- Đã gần hai tuần kể từ khi Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024, dư vị trong anh lúc này thế nào?
- Cảm giác vẫn rất đặc biệt, vì tôi đặt nhiều niềm tin và hy vọng sau khi lỡ hẹn ở hai kỳ trước đều do thua Thái Lan. Hơn nữa, chúng tôi thắng cả hai lượt trận chung kết và nâng Cup ngay trên sân Rajamangala của Thái Lan.
Về mặt cá nhân, tôi cũng trải qua giải đấu nhiều cảm xúc. Tôi tự nhận chơi chưa tốt ở vòng bảng, nhưng tiến bộ từ bán kết. Tôi còn được làm đội trưởng ở hai trận chung kết nữa. Đó là một bất ngờ, vì HLV Kim Sang-sik chỉ công bố trong cuộc họp nội bộ trước trận. Khi đó, tôi tự nhủ đã được đặt niềm tin như vậy thì phải đá hết sức, không phụ sự kỳ vọng của HLV.
- Sau trận lượt về chung kết ở sân Rajamangala hôm 5/1, HLV Masatada Ishii của Thái Lan đã chủ động gặp anh. Ông ấy đã trao đổi điều gì?
- Tôi là một trong những cầu thủ Việt Nam cuối cùng đi vào đường hầm. Bất ngờ HLV Ishii tiến tới trò chuyện thông qua phiên dịch viên tiếng Anh. Ông ấy hỏi vì sao không sang Hàn Quốc hay Nhật Bản thi đấu. Tôi không trả lời gì. Tâm trạng lúc đó đang phấn chấn nên chỉ cười và cúi đầu cảm ơn, rồi đi tiếp.
Sau này, hậu vệ Thái Lan Theerathon Bunmathan cũng nhắn tin chúc mừng tôi qua Instagram. Theerathon vốn là thành viên quan trọng trong đội hình Thái Lan thắng Việt Nam ở hai kỳ AFF Cup liền trước (nay là ASEAN Cup). Việc đó cho thấy, trong sân là đối thủ nhưng ra ngoài chúng tôi vẫn có thể là bạn bè, vẫn có thể quan tâm và chúc nhau chiến thắng. Đó là niềm vui của tôi và đội tuyển.
Nguyễn Hoàng Đức nâng Cup sau khi cùng Việt Nam đánh bại Thái Lan ở chung kết ASEAN Cup 2024. Ảnh: Đức Đồng |
- Trước khi vô địch ASEAN Cup, bóng đá Việt Nam trải qua thời gian dài thất bại và bản thân anh không được trọng dụng dưới thời HLV Philippe Troussier. Anh đánh giá thế nào về những chuyển biến qua hai thời kỳ đó?
- Mỗi thời mỗi khác, và tôi nghĩ HLV Troussier cũng có cái hay và đáng học. Nhưng lúc đó đội tuyển thua nhiều nên không được kỳ vọng và mất niềm tin.
HLV hiện tại Kim Sang-sik có nhiều điểm khác biệt. Ông ấy rất tôn trọng thời gian riêng của cầu thủ trong sinh hoạt. Như sau bữa tối, chúng tôi thường được các bác sĩ massage. HLV chỉ sang hỏi thăm một chút, rồi về phòng để cầu thủ có thời gian riêng tư trò chuyện và nghỉ ngơi. Điều này giúp chúng tôi có tâm lý thoải mái nhất trước khi vào sân.
Để xây dựng tập thể Việt Nam, tính đoàn kết rất quan trọng. Các cầu thủ phải bảo ban được nhau để thành một khối thi đấu thống nhất. Quan trọng nữa là tinh thần ra sân phải chơi hết mình vì màu cờ sắc áo.
- Vậy còn sự thay đổi về lối chơi?
- Khi mới đến hồi tháng 6/2024, HLV Kim muốn toàn đội chơi kiểm soát bóng và luân chuyển từ dưới lên. Nhưng đến đợt tập trung trước ASEAN Cup, ông bất ngờ yêu cầu đội chơi nhanh hơn, làm cách nào đưa bóng đến khung thành đối phương nhanh nhất với mỗi cá nhân có vai trò rõ ràng. Tôi có nghe HLV nói với ban huấn luyện rằng 'Phải thay đổi nếu không sẽ thất bại'.
HLV Kim cũng chịu nhiều áp lực khi công bố danh sách triệu tập cầu thủ. Tôi thấy nhiều người đặt câu hỏi tại sao không gọi cầu thủ này hay cầu thủ kia, nhưng cá nhân luôn tôn trọng quyết định của HLV.
Chúng tôi còn bất ngờ với cách ông ấy đưa ra đội hình trước mỗi trận. Nói thật là người trong cuộc cũng không biết ai sẽ đá chính nữa là người ngoài. Tuy nhiên, tôi thấy thú vị khi HLV Kim đã sử dụng 25 cầu thủ, trừ thủ môn Trần Trung Kiên chưa có cơ hội. Cuối cùng, ai cũng vui vì có đóng góp cho chức vô địch.
- Một trong những điểm sáng của đội tuyển ở giải vừa qua là thể lực. Điều gì đã đem lại chuyển biến tích cực trong thời gian ngắn như thế?
- Chuyến tập huấn ở Hàn Quốc là quãng thời gian tập thể lực và đá giao hữu bổ ích, để chúng tôi bắt nhịp với lịch thi đấu dày tại ASEAN Cup. Tôi nghĩ chưa có giải nào đá ngắn ngày lại di chuyển nhiều như thế.
Chúng tôi được tập giáo án thể lực dành cho cầu thủ Hàn Quốc. Anh em thậm chí phải kêu than sau các bài chạy kiểm tra thể lực của ban huấn luyện, nhưng thật sự mang lại kết quả rất tốt. Khi trao đổi với HLV Kim, tôi cũng bất ngờ khi biết ông ấy kết thúc sự nghiệp lúc 38 tuổi, còn cầu thủ Việt Nam đa số dừng đá bóng trước 35 tuổi. HLV đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm giữ thể trạng để duy trì thi đấu lâu dài.
- Trước giải, Hoàng Đức chịu nhiều áp lực vì rời Thể Công Viettel để xuống giải hạng Nhất chơi cho Ninh Bình. Anh đối phó với điều đó thế nào?
- Tôi đã suy nghĩ không ít, nhưng tự nhắc bản thân phải gác lại để tập trung vào chuyên môn. Tôi tự thấy có thể đóng góp tốt cho CLB và hy vọng các mục tiêu sẽ hoàn thành suôn sẻ.
Trước khi chuyển đến Ninh Bình, tôi đã ăn tối với HLV Kim Sang-sik. Tôi cũng chia sẻ sẽ không thi đấu ở V-League mà xuống hạng Nhất. Ông ấy không phê phán mà đưa ra nhiều lời khuyên. Với ông ấy, tôi đến môi trường nào cũng được nhưng phải luôn cố gắng vì tập thể, làm sao để HLV nhìn thấy sự tận hiến thì cánh cửa ĐTQG luôn rộng mở với tôi.
- Chuyên môn của giải hạng Nhất thấp hơn V-League. Anh làm thế nào để duy trì động lực cũng như phẩm chất khi lên ĐTQG?
- Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm tài chính rất quan trọng với mỗi cầu thủ. Tôi cũng muốn thay đổi môi trường và quan trọng là hào hứng với những mục tiêu tương lai rõ ràng cùng CLB mới. Bước đầu là thăng hạng, rồi chinh phục V-League và giải châu Á.
Tôi chấp nhận đánh đổi một năm ở hạng Nhất. Kinh nghiệm cùng Thể Công từ hạng Nhất lên V-League năm 2018 sẽ giúp ích cho tôi. Bên cạnh đó, đồng đội ở Ninh Bình nhiều người có kinh nghiệm chơi V-League nên tôi không bất ngờ nếu cùng nhau hoàn thành mục tiêu thăng hạng ngay mùa này.
Tôi đã đọc nhiều bình luận cho rằng tôi và nhiều cầu thủ Việt Nam hết động lực. Tôi cho rằng nhiều cầu thủ Việt Nam và nước ngoài xuất phát điểm nghèo khó trước khi thành công. Bất cứ ai cũng sẽ có quãng thời gian phong độ lên xuống, thành công hay thất bại, nhưng có một thứ không thay đổi là vẫn ra sân tập luyện mỗi ngày. Họ cũng phải duy trì phong độ và tranh đấu để được lên ĐTQG.
Tôi không nghĩ có cầu thủ nào được triệu tập mà lơ là. Ai cũng hết mình vì mục tiêu chung. Với ASEAN Cup 2024, chúng tôi xác định giải này rất quan trọng vì trước đó liên tục thất bại. Anh em động viên nhau vô địch để mang đến niềm vui đón năm mới cho nhau lẫn người hâm mộ.
- Chia sẻ với báo Hàn Quốc, HLV Kim Sang-sik nói rằng ông ấy cảm thấy như "tái sinh" sau khi vô địch ASEAN Cup. Còn Hoàng Đức thì sao?
- Bối cảnh của tôi không đến mức như thế, nhưng tôi thấy sự nghiệp của mỗi cầu thủ là đan xen giữa những khen chê, thành công và thất bại. Đó là điều bình thường trong bóng đá và tạo động lực tập luyện mỗi ngày. Không thể tránh khỏi việc đọc chỉ trích nhưng tôi cố gắng suy nghĩ tích cực, coi đó là thứ thúc đẩy mình tiến lên.
Chỉ có thỏa mãn và dừng lại mới là thất bại và sẽ bị đào thải. Thời gian không chờ ai và tôi sẽ ngày càng già đi, trong khi lớp trẻ và những cầu thủ khát khao sẵn sàng thế chỗ. Tôi tự nhắc mình làm sao duy trì phong độ tốt nhất và động lực cống hiến để HLV ở CLB và ĐTQG nhìn thấy.
- Mục tiêu trước mắt của anh cùng ĐTQG là gì?
- Chúng tôi phải giành vé dự Asian Cup 2027, còn World Cup là mục tiêu cuối cùng mà bất cứ cầu thủ nào cũng mong muốn. Tôi nghĩ bản thân chỉ còn cơ hội ở kỳ giải 2030. Nếu vẫn còn được lên đội tuyển, tôi sẽ tận hiến hết mình, cố gắng từng vòng loại một để chinh phục giấc mơ.
- Anh nghĩ sao về khả năng Việt Nam sẽ tăng cường nhập tịch cầu thủ nước ngoài hoặc Việt kiều?
- ASEAN Cup có Nguyễn Xuân Son thật sự là luồng gió mới. Với một cầu thủ tốt như thế, đồng đội nhìn vào tự biết phải làm gì. Son mang lại động lực, biết lúc nào cần tỏa sáng và hỗ trợ đồng đội. Việc có Son giúp ích nhiều cho đội và cá nhân tôi thấy thi đấu dễ dàng hơn. Tôi nghĩ chức vô địch sẽ trọn vẹn hơn nếu Son không chấn thương nặng.
Mọi người từng lo lắng cầu thủ nhập tịch sẽ khiến nội bộ đội tuyển bị xáo trộn. Nhưng như Son luôn xuất hiện với nụ cười trên môi và hòa nhập rất nhanh với cầu thủ bản địa. Cậu ấy được chào đón nồng nhiệt từ khi mới đến và không có sự xa cách nào.
Bao nhiêu cầu thủ nhập tịch được lên tuyển phụ thuộc vào các lãnh đạo. Nhưng chắc chắn những cầu thủ tốt sẽ được HLV lựa chọn và được chào đón trên đội tuyển. Nhiều cầu thủ tốt giúp tăng tính cạnh tranh và giúp bản thân tôi cũng được nâng cao trình độ chuyên môn.
Hiếu Lương