Tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng (trong khuôn khổ sự kiện Techconnect & Innovation Vietnam 2023) diễn ra ngày 29/9 ở Quảng Ninh, đại diện các doanh nghiệp đến từ VinES (Tập đoàn Vingroup), Tập đoàn công nghệ T-Tech, Tập đoàn BQ, Tập đoàn An Hà Phương... đã chia sẻ về xu hướng công nghệ mới và các giải pháp góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Đình Thứ - Trưởng bộ phận chiến lược và hợp tác VinES (Tập đoàn Vingroup) cho biết năng lượng xanh - sạch hiện nay là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, đây chiến lược quan trọng trong việc giảm phát thải, hướng đến đưa mức thải ròng về 0. Thành viên của Vingroup ra đời vào tháng 8/2021 với mục tiêu đóng góp cho tiến trình xanh hóa quốc gia. "Chỉ sau hai năm, chúng tôi là đơn vị tiên phong ở khu vực Đông Nam Á trong phát triển pin và giải pháp lưu trữ năng lượng nhiều quy mô từ gia đình, doanh nghiệp đến các cơ sở vận hành điện", ông Thứ nói.
Dẫn chứng cho khẳng định này, đại diện VinES đưa hàng loạt cột mốc thể hiện khả năng làm chủ công nghệ, sản xuất và ứng dụng sản phẩm, trong đó có hệ thống pack pin; dây chuyền sản xuất thử nghiệm pin trụ. Nổi bật trong dải sản phẩm của công ty là hệ thống pin lưu trữ năng lượng BESS. Sản phẩm có thể sử dụng cho hộ gia đình, cơ sở kinh doanh đến các đơn vị vận hành điện, trang trại điện. Theo ông Thứ, lợi ích lớn nhất của BESS là giúp tiết kiệm chi phí điện.
Lợi ích thứ hai là có khả năng tích hợp vào các hệ thống năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời để tạo nguồn điện dự phòng. "Với dải sản phẩm đa dạng và công nghệ cập nhật, chúng tôi cam kết đóng góp cho sự chuyển đổi năng lượng xanh, sạch của Việt Nam và toàn cầu", ông Nguyễn Đình Thứ khẳng định.
Đến từ Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam, ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Hội đồng quản trị giới thiệu công nghệ điện rác với mục tiêu biến rác thành năng lượng theo xu hướng phát triển xanh, bền vững.
Theo ông Trọng, công nghệ điện rác đang là xu hướng tiềm năng. Việt Nam định vị rác là tiềm năng nhưng có thực sự là tiềm năng hay không, thì phải nhờ công nghệ. Việt Nam đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới như: công nghệ plasma, công nghệ khí hóa tổng hợp... Tuy nhiên, nhiều công nghệ đã thất bại bởi công nghệ không phù hợp với rác tại Việt Nam; chi phí đầu tư quá lớn; kinh nghiệm các nhà đầu tư chưa nhiều.
Là doanh nghiệp có 21 năm kinh nghiệm trong đó có hơn 10 năm gắn bó với ngành rác, ông Đình Trọng cho hay, T-Tech là một trong những hãng sản xuất lò đốt rác lớn trong nước và khu vực, từng triển khai hơn 100 lò đốt rác cho các đơn vị trong nước và một số quốc gia khác thuộc châu Á và châu Phi. Hiện công ty có khả năng thiết kế hoàn thiện, đóng gói mô hình đốt rác phát điện cho 63 tỉnh thành trên cả nước.
Để biến rác thành năng lượng thành công, ông Trong cho rằng cần nhóm giải pháp 3 bước, đó là công tác quy hoạch phải ổn định; lựa chọn công nghệ và nhà đầu tư không nên theo tiêu chí lối mòn. Cuối cùng là phải có đồng hành với nhà đầu tư - cần sự đồng hành của ít nhất 3 "nhà": nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh các công nghệ mới như pin lưu trữ năng lượng BESS, công nghệ điện rác, ông Alessandro Antonioli, Giám đốc phụ trách điện gió ngoài khơi thị trường Việt Nam, Tập đoàn BP tập trung đề cập đến điện gió. Theo ông lĩnh vực này mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam.
Đầu tiên, với hệ thống tiên tiến này, Việt Nam có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ đó, tạo ra việc làm chất lượng cao, nguồn thu nhập bền vững cho người dân địa phương.
Hệ thống này cũng giúp địa phương kéo nhiều chuyên gia nước ngoài tới làm việc. Từ đó, địa phương có thể phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều phương diện, phát triển chuỗi cung ứng, đóng góp cho ngân sách; đáp ứng nhu cầu năng lượng và tạo hệ sinh thái kinh doanh đa dạng.
"Việt Nam đang có tiến độ xây dựng điện gió tốt nhưng cần cải tiến chính sách. Những người phát triển năng lượng gió không chỉ cần tiền mà còn cần chính sách để phát triển", ông nói thêm.
Phần tham luận của ông Nguyễn Văn An - Công ty Cổ phần Tập đoàn An Hà Phương (AHP Group) có chủ đề "Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp". Vị chuyên gia trình bày 13 giải pháp tiết kiệm nhiệt năng trong nhà máy sản xuất xi măng, trong đó, nhấn mạnh giải pháp thu hồi nhiệt thải để phát điện với tiềm năng tiết kiệm nhiệt 4,39%, với thời gian triển khai dài hạn 5 năm.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm triển khai thực tế, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp quản lý công nghệ và quản lý quy trình sản xuất. "Thực tế, giải pháp nhiều nhưng đôi khi hệ thống quản lý năng lượng chưa tốt, hiệu quả sẽ bị mai một hoặc chỉ bị cóp nhặt. Do đó, tôi khuyến nghị giải pháp quản lý công nghệ và quy trình sản xuất", ông An nói.
Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect & Innovation Vietnam 2023) có chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững". Sự kiện năm nay do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân Quảng Ninh chỉ đạo, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh là đơn vị tổ chức.
Chương trình diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/9 tại Quảng Ninh, được thiết kế với các hoạt động gồm các diễn đàn, hội nghị trao đổi thông tin về chủ đề kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình diễn sản phẩm và tiêu điểm công nghệ, kết nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu.
Thế Đan