Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), trụ sở ở The Hague, Hà Lan, ngày 21/11 phát lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant và chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif vì các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh ở Gaza.
Đây là lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt với lãnh đạo đương nhiệm của một quốc gia đồng minh phương Tây. Động thái này đồng nghĩa Thủ tướng Netanyahu đối mặt nguy cơ bị bắt khi ra nước ngoài, đặc biệt là tại các quốc gia thành viên ICC.
"124 quốc gia, những bên đã thông qua Quy chế Rome thành lập ICC, sẽ là nơi ông Netanyahu không nên đặt chân đến", Adil Haque, giáo sư luật tại Đại học Rutgers, Mỹ, nói. Trong số này có toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada, Nhật Bản, Brazil, Australia, các nước Nam Mỹ. Israel và đồng minh lớn nhất Mỹ đều không tham gia ICC.
Lệnh bắt của ICC khởi nguồn từ cuộc điều tra bắt đầu tháng 12/2019, khi công tố viên trưởng Karim Khan xem xét cáo buộc Israel và các nhóm vũ trang Palestine, trong đó có Hamas, phạm tội ác chiến tranh ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Gaza trong cuộc chiến năm 2014, các vụ bạo lực gần biên giới Israel - Gaza năm 2018.
Phạm vi điều tra sau đó mở rộng sang cả chiến sự Israel - Hamas và công tố viên trưởng Khan ngày 20/5 thông báo xin lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu, ông Gallant và ông Deif. Lệnh bắt được hội đồng thẩm phán ICC thông qua sau 6 tháng xem xét.
Israel không phải thành viên ICC, nhưng Nhà nước Palestine tham gia Quy chế Rome từ 2015, do đó, tòa có thể điều tra, truy tố và phát lệnh bắt với bất kỳ ai liên quan tội ác ở Gaza hay Bờ Tây. Các quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ thực hiện lệnh bắt nếu ông Netanyahu đến lãnh thổ của họ và giao nộp cho tòa. Họ cũng có thể từ chối bắt người, nhưng điều này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng uy tín tòa cũng như hình ảnh quốc tế của nước đó.
Italy và Hà Lan đã tuyên bố sẽ tuân thủ lệnh bắt của ICC. Số khác cam kết thực thi quy định của ICC nhưng không nêu cụ thể. Quan chức đối ngoại của EU Josep Borrell nói lệnh bắt của ICC mang tính ràng buộc với toàn bộ thành viên khối.
Các quốc gia không phải thành viên ICC cũng có quyền cấm ông Netanyahu nhập cảnh, bắt và bàn giao cho ICC hoặc truy tố, xét xử trong thẩm quyền của họ. Chính phủ mới ở Israel trong tương lai có thể bàn giao ông Netanyahu và ông Gallant cho ICC.
Giới chuyên gia đánh giá lệnh bắt của ICC không chỉ ảnh hưởng riêng đến Thủ tướng Netanyahu, mà còn tạo tác động lan tỏa, làm suy yếu tính chính danh trong chiến dịch của Israel tại Gaza, khiến quan hệ giữa Tel Aviv với các đồng minh thêm phức tạp.
"Các nước đồng minh Israel là thành viên ICC còn đối mặt áp lực trong nước về ngoại giao với ông Netanyahu", theo ông Haque. "Ví dụ, tôi sẽ bị sốc nếu lãnh đạo Đức đến Israel và bắt tay, chụp ảnh chung với ông Netanyahu, hoặc chỉ là điện đàm với lãnh đạo Israel, bởi họ sẽ mất rất nhiều sự ủng hộ từ người dân".
Một số đồng minh Israel ở châu Âu còn có luật cấm chuyển giao vũ khí cho các quốc gia nếu lo ngại số vũ khí đó có thể được sử dụng để gây tội ác.
"Chúng ta đã thấy một tòa án ở Hà Lan phán quyết Amsterdam không thể chuyển linh kiện chiến đấu cơ cho Tel Aviv. Anh đã đình chỉ hàng loạt giấy phép khẩu vũ khí cho Israel", Kelebogile Zvobgo, giáo sư về quản trị tại Đại học William & Mary, bang Virginia, Mỹ, cho biết.
Nam Phi tháng 12/2023 kiện Israel lên Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), trụ sở The Hague, với cáo buộc có hành động "diệt chủng" tại Dải Gaza, điều mà Tel Aviv bác bỏ. Lệnh bắt từ ICC sẽ giúp lập luận của Nam Phi vững chắc hơn, có thêm lợi thế trước tòa.
ICJ hồi tháng 1 đã yêu cầu Israel không gây ra diệt chủng tại Dải Gaza và tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo vào khu vực này. Tòa đang xem xét Israel có thực sự phạm tội diệt chủng hay không, quá trình này dự kiến mất vài năm.
Ông Netanyahu chỉ trích động thái của ICC là "vô căn cứ, mang tính bài Do Thái", tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ đất nước bằng mọi cách. "Chúng tôi sẽ không khuất phục trước áp lực", ông tuyên bố. Mỹ cũng đã bác bỏ thẩm quyền của ICC trong vấn đề.
Quá trình từ lúc phát lệnh bắt cho đến tuyên án của ICC thường kéo dài, vì còn trải qua nhiều bước. Tuy nhiên, ông Zvobgo lưu ý công tố viên Khan "chỉ đưa ra cáo buộc với những vụ kiện mà ông tin rằng sẽ dẫn đến bản án".
"Ngay cả khi không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC, ông Netanyahu vẫn sẽ là một người bị cáo buộc có hành động tàn bạo", ông Zvobgo nói. "Các cáo buộc không biến mất, ngay cả khi chiến sự kết thúc. ICC không có quy định về thời hạn xét xử".
Như Tâm (Theo Reuters, Vox, MEE)