Khi nghĩ về chiến tranh hiện đại, nhiều người lập tức liên tưởng tới hình ảnh xe tăng, pháo hay tên lửa. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng thứ quan trọng hơn trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào lại là loại phương tiện khiêm nhường hơn nhiều: những chiếc xe tải.
"Một đội quân hùng mạnh cỡ nào cũng cần xe tải để cung cấp mọi thứ cho hoạt động của mình", Trent Telenko, cựu kiểm toán viên Cơ quan Quản lý Hợp đồng Quốc phòng Mỹ, đánh giá. "Vũ khí không phải chiếc xe tăng, mà là quả đạn pháo nó bắn ra. Thực phẩm, nhiên liệu, vật tư y tế và binh lính, hầu như tất cả đều được vận chuyển bằng xe tải ra chiến trường".
Bởi vậy, hàng loạt bức ảnh chụp xe tải hư hỏng lực lượng Nga bỏ lại gần Kiev cho thấy thách thức hậu cần mà Moskva đối mặt trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo Telenko, hình ảnh một tổ hợp phòng không Pantsir S1 trị giá hàng triệu USD bị Nga bỏ lại trên chiến trường vì nổ lốp cho thấy điểm yếu trong hệ thống hậu cần của họ. Khi các khí tài hạng nặng như Pantsir S1 nằm yên một chỗ trong thời gian dài, cao su thành lốp sẽ lão hóa và xuất hiện các vết nứt.
Lực lượng Nga khi tham chiến ở Ukraine thường giảm bớt áp suất lốp xe để đối phó với địa hình bùn lầy. Trong điều kiện đó, những chiếc lốp giảm chất lượng sẽ rất dễ bị nổ.
"Nếu một khí tài quan trọng như Pantsir S1 không được bảo dưỡng đúng cách, nhiều khả năng toàn bộ đội xe tải cũng bị đối xử tương tự", Telenko, người có hơn 10 năm kinh nghiệm bảo dưỡng các phương tiện quân sự Mỹ, nói.
Một trong những rắc rối hậu cần lớn nhất mà lực lượng Nga đối mặt trong giai đoạn đầu chiến sự là đoàn xe dài 64 km, với nhiều xe tăng, thiết giáp và pháo kéo, hồi tháng 2 ùn lại cách thủ đô Kiev khoảng 30 km. Bộ Quốc phòng Anh nhận định một trong những lý do khiến đoàn xe này chôn chân tại chỗ suốt nhiều tuần là do các sự cố kỹ thuật.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 3 nhận định Nga đã đưa ra tính toán sai lầm và đối mặt với nhiều vấn đề về hậu cần trong chiến dịch ở Ukraine.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận định Nga tới nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để các vấn đề hậu cần, khiến họ khó tăng tốc triển khai lực lượng tới miền đông Ukraine.
Nga chưa bình luận về thông tin này, nhưng Moskva nhiều lần khẳng định sẽ quyết tâm tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine một cách "bình tĩnh" và sẽ từng bước đạt được mục tiêu của mình.
Phillips O'Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược ở Đại học St. Andrews tại Scotland, cho rằng một dấu hiệu khác cho thấy công tác hậu cần của Nga gặp nhiều thách thức là lực lượng nước này sử dụng xe tải dân sự để thay thế xe quân sự bị mất trong giao tranh.
"Xe tải dân sự không được sản xuất theo tiêu chuẩn quân sự", O'Brien nói. "Chúng không được chế tạo để chuyên chở những thiết bị chuyên dụng và gặp nhiều khó khăn khi hoạt động ở địa hình gập ghềnh".
"Quãng đường 1,6 km trong thời chiến tương đương 16-32 km trong thời bình, vì bạn đang bắt chiếc xe chở nặng hoạt động hết công suất", O'Brien nhận định.
Việc sử dụng song song xe tải quân sự với dân sự sẽ gây ra vấn đề bảo trì do các phụ tùng có thể không tương thích. Trong khi đó, lực lượng Nga có nguồn lực hạn chế để cứu kéo các phương tiện bị hỏng hóc, theo Alex Vershinin, cựu sĩ quan Mỹ từng phục vụ ở Iraq và Afghanistan.
Một nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của Nga với hàng chục phương tiện thường chỉ có một xe cứu kéo hạng nhẹ và một xe hạng nặng. Điều đó đồng nghĩa một số xe tăng chiến đấu sẽ phải được cắt ra để thực hiện nhiệm vụ cứu kéo xe đồng đội bị hỏng, đôi lúc vượt qua quãng đường hàng trăm km.
O'Brien cho rằng quân đội Nga nhiều năm qua không quan tâm đến lực lượng xe tải quân sự, do quá chú trọng đầu tư cho các dự án hiện đại, đắt tiền như tiêm kích tàng hình Su-57 hay các loại tên lửa siêu vượt âm.
Telenko cho biết nhiều vị trí trong chuỗi hậu cần, trong đó có bảo trì phương tiện, thường do lính nghĩa vụ của Nga đảm nhiệm. Trung tâm Nghiên cứu Nghĩa vụ Quốc tế ước tính khoảng 25% quân số của Nga là lính nghĩa vụ, thường chỉ phục vụ trong khoảng một năm.
"Bạn khó có thể học được nhiều về duy trì, bảo dưỡng các hệ thống quân sự trong một năm. Những người lính này có rất ít động lực học hỏi, vì họ biết thời gian trong quân ngũ của mình rất hạn chế", Telenko nói.
Alex Lord, chuyên gia Á - Âu thuộc công ty phân tích chiến lược Sibylline ở London, nhận định quân đội Nga từ trước tới nay dựa vào nguồn nhân lực lớn để xử lý hậu cần, thay vì các hệ thống cơ giới hóa như xe nâng hàng.
Mỗi xe nâng có thể đưa một kệ hàng với 20 viên đạn pháo lên xe mỗi lần, trong khi việc xếp từng viên đạn bằng tay sẽ tốn nhiều thời gian và nhân lực hơn.
Bốc dỡ hàng hóa bằng tay khiến các xe tải của Nga phải đứng yên một chỗ lâu hơn. "Điều này tạo cơ hội cho lực lượng Ukraine nhắm vào họ", Lord nói.
"Điều này còn đồng nghĩa họ cần nhiều xe tải hơn để thực hiện một nhiệm vụ nhất định trong cùng một thời gian, do đó tiêu hao nhiên liệu và hao mòn lớn hơn", Jason Crump, giám đốc điều hành của Sibylline, đánh giá.
Các chuyên gia nhận định Nga còn đối mặt với một khó khăn khác liên quan đến hậu cần là khoảng cách hành quân trên chiến trường Ukraine.
Telenko cho biết xe tải quân sự chở đầy tải thường di chuyển được quãng đường khoảng 145 km trước khi cần tiếp thêm nhiên liệu. Trong khi đó, khoảng cách giữa miền đông và miền tây Ukraine lên tới gần 1.300 km, còn miền bắc với miền nam là 563 km, khiến Nga cần phải mở nhiều kho tiếp liệu tại nước này để lực lượng tiến xa hơn.
Nga được cho là mất lượng đáng kể xe tải trong chiến dịch ở Ukraine. Telenko ước tính Nga mất cần ít nhất 6 tháng để chế tạo phương tiện thay thế số xe tải này, trong khi có thể hứng chịu thêm tổn thất khi tiến hành giai đoạn hai chiến dịch ở miền đông Ukraine.
"Tôi không hiểu làm thế nào mà lực lượng Nga duy trì được vị trí hiện tại của họ, chưa nói đến triển khai bất cứ đợt tấn công nào với đội xe tải hiện có", Teleko nói. "Xe tải là xương sống của bất cứ lực lượng quân sự cơ giới hóa hiện đại nào. Nếu không có chúng, bạn sẽ phải đi bộ và không thể chiến thắng".
Nguyễn Tiến (Theo CNN, NY Times, The Drive)