Richter, doanh nhân tại thành phố Toronto, Canada, dự kiến tới thăm vài thành phố ở Trung Quốc trong tháng 2 nhằm đánh giá việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và gặp các đối tác địa phương. Nhưng ông buộc phải xem xét lại kế hoạch sau khi dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, rồi lan khắp Trung Quốc và nhiều nước khác, khiến 362 người chết và hơn 17.000 ca nhiễm trên toàn cầu.
Richter thậm chí mở khảo sát trên tài khoản Twitter cá nhân để tham khảo ý kiến mọi người về chuyến công tác tại Trung Quốc, với ba lựa chọn gồm hủy chuyến đi, hoãn kế hoạch và cứ đi bất chấp dịch vì "công việc là trên hết". Hầu hết người tham gia bình chọn ủng hộ ông hủy hoặc hoãn chuyến.
Vài ngày sau, hãng hàng không Air Canada quyết định ngừng bay đến Trung Quốc, trong đó có cả chuyến bay Richter đặt. Bản thân ông cũng đã tự nhủ rằng chuyến công tác không còn đáng bận tâm. "Toàn bộ doanh nghiệp ở Trung Quốc đều đóng cửa, nên kế hoạch hoàn toàn tan biến. Ở đó bây giờ như thị trấn ma", Richter nói.
Hiện không ai dám chắc về mức độ an toàn của các chuyến đi đến Trung Quốc, khiến những công ty lớn nhỏ khắp thế giới điêu đứng và gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng chục hãng hàng không đình chỉ bay đến Trung Quốc. Mông Cổ, Triều Tiên và Nga quyết định đóng cửa biên giới với nước này. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nhân không còn lựa chọn nào khác ngoài hoãn công tác.
Nancy Williams Painter, phó chủ tịch phụ trách thiết kế của hãng dệt may Hemp Fortex ở Mỹ, cho biết bà buộc phải hủy chuyến đi Trung Quốc sau khi hãng hàng không mà bà đặt vé tuyên bố ngừng bay tới đó. "Bất kể thế nào tôi vẫn muốn đi vào tuần tới. Nếu họ không hủy các chuyến bay, tôi nghĩ kế hoạch của mình sẽ không thay đổi", Painter nói.
Bà không phải doanh nhân duy nhất không muốn từ bỏ kế hoạch đi Trung Quốc chuẩn bị từ lâu. Sammy Bernard, người điều hành một thương hiệu thời trang ở Nigeria, dự kiến bay đến Bắc Kinh vào ngày 12/2 để gặp các nhà cung cấp vải. Một mặt ông không muốn trở thành người mang mầm bệnh chết người về quê nhà, nhưng mặt khác cũng cần duy trì liên hệ với những đối tác ở Trung Quốc, nơi nguồn vải vô cùng rẻ.
Bernard hiện vẫn dự định giữ nguyên kế hoạch, bởi hãng hàng không ông đặt vé chưa hủy bay tới Trung Quốc. "Tôi không muốn bị nhiễm virus. Việc đeo khẩu trang và tuân thủ một loạt cảnh báo sẽ giúp tôi an toàn", Bernard cho hay.
Tại Mỹ, một số công ty lớn như Goldman Sachs, General Motors và Wells Fargo đã áp lệnh hạn chế nhân viên tới Trung Quốc. Các nhà phân tích dự đoán sự gián đoạn này có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn.
Khác với thời điểm dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hoành hành hồi năm 2002-2003, Trung Quốc giờ đây là một cường quốc kinh tế, "công xưởng" của thế giới và trung tâm thương mại toàn cầu, có mối liên hệ sâu sắc với mọi ngành công nghiệp chính. Vai trò to lớn đó tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đáng kể trên quy mô toàn cầu do dịch viêm phổi cấp, theo các nhà kinh tế học tại tập đoàn tài chính JPMorgan.
Vị thế của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người tới đây công tác. Andy Payne, người sáng lập công ty game AppyNation tại Anh, cho biết ông đã hủy hai chuyến công tác Trung Quốc dự kiến vào tháng hai.
Giờ đây, Payne buộc phải tổ chức các cuộc đàm phán với đối tác Trung Quốc bằng cách gọi video. "Nếu đang đàm phán một thỏa thuận quan trọng, bạn cần gặp mặt trực tiếp, chỉ cần bỏ thêm chút thời gian. Thời gian chính là tiền bạc", ông giải thích.
Ngoài Trung Quốc, các doanh nhân còn bị hạn chế đến một trung tâm tài chính khác của thế giới là Singapore do tình trạng lây lan nCoV. Entrepreneur First, công ty khởi nghiệp ở London, phải hủy một sự kiện lớn ở đảo quốc này, nơi đã có 18 ca nhiễm bệnh.
"Việc tụ tập nhiều người tới từ những khu vực có dịch trong một căn phòng dường như là ý tưởng tồi. Tình hình thực sự gây tổn hại cho doanh nghiệp và nhóm chúng tôi", Matt Clifford, nhà sáng lập Entrepreneur First, chia sẻ.
Tại Toronto, Richter cho biết công ty phụ tùng của ông đủ hàng trong kho để vượt qua những rắc rối và sự gián đoạn trong công việc với các đối tác Trung Quốc, nơi cung cấp khớp nối ống thủy lực và những bộ phận cơ khí khác.
Ông cũng không lo ngại về các chuyến đi tới Trung Quốc trong tương lai, bởi doanh nhân này cho rằng với một nước đông dân như Trung Quốc, nguy cơ ông bị nhiễm nCoV là rất thấp. "Tôi vẫn sẽ tới đó vào tháng ba", Richter nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)