạ nhiệt căng thẳng với Amman. Yassin bị quân đội Israel hạ sát sau đó 7 năm tại Dải Gaza.
Phạm Giang (Theo France24)