Tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật ngày 9/10, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính là vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp.
Ông Hiệp nêu ví dụ, để giải phóng mặt bằng cho dự án xây dựng, doanh nghiệp cần tổ chức đối thoại với người dân, nhưng khâu này khá tốn thời gian. "Thủ tục hành chính với các dự án đầu tư có sử dụng đất thường kéo dài, có những dự án mất 14 năm cho khâu giải phóng mặt bằng", ông Hiệp chia sẻ.
Tương tự, về thủ tục hành chính, Chủ tịch VACC cho biết có những dự án cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá cho tới khi hoàn thành. Chưa kể, đa phần dự án bất động sản khi phải điều chỉnh quy hoạch phải xin đủ ý kiến các sở, ngành, mất nhiều thời gian, khiến dự án kéo dài.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nói các thủ tục hành chính không được tháo gỡ là rào cản với doanh nghiệp. "Thủ tục hành chính là một trong những vướng mắc hàng đầu được doanh nghiệp phản ánh", bà nhận xét.
Theo bà Thủy, Chính phủ đã nỗ lực giải quyết vấn đề này nhưng nhiều nội dung khó cải thiện, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài. "Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành và kéo dài, nên cần tinh gọn đầu mối. Việc này sẽ phần nào giải quyết vướng mắc liên quan đến quy hoạch", bà Thủy góp ý.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cũng đề nghị cơ quan quản lý tăng phân cấp, phân quyền trong một số khâu khi điều chỉnh quy hoạch. Như vậy, cơ quan hành chính tăng chủ động giải quyết công việc, tiết kiệm thời gian.
Về phía cơ quan quản lý, ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính là quan điểm xuyên suốt của Chính phủ. Với các dự án đầu tư xây dựng, ông Hưng nói thực tế đã được cắt giảm nhiều, nhằm giảm áp lực cho cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.
Cũng tại diễn đàn, một số doanh nghiệp phản ánh vướng mắc về chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, việc tra soát nhiều vòng của ngành thuế để tránh thất thoát ngân sách, nhưng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật.
Ông đề nghị cơ quan quản lý cần quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế vào Luật Thuế giá trị gia tăng và Quản lý thuế, theo hướng họ chỉ chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ. Việc này giúp giải quyết điểm nghẽn về hoàn thuế VAT, tạo môi trường chính sách ổn định, linh hoạt cho người nộp thuế, cơ quan quản lý.
"Sai ở khâu nào sẽ giải quyết ở đấy, không đổ dồn trách nhiệm cho một mình cơ quan, công chức thuế", ông Phụng góp ý.
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu các bộ ngành tiếp thu, giải trình thỏa đáng cho doanh nghiệp, người dân. Bộ Tư pháp tổng hợp các ý kiến để tham mưu Thủ tướng.
"Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đòi hỏi tổng hợp nhiều yếu tố, gồm hoàn thiện thể chế, chính sách", ông nói. Song, lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận cán bộ, công chức phải nâng trách nhiệm thực thi công vụ. Cơ quan quản lý cần xem xét có hành lang pháp lý để cán bộ, công chức yên tâm làm việc.
Với các doanh nghiệp, Phó thủ tướng đề nghị họ nghiêm túc tuân thủ pháp luật với văn hóa kinh doanh tốt, đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.
Phương Dung