-
Sáng 30/9, Diễn đàn "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững" diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2023. Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh là đơn vị tổ chức.
Diễn đàn gồm hai phiên. Phiên một có chủ đề về "Bài học kinh nghiệm và cam kết hỗ trợ cho Việt Nam chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững".
Ở phiên thứ hai, bàn về các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp cũng được các ông lớn đại diện doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chia sẻ.
Đây là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận toàn diện về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tập trung vào các biện pháp thực thi chính sách, các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh các hoạt động kinh tế tại Việt Nam đang chuyển nhanh sang kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn carbon thấp... trong đó kinh tế số là trọng tâm. Quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin (tin học hóa) sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội lớn, từ việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp.
-
8h40
'Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin'
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Bùi Thế Duy, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2022, Chính phủ ban hành Quyết định 569 về chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, quan điểm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu.
Ông cho biết, diễn đàn hôm nay sẽ đi sâu vào chủ đề chuyển đổi số dưới góc độ đổi mới sáng tạo, tập trung chuyển đổi số trong doanh nghiệp, không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới.
Theo Thứ trưởng, chuyển đổi xanh không chỉ là công nghệ hướng tới môi trường; mà còn là thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh hướng tới nâng cao tính hiệu quả hoạt động. Mục tiêu thứ hai là giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ông kỳ vọng các diễn giả tại sự kiện sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp thực thi chính sách và cụ thể hoá các chương trình hỗ trợ Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong tình hình mới, đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh.
"Thực tế, chúng ta có thể thấy không ít những doanh nghiệp đang đứng trên cao của thành công nhưng nếu không đổi mới có thể bị đào thải. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi quy trình, thay đổi sản phẩm, không chỉ mua phần mềm về", ông Duy nói.
"Tôi kỳ vọng vào các giải pháp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng những góc nhìn, bài học kinh nghiệm và chương trình hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn tới", ông Duy nói. Ông cũng kỳ vọng sự kiện tạo ra nhiều kết nối, nhiều chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu các trường đại học đến các địa phương.
-
8h46
8 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được trao tại sự kiện
Trong khuôn khổ Diễn đàn, 8 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các bên đã được trao dưới sự chứng kiến của ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ.
Trong số này ông Vũ Đức Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và ông Lee Jun Ho, Đại diện Trường Cao đẳng Khoa học công nghệ Yeungnam Hàn Quốc với Biên bản ghi nhớ hợp tác trong giảng dạy, bồi dưỡng nhà giáo, nghiên cứu khoa học công nghệ.
Cặp số 2 là ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Núi Mằn và ông Hồ Bá Do, Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng với Biên bản ghi nhớ Hợp tác Chuyển giao công nghệ nuôi yến, cá lăng và trồng cây tuần hoàn theo mô hình nông nghiệp hữu cơ và công nghệ lượng tử.
Cặp số 3 là ông Nguyễn Doãn Thu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật Đông Bắc và ông Phan Tuấn Nam, Giám đốc khối Chính phủ Công ty Cổ phần truyền thông và máy tính Thánh Gióng với Biên bản ghi nhớ hợp tác Chuyển giao công nghệ bảo vệ dữ liệu Nand Flash theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2022.
Cặp số 4 gồm ông Thomas Lee,Tổng Giám đốc Công ty K - Marine Hàn Quốc và ông Nguyễn Trọng Tuân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vân Long với Biên bản ghi nhớ hợp tác về Công nghệ sản xuất sản phẩm phục vụ ngành nuôi trồng thủy hải hải sản.
Cặp số 5 ông Đỗ Hải Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Shinduct và ông Nguyễn Văn Tuyển - Giám đốc Nhà máy, Công ty Airtech Thế Long với Hợp đồng cung cấp vật tư phòng sạch tại TEXAS - Mỹ.
Cặp số 6 ông Trần Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Viindoo và ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du thuyền Đông Dương với Hợp đồng xây dựng nền tảng quản trị du lịch toàn diện.
Cặp số 7 ông Nguyễn Văn Tuyển, Giám đốc Nhà máy, Công ty Airtech Thế Long và ông Trần Văn Sơn,Tổng Giám đốc Tonmat Group lên sân khấu để trao Biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu hàng hóa.
Cặp số 8 ông Phan Tuấn Nam, Giám đốc khối chính phủ Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng và bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần công nghệ Viindoo với Thỏa thuận hợp tác kinh doanh toàn diện, cung cấp giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số.
-
8h50
Chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa
Mở đầu phiên tham luận đầu tiên, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM chia sẻ về "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới" và "Đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh".
Theo ông, chuyển đổi số và chuyển xanh là một sự kết hợp tối ưu vì thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu.
Trong đó, chuyển đổi xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh có ba mục tiêu. Đầu tiên là phát triển kinh tế, tức cần tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính.
Mục tiêu thứ hai là bảo vệ môi trường, tức giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn.
Cuối cùng là mục tiêu xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm sự mất công bằng trong xã hội. Các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. "Chuyển đổi xanh là mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, làm thế nào để giảm thiểu tác động đến môi trường", ông khẳng định.
Về chuyển dịch năng lượng, ông dẫn nhiều số liệu. Đến tháng 5/2023, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 80.704 MW. Nhiệt điện than 32,3%; thủy điện khoảng 28,5%; điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) 20,5%; tuabin khí 9,2%; điện gió 6,3%; các nguồn khác bao gồm nhiệt điện dầu, điện sinh khối và nhập khẩu khoảng 2.594 MW, 3,2%.
Hiện nay tổng công suất điện mặt trời và điện gió trên bờ, gần bờ của Việt Nam đạt được khoảng 21.600MW, đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á. "Như vậy, tỷ lệ sản lượng điện từ năng lượng tái tạo qua các năm 2019-2023 có tăng nhưng không ổn định", ông nói.
Về chuyển đổi công nghiệp xanh, hiện nay, Việt Nam theo quy hoạch có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành: 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 đơn vị này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm.
Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao,...
Tiến trình phát triển chuyển đổi công nghiệp xanh gồm: kiểm soát ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái, tư duy vòng đời, sản xuất khép kín và công nghiệp sinh thái. Trong trường đại học và công ty, với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có nhiều cơ sở xử lý phát thải cao. Tuy nhiên, khi triển khai đến từng nhà máy, hiệu quả lại rất thấp. Các nhà máy, doanh nghiệp hiện nay chỉ tiếp thu quản lý nội vi, thay vì đầu tư công nghệ để tăng tính hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Phước khẳng định, nông nghiệp bền vững Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do thị trường, tính ổn định về chất lượng sản phẩm, chưa kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật...
Tầm nhìn 2050, Việt Nam hướng tới trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới thông qua công nghệ, IoT (internet vạn vật).
PGS.TS Phước cũng nhận định, kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp triển khai. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chiến lược sản xuất, tận dụng từ nguồn năng lượng tự nhiên đến tái sử dụng chất thải.
"Doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050", ông nói thêm và đề xuất các cơ quan xây dựng chính sách cần xây dựng cơ chế hỗ trợ các ngành. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.
-
9h25
Nhiều cơ hội cho các nhà khoa học
TS Jenny Elmaco, Điều phối viên của Horizon Europe tại khu vực Asean (Euraxess Asean) chia sẻ về cơ hội đến với châu Âu và cơ hội dành cho những người Việt Nam, các dự án phục vụ chuyển đổi xanh.
Euraxess Asean là một trong những doanh nghiệp có mặt ở Việt Nam để hỗ trợ các nhà nghiên cứu. "Chúng tôi cung cấp những cơ hội học tập, cộng đồng nhà khoa học... để các bạn gia nhập", bà cho biết.
Trong sự kiện hợp tác, kết nối giữa châu Âu và Việt Nam, châu Âu hứa dành nguồn tiền cho các nhà khoa học học tập, sau đó trở về Việt cống hiến.
Nếu các nhà khoa học muốn tìm kiếm thông tin, có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu lưu trữ của Horizon Europe (chân trời châu Âu) – chương trình cho các nhà nghiên cứu đến châu Âu, một chương trình của liên minh châu Âu, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, phạm vi vượt ra khỏi châu Âu.
Một trong những trụ cột của chương trình là khoa học xuất sắc, nhằm củng cố mở rộng sự xuất sắc của các cơ sở khoa học. Nơi hội tụ các hội đồng nghiên cứu giỏi nhất, nơi quy tụ những nhà khoa học nổi tiếng, với nhiều doanh nghiệp lớn tham gia.
Các nhà khoa học có thể đến từ nhiều nhóm ngành, không chỉ có y tế mà còn có ngành sáng tạo, văn hoá, kinh tế sinh học, tự nhiên, nông nghiệp và môi trường. Đơn vị có nguồn ngân sách lớn, sẵn sàng mang tới cơ hội cho các nhà khoa học. Một điểm lưu ý là các cá nhân cần thực hiện nghiên cứu với một đối tác hỗ trợ ở châu Âu, nghiên cứu cũng phải được thực hiện ở các quốc gia thành viên châu Âu.
Đơn cử, Quỹ Marie Curie Action có chức năng chính là đào tạo kỹ năng và phát triển nghề nghiệp. Tại đây, các nhà khoa học không quan trọng là 25 tuổi hay 60 tuổi, không giới hạn trong một vài ngành nghiên cứu, họ được đánh giá dựa trên thời gian dành cho các công tác nghiên cứu. Hiện, Việt Nam có khoảng 15-18 dự án tham gia quỹ này.
Những cá nhân tham gia chương trình tiến sĩ có thể tìm đến chương trình đối ứng để học ở châu Âu. Sau học tiến sĩ 8 năm có thể tiếp tục chương trình tiếp cận cộng đồng. Trong trường hợp đối tác ở châu Âu sẵn sàng tài trợ, các nhà khoa học có thể tự tiến hành và đưa theo gia đình đến châu Âu, có trợ cấp cho gia đình đi cùng.
Chương trình cũng có học bổng sau tiến sĩ, là những hành động đơn phương để xin nghiên cứu tiến sĩ. Các doanh nghiệp cũng có thể cử nhân viên sang châu Âu để học tập, đào tạo, sau đó trở về Việt Nam cống hiến cho doanh nghiệp.
-
9h35
Những cơ hội cho doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi xanh
Tiếp theo chương trình, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - Quản lý Chương trình công trình xanh tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Thái Lan, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) có bài tham luận về "Tài chính xanh cho phát triển bền vững".
Trước khi nói về công trình xanh, bà Ngọc Diệp nói về 2 góc độ sáng tạo của IFC giúp khơi thông công trình xanh, bao gồm bất động sản, nhà kho, nhà xưởng, bệnh viện, trường học...
Cụ thể, để khơi thông được tài chính xanh, thì đầu tiên cần định nghĩa về công trình xanh. Để có thể cho vay xanh, doanh nghiệp cần chứng minh được mức hiệu quả tốt hơn so với các cơ sở tại địa phương; phải được xác nhận xanh của bên thứ ba độc lập; cùng báo cáo chi tiết về tính hiệu quả với môi trường.
Quy trình để được IFC đầu tư gồm: Đưa điều khoản xanh vào hợp đồng; cần 3-6 tháng để được cấp chứng chỉ xanh; cần chứng chỉ chứng minh công trình xanh của bên thứ 3 độc lập; báo cáo tác động môi trường để giải ngân khoản vay, thậm chí được các khoản vay ưu đãi.
Cũng theo bà Ngọc Diệp, các chuẩn xanh của IFC đều phù hợp với các tiêu chí của thế giới. Tính đến nay, IFC quốc tế đã cho vay 76 tỷ USD các dự án, công trình xanh. Tại Việt Nam, năm vừa rồi IFC đã cho vay được 300 triệu USD, góp phần giúp Việt Nam mở rộng thị trường công trình xanh đa dạng công trình hơn từ nhà kho nhà xưởng, trường học, bệnh viện hay các công trình thương mại, thậm chí nhà ở cho người thu nhập thấp đều có thể được đánh giá xanh và cho vay ưu đãi.
Một số công trình điển hình gồm VSIP Group, liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC có trụ sở tại Việt Nam và tập đoàn Sembcorp Development có trụ sở tại Singapore; 2 nhà xưởng xây sẵn (RBF) tại Bình Dương, 1 nhà cao tầng RBF tại Bắc Ninh đạt chứng chỉ EDGE.
Các giải pháp xanh được áp dụng bao gồm hệ thống điều hòa VRV, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện, thiết bị nước và tưới tiêu có dòng chảy nhỏ...
Nhờ đầu tư xanh, bất động sản BIM Land đã huy động được 200 triệu USD với đợt phát hành đầu tiên trên SGX. BIM Land cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh, với kế hoạch sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu để tài trợ cho nhiều dự án bất động sản được cấp chứng nhận EDGE .
Ngoài ra, IFC cũng đang đầu tư vào trái phiếu liên kết bền vững bằng nội tệ tại Việt Nam với tiêu chí cố gắng trở thành đối tác chứ không chỉ đầu tư lấy lãi.
Với nhà thu nhập thấp, IFC cũng đã đăng ký trái phiếu trị giá 44 triệu USD của Nam Long để thúc đẩy nhà ở xanh. Khoản đầu tư này đang hỗ trợ Nam Long phát triển nhà ở xanh bền vững cho người lao động tại một thành phố vệ tinh gần trung tâm kinh tế TP HCM. Khoản đầu tư của IFC dự kiến sẽ tạo ra 1.500 việc làm, với thị trấn có hơn 50.000 người.
Bên cạnh cho vay trực tiếp, IFC cũng đầu tư vào ngân hàng, theo đó với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ Anh cộng với IFC sẽ giải ngân cho ngân hàng thương mại, ngân hàng giải ngân cho công trình xanh, sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp xanh. Bà lấy ví dụ về Indonesia đã triển khai thành công khoản vay này, đó là OCBC.
"Doanh nghiệp muốn được chuyển đổi xanh đang được hỗ trợ lớn, chúng ta có "cửa sổ" cơ hội, nên doanh nghiệp nào dám đi đầu chuyển đổi xanh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất", bà Ngọc Diệp nhấn mạnh.
-
10h00
Rạng Đông 'chuyển mình' nhờ chuyển đổi số
Diễn đàn bước sang phiên tọa đàm thứ hai với chủ đề "Giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp". Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông là diễn giả đầu tiên chia sẻ về chủ đề "Chiến lược Chuyển đổi số Rạng Đông, một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống".
Ông cho biết, năm 2015, doanh thu của đơn vị đã tăng 360 lần so với năm 1990; nộp ngân sách tăng 1.580 lần. Lợi nhuận thực hiện của công ty cũng từ còn lỗ vào năm 1990, đã tăng 573 lần vào năm 2015. Giai đoạn này, thu nhập bình quân hàng tháng cũng tăng 55 lần.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của không gian số đã tạo nên cuộc "di dân" lớn nhất lịch sử, tạo nên thói quen, hành vi người dùng hoàn toàn khác. Do đó, chuyển đổi số là mục tiêu của mọi doanh nghiệp. Nhưng mỗi đơn vị cần có một mô hình chuyển đổi số riêng để phù hợp với đặc điểm của mình.
Trên cơ sở nghiên cứu các khảo sát mô hình trên toàn thế giới. Rạng Đông đã tự xây dựng mô hình gồm 4 lớp: thích ứng nhanh, linh hoạt với thay đổi của môi trường và thị trường; mở rộng không gian tăng trưởng theo cấp số nhân; triển khai mô hình kinh doanh số, bán hàng đa kênh, đa nền tảng và trải nghiệm khách hàng.
Rạng Đông đã có nhiều thay đổi khoa học công nghệ dựa trên tinh thần "sự tử tế" để ứng biến với tình hình thế giới bất định (VOCA). Công ty tạo nên nhiều sản phẩm, hệ thống, dịch vụ số, thông minh. Đồng thời, đơn vị xây dựng dây chuyền sản xuất thông minh; ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, theo ông, "chuyển đổi số không có điểm bắt đầu hay kết thúc mà là một vòng lặp". Do đó, lộ trình chuyển đổi số của Rạng Đông gồm ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu tiên là số hóa một số quy trình hiện có, số hóa riêng lẻ. Thứ hai là chuyển đổi số ở vòng lặp cao hơn, kết nối các quy trình, đồng bộ từng phần. Cuối cùng là nâng cao, tối ưu nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và trải nghiệm khách hàng; tăng gia tốc của bánh đà tăng trưởng.
Song song, chuyển đổi số còn là thay đổi mô hình kinh doanh. Rạng Đông sản xuất ra nhiều sản phẩm công nghệ cao, tức các sản phẩm không còn đơn lẻ mà mang tính hệ thống. Lúc này, mô hình kinh doanh không thể riêng lẻ, thay vào đó, cần hướng tới tiếp cận người dùng cuối, tích hợp kinh doanh vật lý với kinh doanh trực tuyến. Từ đó, công ty có thể hiểu hành vi, chân dung của người dùng cuối hơn để từ đó, điều chỉnh, nâng cao dịch vụ, sản phẩm.
Rạng Đông cũng tích hợp sản phẩm và chuỗi cung ứng, kết hợp với VNPT, FPT, Viettel... để tích hợp thiết bị của mình vào từng nền tảng riêng biệt. Từ đó, công ty đã phát triển thành mô hình kinh doanh hệ sinh thái để thích hợp với các giai đoạn chuyển đổi số.
Đại diện Rạng Đông cũng khẳng định chuyển đổi số trong sản xuất rất khó. Công ty đã đi từ lớp máy móc, nâng cao trình độ tự động hóa, liên kết dữ liệu. Tuy nhiên, điều này không đơn giản với một đơn vị truyền thống như Rạng Đông, khi có hàng trăm dây truyền từ nhiều quốc gia khác nhau, theo từng giai đoạn lịch sử. Do đó, hệ thống máy không khó có thể "nói chuyện" với nhau.
Để khắc phục điều này, Rạng Đông sử dụng Open Platform (nền tảng mở) để làm cho máy móc có thể tương tác với nhau, tích hợp dữ liệu...
Như vậy, với nguồn lực đầu vào là tài chính, con người... đầu ra là người dùng cuối, tạo thành một liên kết ngang. Song song, thông tin chuyển hóa từ dưới lên, quyết định đi từ trên xuống. Rạng Đông đã có một mô hình kinh doanh có liên kết ngang và dọc.
Bên cạnh đó, Rạng Đông đầu tư xây dựng nhà máy thông minh. Công ty học hỏi nhiều mô hình trên thế giới nhưng không thể mua toàn bộ do vấn đề cho phí. Thay vào đó, công ty áp dụng ý tưởng và thuê của các đơn vị nằm trong quốc gia, khu vực gần với Việt Nam để chọn các khối chức năng và mô hình trao đổi dữ liệu giữa các khối trong hệ thống điều hành sản xuất hiện nay.
Đồng thời, Rạng Đông nghiên cứu với 20 trường đại học lớn, tiếp thu tri thức từ những đơn vị quốc tế những doanh nghiệp nước ngoài. Công ty xây dựng phong trào đổi mới sáng tạo, là cơ sở nền tảng chuyển đổi số thành công chuyển đổi mô hình kinh doanh phân cấp, phân quyền, thông tin minh bạch
Ông cho biết, sau ba năm chuyển đổi số, thiết lập mặt bằng tăng trưởng mới 15-20%. Tỷ lệ tăng trưởng 8 tháng đầu năm 2023 cũng đạt 20%.
-
10h10
Hệ sinh thái chuyển đổi số của VNPT
Ông Nguyễn Thành Công, Trưởng phòng Tiếp thị và triển khai của VNPT-IT, Tập đoàn VNPT trình bày về chủ đề "Hệ sinh thái các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp".
Đi từ lý do vì sao doanh nghiệp cần chuyển đổi số, đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh tới nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ 99%, cũng là nhóm doanh nghiệp dễ dàng bị tổn thương nhất.Trong môi trường cuộc cách mạng công nghệ 4.0, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, sự xuất hiện của thế hệ khách hàng mới... Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Ông cho biết, VNPT cung cấp hơn 100 sản phẩm dịch vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME theo 4 trụ cột chính của hoạt động kinh doanh, điều hành quản trị một doanh nghiệp. Đơn vị đã và đang đồng hành với doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số, lập các kế hoạch chương trình hành động và cung cấp các sản phẩm dịch vụ. VNPT phối hợp thường xuyên để đạt mục tiêu tốt nhất.
Doanh nghiệp cung cấp hệ sinh thái dịch vụ số dành cho nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và lớn, từ giải pháp hạ tầng số, giải pháp dùng chung cho doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ 4.0, lĩnh vực du lịch, hậu cần - vận tải, nông nghiệp...
-
10h26
'Tự động hóa quy trình là xương sống của chuyển đổi số'
Ông Lê Việt Thắng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần 1Office tiếp nối phần tham luận với bài "Ứng dụng hệ thống tự động hóa quy trình nhằm mang lại tiềm năng về năng suất, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và số hóa các hoạt động".
1Office là nền tảng quản trị doanh nghiệp, với hơn 5.000 khách hàng sử dụng, 100.000 người dùng. Theo ông Việt Thắng, tự động hóa quy trình là xương sống, hạt nhân của chuyển đổi số ở công ty hay các nhà máy. Nhấn mạnh tầm quan trọng đó, 1Office giới thiệu quản lý quy trình theo chuẩn BPM (Business Process Management), gồm: thiết kế, mô hình hóa, thực thi, kiểm soát, tối ưu.
Ông Thắng lý giải, nhiều mô hình thiết kế rất khó để đưa vào thực thi, nên phải mô hình hóa để xác định tính khả thi. Bước tiếp theo là thực thi để biết sản phẩm chạy thế nào. Quá trình này phải kiểm soát để phát hiện trong quy trình tạm ứng, hay mua sắm hàng hóa chậm ở bước nào. Cuối cùng là tối ưu sản phẩm, ứng dụng. "Đây là 5 bước quản lý quy trình và các doanh nghiệp nên chuẩn hóa quy trình theo các bước này", ông Việt Thắng nhấn mạnh.
-
10h40
Kết nối để chuyển đổi số hiệu quả hơn
Tham gia tọa đàm, ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng bộ phận công nghiệp ô tô và số hóa Siemens Việt Nam đã mang đến giải pháp "Xcelerator - Nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số đến từ Siemens".
Ông cho biết, định hướng số hóa của Siemens là tập trung vào các ngành sản xuất, chế tạo máy... và các ngành thiết kế, kiểm tra, thử nghiệm, vận hành dây chuyền... Siemens đã đưa nhiều giải pháp cụ thể ví dụ như bản sao số (bản sao sát nhất với mô hình thực tế) hay kết hợp thiết kế và bản sao kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí. Nhờ đó, khách hàng của Siemens có rất nhiều lợi thế.
Tuy nhiên, Siemens cũng có khó khăn về sự đa dạng của khách hàng về nhu cầu, mức độ kết nối, quy mô, nhân lực... Những yếu tố này gây cản trở cho việc triển khai chuyển đổi số cho từng đơn vị. Siemens cũng như nhiều doanh nghiệp công nghệ khác khó có thể đáp ứng được toàn bộ công ty trên thị trường.
"Hầu hết các ý tưởng chuyển đổi số đều thất bại do sự phức tạp của hệ thống cũ, không dùng IoT từ đầu, khó tìm kiếm đối tác kỹ thuật số có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh", ông phân tích thêm nguyên nhân chuyển đổi số thất bại.
Do đó, giải pháp chung là tạo nên một nền tảng dễ truy cập vào các công nghệ mới, dễ tích hợp, đa tương tác, có thể chọn dịch vụ, sản phẩm và có hệ sinh thái quy tụ nhiều đơn vị chuyển đổi số kinh nghiệm, chất lượng cao.
Siemens đã tạo nên Xcelerator dựa trên mục tiêu khắc phục các hạn chế trên. Đây là một nền tảng kinh doanh số mở với trụ cột đầu tiên là "Portfolio". Người dùng có thể truy cập mọi lúc mọi nơi và hỗ trợ các mô hình kinh doanh đa dạng. Nền tảng cũng mở cho các ứng dụng của bên thứ ba.
Trụ cột thứ hai là "Ecosystem" nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác phù hợp với hành trình chuyển đổi số. Nhiều đối tác của Siemens đã sử dụng dịch vụ này như Bentley, Delloite, AWS...
Cuối cùng là "Marketplace" để các doanh nghiệp đối tác có thể nắm mọi thông tin chuyển đổi số trong tay. Người dùng có thể truy cập vào để tương tác với nền tảng của Siemens để tìm hiểu về Portfolio hay Ecosystems. Đây không chỉ là một sàn thương mại mà còn là một diễn đàn để các đơn vị tìm được đối tác phù hợp nhất.
"Mục tiêu của Siemens là kết nối các doanh nghiệp với các ý tưởng chuyển đổi số phù hợp, hỗ trợ lẫn nhau để chuyển đổi số hiệu quả", ông nhấn mạnh trước khi kết thúc phần trình bày.