Doãn Ngọc Tân: 'Tôi ân hận suốt đời nếu Việt Nam không vô địch ASEAN Cup'

Khi các đồng đội nâng Cup sau trận lượt về chung kết thắng Thái Lan, tiền vệ Doãn Ngọc Tân đứng riêng ra một góc vì mặc cảm tội lỗi.

Doãn Ngọc Tân (số 25) mừng bàn thắng ở phút bù cuối trận Việt Nam hòa Philippines 1-1, ở vòng bảng ASEAN Cup 2024, vào ngày 18/12 tại sân Rizal Memorial. Ảnh: Hiếu Lương

- Lối chơi quyết liệt, không ngại va chạm và di chuyển không biết mệt mỏi cùng một số biểu cảm thú vị trong hành trình vô địch ASEAN Cup 2024 đã đưa tên tuổi Doãn Ngọc Tân đến với nhiều người hơn. Với anh, cảm giác trở thành người nổi tiếng thế nào?

- Sau trận hòa 1-1 trên sân Philippines, tôi được chọn trả lời phỏng vấn vì ghi bàn duy nhất cho Việt Nam. Do sân ồn, tôi không nghe rõ câu hỏi nên nhíu mày, lắng tai nghe rồi "hứ" một cái để nhắc phóng viên hỏi lại. Đó là biểu cảm bình thường trong cuộc sống của tôi, không nghĩ nó lại lan truyền và nổi tiếng như thế. Biệt danh "Tân hứ" từ đấy mà ra.

Vô địch Đông Nam Á thực sự là cột mốc đáng nhớ, thậm chí là để đời với một cầu thủ đã 30 tuổi. Tôi cũng vui vì được mọi người yêu quý, ra đường lại có người nhìn mình và gọi "anh Hứ, anh Hứ". Hai con tôi đi học giờ mọi người cũng biết là con Doãn Ngọc Tân. Tôi nghĩ hai đứa sẽ tự hào về bố.

Nhưng tôi tự nhủ bản thân vẫn là Doãn Ngọc Tân bình thường như trước đây, là hạt cát nhỏ bé trong cuộc đời.

Tôi nói với đứa em cùng phòng ở CLB Thanh Hóa rằng hành trình vừa qua không phải điều gì kinh khủng. Tôi hãnh diện và tự hào nhưng sẽ trở lại cuộc sống bình thường để tiếp tục hướng tới những mục tiêu khác. Tôi từ chối nhiều lời mời làm việc này việc kia sau khi vô địch. Tôi nói với vợ rằng tốt nhất là giữ sự bình lặng. Bóng đá cũng như cuộc sống có thăng có trầm, nhưng thành công với cầu thủ cuối cùng là giữ phong độ ổn định trên sân cỏ lâu nhất có thể.

- Doãn Ngọc Tân của thời chưa nổi tiếng là như thế nào?

- Tôi ăn tập chuyên nghiệp muộn, 14 tuổi mới vào lò đào tạo Thể Công. Hai năm sau tôi chuyển sang tập trẻ ở Hòa Phát Hà Nội, nhưng được hai năm thì ông bầu Trần Đình Long không làm bóng đá nữa. Đội được chuyển giao cho Hà Nội ACB và sáp nhật thành CLB bóng đá Hà Nội. Đến 2012, đội lại giải thể sau khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên không thể tiếp tục duy trì. Tôi coi như thất nghiệp.

Lúc đấy, tôi đi đi lại lại từ Sơn Tây lên Mỹ Đình để cố gắng học nốt ở trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nội, và lấy bằng tốt nghiệp. Sau đó, tôi về quê phụ giúp bố, thỉnh thoảng giúp mấy anh em thân thiết bán trà chanh buổi tối cho vui, vì cũng chưa có công việc gì. Lúc đấy buồn, nhưng hễ có ai gọi đi đá phủi là xách giày lên đường. Trong thâm tâm vẫn mong có cơ hội được tiếp tục sự nghiệp.

Bố mẹ tôi nhìn thấy thương, bảo là hay vay tiền cho đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Tôi bảo chỉ chấp nhận xa gia đình nếu đi đá bóng, còn không làm gì khác. Sau đó, HLV Đặng Phương Nam gọi tôi về Viettel (nay là Thể Công Viettel) đá giải hạng Nhì năm 2014, nhưng đội không thăng hạng. Cuối mùa, tôi cùng một vài đồng đội được cho đến Hải Phòng thử việc, rồi ký hợp đồng. Đến 2021, tôi chuyển sang Thanh Hóa.

Cũng may, không đi xuất khẩu lao động nên tôi mới có được ngày hôm nay. Vì thế, hơn ai hết tôi luôn cảm ơn và trân trọng việc được làm cầu thủ, được theo đuổi đam mê và kiếm ra tiền.

- Giống như một "đóa hoa nở muộn", khi 30 tuổi, anh mới được gọi lên ĐTQG - một môi trường và áp lực hoàn toàn khác với cấp CLB. Quá trình hòa nhập của anh với các đồng đội ở đó thế nào?

- Thời gian đầu khá khó khăn, vì tôi e dè và không quen nhiều người. May mắn khi ấy ở cùng phòng với Nguyễn Thái Sơn cùng CLB Thanh Hóa. Sơn trẻ hơn nhưng nhiều kinh nghiệm trên tuyển. Tôi học hỏi cậu ấy về cách sinh hoạt, lối chơi, sơ đồ chiến thuật của HLV, từ đó định hình trong đầu để ra sân hòa nhập tốt hơn. Sau đó, ban huấn luyện và các đồng đội cũng giúp đỡ nhiều.

Trước giải, chúng tôi đi tập huấn ở Hàn Quốc 10 ngày, mà cảm giác dài như một hay hai tháng. Một ngày trôi qua rất chậm. Lịch trình các ngày đều là ngủ dậy, đi ăn, đi tập, ăn trưa, rồi lại ngủ nghỉ ngay để chiều tập tiếp. Hàn Quốc lạnh nên buổi tập chiều diễn ra sớm từ khoảng 15h. Thời gian này ai cũng áp lực vì phải cố gắng tập trung nhất có thể để cạnh trạnh suất ở lại.

Sau khi Sơn không được chọn, tôi ở chung phòng với Khuất Văn Khang. Nhà cậu ấy ở huyện Phúc Thọ, cách nhà tôi ở thị xã Sơn Tây vài kilomet (đều thuộc Hà Nội). Khang ngoan, tử tế và tính cách cũng ít nói như tôi nên anh em rất thoải mái.

- Các cầu thủ như Phạm Xuân Mạnh, Nguyễn Hoàng Đức... đều đánh giá cao đợt tập huấn đó, nhất là việc cải thiện thể lực và chiến thuật. Cá nhân anh cảm nhận ra sao?

- HLV Kim Sang-sik đã áp dụng giáo án thể lực nặng, khối lượng cao như bóng đá Hàn Quốc. Ông động viên chúng tôi cố gắng hoàn thành một số bài tập chạy trong thời gian quy định như cầu thủ Hàn Quốc. Ai cũng cố gắng đáp ứng nhưng thật sự có lúc tập xong mà chóng mặt, buồn nôn, hai chân run không đứng được.

Đội tuyển Việt Nam và CLB Thanh Hóa giống nhau ở lối đá gây áp lực tầm cao, nhưng cách lên bóng thì khác. HLV Kim muốn đưa bóng thật nhanh lên tuyến trên, còn HLV Velizar Popov yêu cầu kiểm soát bóng, không chuyền dài. Tôi phải cố gắng điều chỉnh để thích nghi.

Nhiệm vụ quan trọng nhất HLV Kim giao cho tôi là thu hồi bóng hai. Khi tấn công, tôi luôn đứng vòng ngoài để chống phản công hoặc chờ bóng hai dứt điểm. Khi phòng ngự, tôi phải hỗ trợ hàng thủ lấy bóng bật ra, rồi làm sao giao thật nhanh cho các tiền vệ công hoặc tiền đạo triển khai lên phía trên.

- HLV Kim Sang-sik xuất thân là một tiền vệ phòng ngự danh tiếng của Hàn Quốc. Ông ấy truyền dạy những kinh nghiệm gì cho anh?

- Thông qua phiên dịch Hàn – Việt, HLV Kim gửi một video tổng hợp các pha bóng thời ông ấy còn thi đấu rồi dạy bảo tôi phải đá như thế. Ngoài ra, còn nhiều chỉ dẫn khác nữa. Ông ấy bảo cầu thủ Việt Nam hiền quá, phải quyết liệt chiến đấu hơn. Có những tình huống chúng tôi chỉ đưa chân hay tay truy cản, nhưng HLV bảo phải lao cả người vào.

Ở ASEAN Cup, HLV Kim tùy từng trận mà dùng người, đấu pháp và sơ đồ. Ông ấy luôn cân nhắc tính toán sao cho cầu thủ giữ thể lực và chuyên môn tốt nhất trong mật độ thi đấu dày đặc. Tôi cũng thấy HLV đọc trận đấu và phân tích tốt, biết mình biết người và nhìn xa. Tôi vẫn ấn tượng cách ông ấy dùng Phạm Tuấn Hải ở lượt về chung kết. Trong đội, không ai nghĩ cậu ấy đá chính đâu, nhưng cuối cùng Tuấn Hải vào sân từ đầu và góp công vào hai bàn thắng.

Với tôi, Hải là một cầu thủ đáng tôn trọng. Dù ít được sử dụng, nhiều lần tôi thấy cậu ấy ăn tối xong là xỏ giày ra chạy ở hồ gần khách sạn tại Việt Trì rồi mới về tắm rửa nghỉ ngơi. Đấy là sự chuyên nghiệp, giữ gìn thể trạng và quan trọng là ý chí rất tuyệt vời. Một chiến binh đấy. Được vào sân thi đấu là kinh khủng đấy.

Doãn Ngọc Tân (áo đỏ) xoạc bóng truy cản Peeradon Chamratsamee trong trận Việt Nam thắng Thái Lan 3-2 ở lượt về chung kết ASEAN Cup 2024, vào ngày 5/1 tại sân Rajamangala. Ảnh: Hiếu Lương

- Ở hai lượt trận chung kết gặp Thái Lan, Ngọc Tân bị đau mắt. Điều đó ảnh hưởng gì đến khả năng thi đấu của anh?

- Tôi bị lên lẹo ở mắt phải trước lượt đi chung kết trên sân Việt Trì, nhưng còn nhỏ nên vẫn nhìn và quan sát được. Sang Thái Lan đá lượt về thì sưng to hơn. Tôi gọi về hỏi bác sĩ chuyên khoa mắt và được tư vấn dùng thuốc nhỏ lẫn uống, nhưng không thể hết ngay được.

Hôm thi đấu ở sân Rajamangala là sưng đau đỉnh điểm nhất. HLV Kim biết chuyện nhưng thấy tôi vẫn sinh hoạt và tập luyện bình thường nên tiếp tục xếp đá chính. Bản thân tôi khi được trao niềm tin thì cứ vào sân chiến đấu thôi. Đến hôm sau, lẹo vỡ và nặn ra hết mủ thì mới dễ chịu.

- Nhưng chính anh đã chuyền bóng hỏng, dẫn đến bàn gỡ hòa 1-1 của Benjmain Davis?

- Đúng là tôi đã xử lý lỗi. Tâm lý lúc ấy lo lắng lắm. Tôi đã bận tâm đến cái mắt đau rồi vào trận bỗng dưng mắc sai lầm. Đầu óc chỉ mong làm sao đội tuyển đạt kết quả tốt không thì tôi áy náy đến cuối đời. Cuối cùng, chúng tôi đã vô địch.

Doãn Ngọc Tân với vết lẹo bên mắt phải ra cảm ơn khán giả sau khi Việt Nam thắng Thái Lan 3-2 ở lượt về chung kết ASEAN Cup 2024, vào ngày 5/1 tại sân Rajamangala. Ảnh: Hiếu Lương

Khi còi hết trận vang lên, cả đội chạy đi ăn mừng còn tôi quỳ xuống sân cảm ơn ông Trời. Cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Nếu không có sai lầm đó, ngày đăng quang trên đất Thái Lan chắc là trọn vẹn hơn. Sự ngại ngùng và e dè còn bám lấy tôi đến khi cùng đồng đội ra cảm ơn khán giả. Nhìn lên khán đài rực đỏ, thân thể tôi lặng xuống. Khi cả đội nâng Cup, tôi cũng đứng một bên nhìn vì cảm xúc tụt xuống sâu quá khi cứ nghĩ về sai lầm.

Tôi chưa từng trải qua những cung bậc cảm xúc như thế. Mất một lúc tôi mới cân bằng được và bắt đầu tự hào về những gì đã đóng góp cho giải đấu đầu tiên trong màu áo đội tuyển quốc gia.

- Đến khi nào anh hết cảm giác tội lỗi?

- Sau màn ăn mừng ngoài sân, chúng tôi quay vào phòng thay đồ. Tôi lấy điện thoại từ ba lô để nhắn tin cho gia đình. Nhưng lúc ấy mới biết tài khoản Facebook bị hack nên phải chuyển sang ứng dụng khác.

Tôi nhắn tin cho vợ là "Anh vô địch rồi". Vợ chúc mừng và cũng biết tôi lặng lẽ không ăn mừng cùng mọi người nên an ủi động viên. Vợ bảo "Đội tuyển cũng đã vô địch. Sai lầm của ba coi như được xí xóa".

Hôm sau, tôi gọi điện về cho bố mẹ. Ông bà vui lắm. Từ khi biết thằng Tân lên đội tuyển, bố mẹ lúc nào cũng vui vẻ và tự hào, lại được làng xóm chúc mừng hỏi thăm. Ngày diễn ra lượt về chung kết, bố tôi dựng rạp, lắp màn hình chiếu lớn rồi làm tầm chục mâm cơm để hàng xóm sang chung vui và cổ vũ cho đội tuyển.

Vì áy náy tội lỗi, Doãn Ngọc Tân (phải) đứng ở góc sân khấu khi các đồng đội nâng Cup vô địch ASEAN Cup 2024. Ảnh: Giang Huy

- Cho đến lúc này, rất nhiều người vẫn thắc mắc, không hiểu bí quyết nào có thể giúp anh chạy liên tục trên sân như thế?

- Thống kê từ thiết bị đo của đội tuyển cho thấy tôi chạy trung bình khoảng 11 km mỗi trận. Nếu đá hết trận, tôi chạy khoảng 12 km và thường là nhiều nhất đội.

Tôi không có bí quyết nào cả. Tôi chơi ở CLB thế nào thì lên ĐTQG cũng vậy, chỉ là nỗ lực và cố gắng nhiều hơn. Khoảnh khắc được mặc áo đội tuyển, được hát Quốc ca trước cờ Tổ quốc càng thúc đẩy tôi cố gắng. Tôi nghĩ nhiều lúc mình đã chạy bằng ý chí, còn thể chất và thể trạng không khỏe hơn nhiều người đâu.

Sau khi vô địch, tôi không thể về nước ngay, mà ở lại Thái Lan để cùng Thanh Hóa gặp BG Pathum United tại vòng bảng Cup CLB Đông Nam Á 2024-2025. Đó là trận thứ ba trong bảy ngày. Sau hiệp một, tôi vào phòng thay đồ thì nôn khan và cảm thấy mệt mỏi, nhưng cố nuốt xuống để chiến đấu tiếp và thế nào lại còn ghi bàn giúp đội hòa 1-1. Tôi thấy mình may mắn vì được phù hộ cho sức khỏe, chân cứng đá mềm để chiến đấu cùng anh em.

- Anh nhớ nhất pha bóng nào của bản thân ở ASEAN Cup vừa qua?

- Ở lượt đi chung kết, bóng ở đâu là tôi ở đấy. Tôi nhớ một tình huống trong hiệp hai khi đội tuyển chống phạt góc rồi phá lên. Cả đội như dừng lại, còn tôi đứng ở gần vòng cấm sân nhà lập tức phi lên, đuổi từ trái sang phải. Sau đó, Châu Ngọc Quang áp sát hậu vệ trái Thitathorn Auksornsi khiến bóng bay xa tầm kiểm soát. Tôi lập tức lao vào chích mũi giày cho Hoàng Đức chọc khe. Tiếc là Nguyễn Xuân Son sút trúng người thủ môn Patiwat Khammai. Nếu thành bàn, tôi tin đó là một bàn thắng tuyệt vời.

Tất nhiên, tôi cũng nhớ bàn gỡ hòa 1-1 trước Philippines, vì đó là khoảnh khắc chúng tôi đã làm khác chiến thuật lúc tập luyện. Đáng lẽ Vũ Văn Thanh đá phạt góc biên phải nhưng lại nhường cho Hoàng Đức. Tôi đáng lẽ đứng chờ bóng hai ngoài vòng cấm. Nhưng thấy Văn Thanh ra chỗ mình, tôi bảo "Em đứng đây nhé, để anh vào". Tôi xâm nhập vòng cấm thì Zico Bailey kèm sát. Tôi nhớ cậu này vì từng sang Hải Phòng thử việc khi tôi còn thi đấu ở đó. Tôi vờ chạy ra cột gần, nhưng rồi giật lại cột hai vì biết khó tranh chấp với nhiều cầu thủ to cao và cũng phán đoán có thể bóng lọt ra sau. Cuối cùng, thủ môn Philippines bắt trượt giúp tôi đánh đầu vào lưới trống. Cảm xúc đến lúc này vẫn rất tuyệt vời.

- Trước đây, Ngọc Tân được biết đến ở vị trí hậu vệ biên. Điều gì đã biến anh trở thành tiền vệ trung tâm?

- Năm 2021, tôi từ Hải Phòng gia nhập Thanh Hóa đang được HLV Ljupko Petrovic dẫn dắt. Trong một trận thiếu tiền vệ trung tâm, tôi được ông ấy kéo vào đá cặp cùng Lê Phạm Thành Long. Từ đó, tôi cứ bon bon với vị trí này trong đội hình xuất phát. Tôi không lạ lẫm vì từng thi đấu thời trẻ nên có nền tảng kỹ thuật cơ bản và chỉ mất thời gian vận dụng lại.

Tôi cũng rất ấn tượng với HLV Petrovic. Chúng tôi gọi đấy là "Ông già gân". Một ông lão hơn 70 tuổi nhưng thay vì an dưỡng tuổi già lại để vợ con, cháu chắt ở nhà, rồi sang Việt Nam làm công việc yêu thích. Ông ấy vẫn chiến đấu và gào thét ngoài sân chỉ đạo.

Tương tự là HLV hiện tại Velizar Popov. Cuối mùa trước, ông ấy nhận được nhiều lời mời với tiền lương cao hơn. Nhưng Popov bảo nếu chúng tôi đoạt Cup Quốc gia thì sẽ ở lại, và chúng tôi đã làm được. Không chỉ tôi, anh em trong đội đều thấy tầm quan trọng của Popov. Ông ấy làm cho Thanh Hóa không có ngôi sao nhưng đội nào gặp cũng e dè và phải tôn trọng. Với tôi, đấy là một HLV giỏi cả chuyên môn và làm tâm lý, yêu nghề, chịu khó học hỏi và áp dụng những cái mới nhất của bóng đá hiện đại. Những nhiệt huyết ấy phần nào ảnh hưởng đến tôi.

- Anh sẽ tự miêu tả về lối chơi của mình bằng hình ảnh nào?

- Mọi người bảo tôi dai như đỉa. Thời tôi còn ở Hải Phòng, anh em trong đội hay đùa rằng nếu tôi là đối thủ thì toàn rúc nách hai ngoại binh Andre Fagan và Errol Stevens vì nhỏ hơn họ. Nhưng làm thế mà cản được thì tôi vẫn làm thôi.

Bóng đá hay nhớ đến cầu thủ tấn công, ít nhớ đến những cầu thủ phòng ngự làm công việc "dọn dẹp". Nhưng trên sân cần những con người như thế. Đấy là điểm mạnh của tôi, và tôi yêu thích công việc ấy. Tôi tin vẫn có những người nhìn nhận ra vai trò của mẫu cầu thủ đặc thù này.

Tôi cũng thấy mỗi cầu thủ có một con người trên sân và một con người ngoài đời. Với tôi, con người trên sân là chiến đấu máu lửa quyết liệt để chiến thắng. Mình không ác nhưng không thể hiền lành, tử tế như ngoài đời được.

Doãn Ngọc Tân nâng Cup trên sân Rajamangala ngày 5/1. Ảnh: Hiếu Lương

Hiếu Lương