Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) tuần trước đề xuất dự luật cấm binh sĩ trong vùng chiến sự sử dụng điện thoại có chức năng quay video, ghi âm hoặc tích hợp định vị vệ tinh. Theo dự luật, quân nhân nào bị phát hiện sử dụng điện thoại thông minh sẽ bị coi là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và có thể bị phạt giam tới 10 ngày.
Dự luật vấp phải chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội, được cho là từ những binh sĩ sử dụng điện thoại thông minh ở tiền tuyến. Các chuyên gia nhận định việc ban hành lệnh cấm có thể sẽ phản tác dụng, song giới lập pháp Nga vẫn quyết tâm thông qua dự luật này, trước hết là nhằm bảo vệ tính mạng của chính những người lính.
Điện thoại thông minh bình thường không được bảo mật tốt như các loại thiết bị liên lạc quân sự, có thể dễ dàng bị đối phương phát hiện, theo dõi và nhắm mục tiêu bằng tác chiến điện tử.
Tháng 1/2023, quân đội Ukraine đã xác định được vị trí một căn cứ của Nga ở tỉnh miền đông Donetsk, sau khi phát hiện tín hiệu liên lạc đi động tăng bất thường tại một địa điểm. Sau khi xác minh đây là điểm tập kết của binh sĩ Nga, quân đội Ukraine phóng tên lửa tập kích, khiến gần 100 quân nhân Nga thiệt mạng. Đây không phải trường hợp cá biệt và nhiều sự việc tương tự cũng đã xảy ra từ đầu xung đột.
Công ty an ninh mạng Thụy Điển ENEA hồi tháng 1 công bố báo cáo cho thấy các bên có nhiều cách để theo dõi điện thoại di động của binh sĩ đối phương tại Ukraine.
Họ có thể theo dõi dựa trên tín hiệu vô tuyến do điện thoại phát ra, hoặc thông qua hệ thống mạng di động mà binh sĩ sử dụng để truyền tải dữ liệu. Tình báo đối phương cũng có thể tìm cách lừa quân nhân cài phần mềm chứa mã độc trên điện thoại khiến họ lộ vị trí, cùng một số phương pháp khác.
"Điều đáng ngạc nhiên ở đây là các binh sĩ trên chiến trường Ukraine đang sử dụng điện thoại di động và các phương tiện liên lạc thương mại khác ngày càng nhiều", Cathal McDaid, giám đốc công nghệ của ENEA, cho biết. "Điện thoại di động nên được sử dụng hạn chế hơn và phải áp dụng các biện pháp bảo mật".
ENEA khuyến cáo binh sĩ trong vùng chiến sự không mang thẻ SIM từ bên ngoài vào, chỉ mua nó ngay tại địa bàn và từ nguồn có thể tin tưởng. Họ cũng cần di chuyển ra xa đơn vị của mình ít nhất vài trăm mét khi gọi điện thoại, đồng thời có một người đi theo làm nhiệm vụ cảnh giới. Các quân nhân cần tự giả định rằng kẻ địch có thể nghe lén bất cứ cuộc gọi nào, từ đó lựa chọn cẩn thận thông tin khi trao đổi qua điện thoại.
Hiểm họa tiềm tàng từ điện thoại di động khiến một số người đặt câu hỏi vì sao quân đội Nga, và cả Ukraine, không cấm hoàn toàn việc sử dụng thiết bị này từ đầu xung đột. Nguyên nhân đầu tiên là vì điều đó sẽ gây tác động tiêu cực rất lớn đối với tinh thần chiến đấu của binh sĩ.
Điện thoại đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của mọi người và các quân nhân cũng không phải ngoại lệ. Một binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến cho biết ngoài trừ việc ngủ, họ thường đi dạo, uống cà phê và nghịch điện thoại để giết thời gian vào những lúc không phải làm nhiệm vụ.
Đối với họ, dùng điện thoại để chơi game, trò chuyện với người thân hay xem các video mang tính giải trí là phương pháp hiệu quả để giải tỏa căng thẳng sau những giờ phút chiến đấu khốc liệt. Số lượng binh sĩ Ukraine chơi World Of Tanks Blitz, một trò chơi trực tuyến về xe tăng trên di động, nhiều đến nỗi nhà sản xuất Wargaming có trụ sở ở Phần Lan đã phát động một sáng kiến quyên góp để hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này.
Tính khả thi của việc áp dụng triệt để lệnh cấm dùng điện thoại di động cũng là dấu hỏi. Guardian năm ngoái cho biết thiết bị này hiện vẫn được sử dụng phổ biến trong các nhà tù ở Anh bất chấp nỗ lực ngăn cản của giới chức, nên việc thi hành lệnh cấm tương tự trong quân đội khó có khả năng thành công hơn.
Binh sĩ ngày nay cũng cần điện thoại di động cho một số mục đích khác. Chúng vừa là một chiếc máy tính thu nhỏ với hiệu năng mạnh mẽ, vừa là thiết bị liên lạc được tích hợp tính năng định vị vệ tinh.
"Sử dụng điện thoại thông minh đang làm thay đổi hoạt động chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, điện toán, tình báo, giám sát và trinh sát (C4ISR) trên chiến trường", báo cáo năm 2023 của lục quân Mỹ có đoạn.
Báo cáo đề cập đến một số phần mềm di động đang được hai bên sử dụng tại Ukraine, trong đó có Liveuamap, ứng dụng dùng dữ liệu từ các nguồn mở để cung cấp góc nhìn tổng quan về chiến sự trong thời gian thực cho binh sĩ.
Lực lượng Nga cũng phát triển một ứng dụng có thể giúp họ định vị pháo binh đối phương dựa trên tiếng nổ đầu nòng. Ukraine đã học tập ý tưởng này và áp dụng nó trên quy mô lớn, khi thiết lập mạng lưới có biệt danh "Pháo đài bay", tận dụng micro trên hàng nghìn điện thoại thông minh của người dân để phát hiện và theo dõi đường bay của drone Nga.
Một binh sĩ Nga phản đối dự luật cấm dùng điện thoại di động cho biết họ sử dụng thiết bị này liên tục để lập bản đồ các bãi mìn và điều khiển drone dòng Mavic, dường như do thiếu bộ điều khiển chuyên dụng. Ngoài ra, lính Nga còn dùng điện thoại di động để gửi tài liệu không nhạy cảm và thảo luận về chiến thuật trên các nhóm chat Telegram được bảo mật, cũng như mua các trang thiết bị cần thiết.
Với việc binh sĩ Nga đã sử dụng điện thoại di động trên tiền tuyến ở Ukraine được hơn hai năm và vai trò thiết yếu của nó, câu hỏi đặt ra là tại sao Moskva giờ lại muốn cấm sử dụng thiết bị này.
Theo chuyên gia quân sự David Hambling của Forbes, một trong những khả năng là giới chức Nga có thể đang muốn kiểm soát tốt hơn luồng thông tin về chiến sự Ukraine gửi về quê nhà, cụ thể là hạn chế video, hình ảnh về thiệt hại của nước này trên tiền tuyến, trong bối cảnh các thông tin này đang xuất hiện nhiều hơn.
Phạm Giang (Theo Forbes)