Hãng tin Reuters ngày 13/2 dẫn lời ba quan chức Nga giấu tên cho biết ông Putin cuối năm 2023 đã liên hệ với Mỹ thông qua các kênh trung gian, bao gồm đối tác Arab của Moskva ở Trung Đông, để đưa ra đề xuất đóng băng xung đột và giữ nguyên hiện trạng trên tiền tuyến, nhằm chấm dứt chiến sự với Ukraine. Đề nghị sau đó bị Washington từ chối do nước này không muốn gây thêm áp lực với Kiev.
"Không, điều đó không đúng", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời hôm 14/2 khi được hỏi về thông tin nói trên.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày nhận định khả năng xung đột tại Ukraine được giải quyết bằng con đường ngoại giao là không cao, do "phương Tây không có ý định ngừng gây tổn hại tới lợi ích của Moskva".
"Khi những người tuyên chiến với Nga chưa đưa ra đề xuất nghiêm túc nào, cũng như không sẵn sàng tôn trọng lợi ích của chúng ta và tình hình thực tế trên chiến trường, việc đối thoại trên bàn đàm phán chưa thể diễn ra", ông Lavrov nói trong cuộc họp với các nghị sĩ Nga.
Dù vậy, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga luôn sẵn sàng tìm kiếm giải pháp phi quân sự để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. "Chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng giải quyết xung đột bằng con đường chính trị và ngoại giao, miễn là giải pháp đó có tính đến lợi ích hợp pháp của chúng tôi và tình hình thực tế", quan chức Nga nhấn mạnh.
Nga và Ukraine từng tiến hành một số vòng đàm phán trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, song không đạt được kết quả. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháng 10/2022 ký sắc lệnh khẳng định nước này sẽ không đối thoại với Moskva chừng nào ông Putin còn nắm quyền. Kiev cũng nhiều lần tuyên bố sẽ không ngừng chiến đấu cho đến khi giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Moskva kiểm soát.
Trong cuộc phỏng vấn tuần trước với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Putin cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự tại Ukraine, do phương Tây đã nhận ra rằng không thể đánh bại Nga trên chiến trường. "Khi đã ra nhận ra điều đó, họ phải nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại", ông Putin nói.
Sau khi chặn cuộc phản công quy mô lớn mà Ukraine phát động tháng 6 năm ngoái, quân đội Nga đang giành lại thế chủ động và đẩy mạnh tấn công đối phương từ nhiều hướng, buộc Kiev phải chuyển sang thế phòng thủ.
Vitaliy Barabash, lãnh đạo do Ukraine bổ nhiệm tại thành phố chiến lược Avdeevka ở tỉnh Donetsk, hôm 9/2 thừa nhận lực lượng Nga đã tiến vào được ngoại ô của đô thị và tình hình ở đây đang rất khó khăn.
Tổng thống Zelensky tuần trước thay thế tổng tư lệnh quân đội Valery Zaluzhny và loạt chỉ huy quân sự cấp cao, trong nỗ lực nhằm thay đổi cục diện chiến trường. Tuy nhiên, Moskva cho rằng cuộc cải tổ quân sự của Kiev sẽ không thể giúp nước này thay đổi tình hình xung đột.
Phạm Giang (Theo Reuters, RT, Sputnik)