Nguy cơ mắc Covid-19 đối với mẹ bầu
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, theo Quyết định số 3802/QĐ-BYT ban hành ngày 10/8, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và phụ nữ đang cho con bú được tiêm vaccine phòng Covid-19 để hạn chế nguy cơ lây nhiễm và biến chứng nghiêm trọng khi mắc bệnh.
Người bình thường mắc Covid-19 đã vất vả và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nếu chẳng may một thai phụ mắc Covid-19 sẽ còn khó khăn hơn vì lúc này nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ, thai nhi. Do đó, cách tốt nhất là phụ nữ mang thai cần được tiêm vaccine phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo ở mức độ cao.
Đầu tiên, thai phụ cần thực hiện tối đa các biện pháp phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 bằng cách tuân thủ quy tắc 5K: Khai báo y tế những nơi đến - Khẩu trang - Khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh - Không đến nơi đông người - Khử khuẩn, sát khuẩn thường xuyên.
Tiếp đến, thai phụ cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu. Bổ sung thêm nước hoa quả có hàm lượng vitamin đầy đủ và cao như C, A, D, E, K nhằm góp phần tạo miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Mỗi người cần có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, thực hiện các bài tập thở cho mẹ bầu để sức khỏe đường hô hấp luôn khỏe mạnh
Nhiều thai phụ lo lắng nếu chẳng may thai phụ nhiễm Covid-19 sẽ đối mặt với nguy cơ gì? Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết, trong suốt thai kỳ, phụ nữ mang thai thường đi kèm với một số bệnh lý sản khoa như tiểu đường thai kỳ, thừa cân, thiếu máu... chưa kể đến các bệnh lý nền khác nếu có như tiểu đường (đái tháo đường), cao huyết áp, tim mạch... Nếu chẳng may mắc thêm Covid-19 sẽ khiến thai phụ chịu cùng lúc nhiều gánh nặng, do đó rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp thai phụ suy hô hấp nặng phải thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao..., đối diện với nguy cơ cao phải chấm dứt thai kỳ.
Chia sẻ về phương pháp điều trị cho thai phụ mắc Covid-19, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết, hiện nay việc điều trị cho thai phụ mắc Covid-19 cũng sẽ tương tự giống các trường hợp mắc bệnh khác, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do đó, quan trọng cần phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm bệnh để có biện pháp can thiệp kịp thời, kiểm soát hiệu quả để bệnh nhân không thiếu oxy kéo dài. Thêm vào đó, trong suốt quá trình điều trị, tùy thuộc vào tuổi thai nhi, sức khỏe của thai phụ mà các bác sĩ sẽ có chỉ định, hướng dẫn thời điểm mổ bắt con phù hợp để đảm bảo an toàn cho cả mẹ, con.
Có nên tiêm phòng vaccine Covid-19 khi mang thai và cho con bú hay không?
Ngày 10/8 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 3802/QĐ-BYT về việc đưa phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên vào chỉ định tiêm chủng, vốn là đối tượng bị trì hoãn trước đây, nay thành nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng. Đồng thời, quyết định này cũng đưa phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ ra khỏi nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng. Nghĩa là, với quyết định mới này, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên và phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể được tiêm vaccine phòng Covid-19, trừ vaccine Sputnik V chống chỉ định cho phụ nữ mang thai và cho con bú theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Có thể thấy, việc mở rộng đối tượng tiêm chủng là tin vui cho hàng triệu phụ nữ trên hành trình nuôi con, chuẩn bị làm mẹ được gia tăng cơ hội bảo vệ sức khỏe bản thân và con yêu trước đại dịch nguy hiểm. "Phụ nữ mang thai nếu bị viêm phổi do virus sẽ có nguy cơ bị sinh non, thai chậm phát triển, thai lưu... Do đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, việc quyết định mở rộng đối tượng tiêm chủng vaccine này là tin vui cho hàng triệu phụ nữ mang thai, đang cho con bú", bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ thêm.
Phụ nữ mang thai bao nhiêu tháng thì được tiêm chủng?
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, khi khám sàng lọc, nhân viên y tế cần tiến hành hỏi tuổi thai đối với phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai trên 13 tuần nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
Đồng thời, nhân viên y tế cần giải thích rõ các lợi ích và nguy cơ của việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần. Sau khi được giải thích rõ ràng các lợi ích và nguy cơ, nếu thai phụ đồng ý tiêm chủng sẽ chuyển đến tiêm, theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
Những câu hỏi thường gặp
Để giúp phụ nữ mang thai được trang bị những thông tin chính thống nhất về tiêm vaccine Covid-19 khi mang thai, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi giải đáp cụ thể một vài thắc mắc được gửi về nhiều nhất:
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho bà bầu mang thai đôi có gây phản ứng nhiều hơn mang thai đơn không?
Việc tiêm chủng Covid-19 cho bà bầu mang thai đơn và thai đôi nhìn chung không có gì khác biệt, khuyến khích tất cả thai phụ nên tiêm ngừa đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và thai nhi. Sau tiêm ngừa, thai phụ cần thăm khám sức khỏe thai nhi định kỳ để được tầm soát, sàng lọc một số yếu tố nguy cơ, các bác sĩ sản khoa tư vấn rõ ràng các yếu tố khác của việc mang đa thai.
Phụ nữ mang thai bị hen suyễn, bệnh tim mạch, tiểu đường (đái tháo đường)... có tiêm vaccine Covid-19 được không?
Theo hướng dẫn khám sàng lọc ban đầu, trong phiếu sàng lọc sẽ có những câu hỏi liên quan đến việc mắc các bệnh lý. Nếu thai phụ không mắc các bệnh cấp tính (bệnh trở nặng) hoặc bệnh mạn tính đã điều trị ổn định thì vẫn có thể tiêm chủng được. Cụ thể, thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ vẫn có thể tiêm chủng. Thai phụ mắc các bệnh lý tim mạch, hen suyễn trừ khi bị nhiễm khuẩn hay thở máy mới phải cân nhắc, còn lại vẫn có thể tiêm chủng.
Phụ nữ mang thai bị dị ứng thai kỳ, ngứa và nổi mề đay vào những tháng cuối thai kỳ thì có tiêm vaccine Covid-19 được không?
Hiện nay, theo quy định mới nhất về hướng dẫn khám sàng lọc tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam, chúng ta chỉ trì hoãn tiêm với các trường hợp dị ứng nặng độ 2, 3. Trường hợp bị ngứa, nổi mề đay không phải phản ứng phản vệ độ 3 nên vẫn có thể tiêm vaccine Covid-19 như bình thường. Tuy nhiên, khi đi tiêm chủng cần khai báo đầy đủ các tiền sử dị ứng trước đây để bác sĩ khám sàng lọc được biết, có đánh giá đầy đủ thể trạng sức khỏe đạt quy định tiêm chủng hay không. Sau tiêm cần ở lại theo dõi sức khỏe trong 30 phút. Khi về nhà cần tiếp tục theo dõi thêm, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần đến ngay điểm y tế gần nhất để được thăm khám, cấp cứu kịp thời.
Sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho phụ nữ mang bầu bao lâu thì được tiêm các loại vaccine khác?
Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Mỹ và Hiệp hội Y học bào thai, phụ nữ mang thai có thể tiêm nhiều loại vaccine tại cùng một thời điểm nhưng cần có một khoảng thời gian ban đầu để đánh giá tác dụng phụ, cũng như đáp ứng miễn dịch của từng loại vaccine. Trước đây, không chỉ vaccine Covid-19 mà tất cả các vaccine khác đều khuyến cáo nên giữ khoảng cách 14 ngày sau tiêm một loại vaccine. Tuy nhiên, quy định mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành đã không còn quy định rõ về vấn đề khoảng cách này nữa.
Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 không?
Ngày 10/8, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó quy định phụ nữ cho con bú có thể tiêm vaccine Covid-19 bình thường, cho nên bạn có thể an tâm là sau tiêm vẫn có thể cho con bú sữa mẹ, không có vấn đề gì phải lo lắng. Hiện, chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào cho thấy mARN thông tin truyền qua sữa mẹ. Tiêm chủng là một cơ hội, có thể lần trước bạn không được chích ngừa vì chưa có hướng dẫn rõ ràng, bây giờ bạn có cơ hội để chích ngừa phòng bệnh kịp thời.
Khi mẹ được tiêm ngừa thì ít nhiều kháng thể sinh ra trong cơ thể mẹ sẽ có ở sữa mẹ và em bé sẽ được hưởng thụ. Tiếp nữa là tiêm ngừa sẽ giúp mẹ khoẻ mạnh, có một phương pháp được gọi là phương pháp "kén tằm", có nghĩa là trong trường hợp em bé chưa đủ tuổi để có thể tiêm ngừa thì những người phụ huynh xung quanh bé nên tiêm phòng. Ví dụ như ho gà, nếu người thân bé có tiêm vaccine ho gà thì có thể bảo vệ được em bé, như vậy, em bé cũng sẽ khỏe mạnh.
Một lưu ý là với vaccine Covid-19, dù có tiêm ngừa đầy đủ và bảo vệ chính bản thân nhưng nếu bạn đi ra ngoài thì vẫn có khả năng bị lây nhiễm bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Vì vậy, dù tiêm ngừa bạn vẫn phải thực hiện 5K, vệ sinh khử khuẩn.
Thanh Thúy
Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại với những biến đổi của nhiều chủng virus SARS-CoV-2, khiến nhiều thai phụ phải trì hoãn lịch khám thai, làm mất đi thời điểm vàng phát hiện dị tật trong thai kỳ. Hiểu những khó khăn đó, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa cùng các chuyên gia sản phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tham gia giải đáp thắc mắc của chị em phụ nữ thông qua chương trình "Phòng khám sản phụ khoa online" vào chiều thứ 3, thứ 6 và thứ 7 hàng tuần. Khách hàng có thể xem chi tiết chương trình "Phòng khám sản phụ khoa online" và đăng ký "khám online" miễn phí với các chuyên gia tại đây. Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội Hotline: 1800 6858 - TP HCM 2B Phổ Quang, phường 2, quận.Tân Bình, TP HCM Hotline: 028 7102 6789 Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh - Website: https://tamanhhospital.vn |