-
Tuần thứ 11 (18-24/12)
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 18/12 tuyên bố nước này sẽ dần chuyển sang giai đoạn tiếp theo ở Dải Gaza, trong đó dân thường có thể trở về khu vực phía bắc. "Quá trình này tiến hành ở mọi khu vực chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, đồng nghĩa rằng nó sẽ diễn ra ở phía bắc sớm hơn phía nam", ông nói sau cuộc họp với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.
Bộ trưởng Austin hối thúc giới chức Israel bảo vệ mạng sống dân thường ở Dải Gaza và thảo luận quá trình chuyển tiếp từ giao tranh lớn sang xung đột cường độ nhỏ hơn, nhấn mạnh Mỹ không quyết định thời gian biểu và điều kiện tác chiến của quân đội Israel.
Ông chủ Lầu Năm Góc ngày 19/12 thông báo lập liên minh 10 nước, gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha để ứng phó các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng qua Biển Đỏ. Một số quốc gia sẽ tuần tra chung, số khác hỗ trợ tình báo ở nam Biển Đỏ và Vịnh Aden.
"Ngay cả khi Mỹ huy động thành công cả thế giới, các hoạt động quân sự của chúng tôi sẽ không dừng lại, bất kể phải hy sinh thế nào", Mohammed al-Bukhaiti, quan chức cấp cao của Houthi, viết trên X. Houthi sẽ chỉ dừng tay nếu "các tội ác của Israel ở Gaza dừng lại và thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu được chuyển đến người dân tại khu vực bị bao vây này".
Tổng thống Israel Isaac Herzog nói Tel Aviv sẵn sàng tham gia thêm một lệnh ngừng bắn ở Gaza nhằm giải cứu thêm con tin đang bị Hamas giữ và tăng viện trợ cho khu vực của người Palestine.
Hamas bác bỏ đàm phán về trao đổi tù nhân khi vẫn trong tình trạng chiến tranh với Israel nhưng sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ đề xuất nào giúp chấm dứt chiến sự.
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Qatar hôm 20/12 tới Cairo, Ai Cập, để đàm phán về lệnh ngừng bắn và trao đổi tù nhân với Israel, song chưa có tiến triển. Quân đội Israel cùng đăng video tuyên bố phát hiện "hệ thống đường hầm rộng lớn, kết nối những hầm trú ẩn, văn phòng làm việc và nơi ở của các thủ lĩnh cấp cao Hamas" ở Dải Gaza.
Giao tranh ở Gaza leo thang ngày 21/12 với một số cuộc oanh tạc của Israel được cho là dữ dội nhất từ khi chiến sự bùng phát, đặc biệt ở bắc Gaza. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh viện cuối cùng ở bắc Gaza đã ngừng hoạt động hai ngày qua, không còn nơi nào tiếp nhận người bị thương.
Hamas khai hỏa loạt rocket nhắm vào Tel Aviv, tuyên bố vụ tấn công nhằm đáp trả việc Israel sát hại dân thường. Cuộc tấn công dường như gửi đi thông điệp rằng 10 tuần chiến sự không vô hiệu hóa được khả năng tập kích bằng rocket của Hamas.
Tại Cairo, Ai Cập, các bên tiếp tục thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn mới để giải thoát các con tin còn bị giam ở Gaza. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đang thúc đẩy nghị quyết mới để tăng cường tăng viện trợ nhân đạo cho Gaza, nhưng vấp phải sự phản đối của Mỹ.
Quân đội Israel ngày 22/12 yêu cầu dân thường tại thị trấn al-Bureij ở miền trung Dải Gaza sơ tán về miền nam trước khi lực lượng này mở chiến dịch trong khu vực. IDF khuyến cáo họ nên di chuyển bằng tuyến đường dọc theo bờ biển phía tây Dải Gaza do đường cao tốc chính trong khu vực đang nằm trong vùng chiến sự.
Cơ quan y tế tại Dải Gaza cho biết 20.057 người tại đây thiệt mạng kể từ khi Israel mở chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm vào khu vực. Mức thương vong này cao hơn con số khoảng 15.000 người Palestine thiệt mạng trong chiến tranh Arab - Israel năm 1948.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Israel nhiều lần đặt nghi vấn về thương vong do cơ quan y tế tại Dải Gaza công bố. Mỹ và Israel cũng cho rằng cơ quan này khi thống kê không phân biệt giữa dân thường và các thành viên Hamas.
-
Tuần thứ mười (11-17/12)
Người dân ở Khan Younis cho biết xe tăng Israel ngày 10/12 xuất hiện trên tuyến đường chính ở trung tâm thành phố, sau khi trải qua cuộc giao tranh dữ dội kéo dài suốt đêm ở phía đông. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy nhiều tiếng nổ lớn, tiếng súng máy và các cột khói trắng dày đặc bốc lên ở nhiều nơi tại Khan Younis.
Chiến sự cũng diễn biến căng thẳng tại miền bắc Dải Gaza, khu vực mà quân đội Israel trước đó tuyên bố đã "hoàn thành phần lớn nhiệm vụ".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 11/12 tuyên bố quân đội nước này đang bao vây hai cứ điểm cuối cùng của Hamas ở bắc Gaza và kêu gọi nhóm vũ trang đầu hàng. Ông cho biết nếu Israel gia tăng áp lực quân sự, sẽ có nhiều đề nghị trao đổi con tin hơn và họ sẽ xem xét.
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 12/12 bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn nhân đạo ở Gaza. Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng về mặt chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu với một vấn đề.
Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức nước này cho biết Israel đã bắt đầu bơm nước biển vào địa đạo của Hamas ở Dải Gaza từ tháng 11, quy mô thực hiện hạn chế để đánh giá hiệu quả phương án. Quân đội Israel không bình luận về thông tin.
Bộ Quốc phòng Israel hôm 13/12 thông báo 10 quân nhân đã thiệt mạng trong vòng 24 giờ, trong đó có một đại tá chỉ huy căn cứ tiền phương và một trung tá giữ chức trung đoàn trưởng. Đây là mức thương vong trong một ngày lớn nhất được quân đội Israel ghi nhận kể ngày 31/10, thời điểm 15 binh sĩ chết trong các trận giao tranh với Hamas.
Giao tranh dữ dội giữa quân đội Israel và các tay súng Hamas vẫn diễn ra ở phía bắc và nam Dải Gaza.
Quân đội Israel ngày 14/12 tuyên bố hạ một số thành viên Hamas và thu vũ khí ở Jabaliya, bắc Gaza, tiến hành các cuộc đột kích ở Khan Younis, nam Gaza, phá hủy hai đường hầm, bãi phóng rocket và một kho chứa vũ khí.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Israel giảm quy mô chiến dịch nhằm vào Hamas tại Dải Gaza trong tương lai gần và hành động thận trọng hơn để giảm thương vong cho dân thường ở đây.
Giới chức Israel ngày 15/12 điều chỉnh số liệu nạn nhân trong vụ tấn công của Hamas hồi đầu tháng 10, cho biết tổng cộng 1.139 người thiệt mạng khi đó. Trong số này có 695 dân thường Israel, 373 thành viên lực lượng an ninh và 71 công dân nước ngoài. Danh sách này không bao gồm 5 người, trong đó có 4 công dân Israel, đang được coi là mất tích.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận tính xác thực của video quay cảnh binh sĩ nước này lục lọi nhà dân ở Dải Gaza, đốt thực phẩm và phá hoại tài sản của dân thường. IDF lên án hành vi nói trên và tuyên bố sẽ kỷ luật các binh sĩ liên quan.
Quan chức quân đội Israel ngày 16/12 xác nhận ba con tin, bị Hamas bắt cóc đến Dải Gaza từ ngày 7/10, thiệt mạng do lính Israel bắn nhầm trong Gaza City.
Điều tra sơ bộ cho thấy lính Israel vi phạm nguyên tắc tác chiến khi đã nổ súng dù ba con tin đã vẫy cờ trắng và cầu cứu bằng tiếng Do Thái. Quan chức Israel lý giải người lính gác đã nhầm lẫn nhóm con tin là "mồi nhử" để đánh lừa đơn vị mình vào ổ mai phục.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu gọi đây là bi kịch không thể chấp nhận. Nhà Trắng cũng mô tả sự việc là nhầm lẫn bi thảm. Hàng trăm người đã biểu tình ở Tel Aviv kêu gọi chính phủ ưu tiên giải cứu con tin ở Dải Gaza.
Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi ngày 17/12 xuất hiện trên truyền hình, mô tả vụ binh sĩ bắn nhầm khiến ba con tin nước này thiệt mạng ở khu Shejaiya thuộc Gaza City, phía bắc Dải Gaza, là "sự kiện khó khăn và đau đớn".
Ông khẳng định nhóm binh sĩ đã hành động trái quy định, trong đó cấm quân nhân Israel nổ súng nhằm vào người vẫy cờ trắng ra hiệu đầu hàng, nhưng nhấn mạnh sự việc xảy ra "trong tình huống chiến đấu với áp lực rất lớn".
Quân đội Israel thừa nhận chưa lên kế hoạch ứng phó khả năng con tin thoát khỏi nơi giam giữ của Hamas và di chuyển tự do ở Dải Gaza, thêm rằng họ đã lập tức ban bố quy định mới cho lực lượng tham chiến sau khi có kết quả điều tra sơ bộ.
Quân đội Israel cùng ngày thông báo đã phát hiện một đường hầm lớn bất thường, được thiết kế để dẫn xe chở các tay súng Hamas từ Gaza tới thẳng biên giới. Người phát ngôn quân đội, chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết toàn bộ chiều dài đường hầm là 4 km, đủ để dẫn tới phía bắc Gaza City, nơi từng là trung tâm đầu não của Hamas.
-
Tuần thứ chín (4-10/12)
Quân đội Israel ngày 4/12 thông báo không kích hơn 200 mục tiêu tại Dải Gaza, trong đó có xe chở vũ khí và kho khí tài của Hamas, đồng thời tiến hành "những hoạt động quyết liệt" ở phía nam Dải Gaza. Lực lượng này cũng thông báo có thêm ba quân nhân Israel thiệt mạng tại Dải Gaza, nâng tổng số binh sĩ tử trận ở khu vực lên 69.
Cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát cho biết gần 15.900 người đã thiệt mạng trong chiến dịch trả đũa của Tel Aviv.
Phát ngôn viên IDF Daniel Hagari xác nhận đã có việc chuyển binh từ biên giới với Gaza đến Bờ Tây trước cuộc đột kích hôm 7/10 của Hamas và cho biết sẽ điều tra vấn đề này.
Liên Hợp Quốc ngày 5/12 cảnh báo việc thiết lập những vùng an toàn để dân thường sơ tán giữa chiến sự ở Gaza là điều không thể thực hiện. Trong khi đó, phát ngôn viên chính phủ Israel tuyên bố nước này đang thực hiện giai đoạn hai trong chiến dịch, thêm rằng Tel Aviv "luôn sẵn sàng lắng nghe phản hồi mang tính xây dựng, lời khuyên chiến lược quân sự về cách giảm thương vong cho dân thường khi nhắm mục tiêu Hamas".
Thủ tướng Qatar Mohammed Bin Abdulrahman al-Thani nói các nỗ lực trung gian hòa giải vẫn đang được thực hiện, với mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột Israel - Hamas.
Tư lệnh Quân khu miền Nam IDF Yaron Finkelman cho biết binh sĩ Israel đã tiến vào trung tâm Jabalya và Shejaiya, lần lượt ở phía bắc và phía đông Gaza City, thành phố lớn nhất Gaza. Trong khi đó, IDF cũng đã bao vây Khan Younis, thành phố lớn nhất miền nam Gaza, nơi Israel tin rằng phần lớn các thủ lĩnh của Hamas có thể đang ẩn nấp.
Quân đội Israel ngày 6/12 tuyên bố phát hiện kho vũ khí lớn gần trường học tại trung tâm khu dân cư Dải Gaza và đã tịch thu, phá hủy nhiều thiết bị quân sự.
Liên Hợp Quốc cho biết lực lượng Israel đã giao tranh với Hamas ở Khan Younis, thành phố phía nam Dải Gaza. Nhân chứng nói rằng binh sĩ, xe tăng, xe bọc thép và máy ủi của Israel đã tiến vào Khan Younis, khiến dân thường một lần nữa phải sơ tán.
Israel ngày 7/12 tiếp tục giao tranh với Hamas tại các thành phố lớn của Dải Gaza, trong đó trọng điểm chiến sự là ở Khan Younis, đô thị lớn ở miền nam dải đất. Tại miền bắc Gaza, quân đội Israel công bố video cho thấy họ bắt đầu bơm nước biển vào hệ thống địa đạo của Hamas.
Cánh vũ trang của Hamas cho hay lực lượng của họ phá hủy hoặc làm hư hỏng 79 xe quân sự của Israel ở Gaza City trong ba ngày qua, song không đưa ra được bằng chứng.
Cơ quan y tế ở Dải Gaza Gaza cho biết 17.177 người Palestine đã chết và 46.000 người bị thương trong các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7/10. Một quan chức Hamas nói các nhà hòa giải vẫn nỗ lực để các bên đạt được lệnh ngừng bắn mới.
Ngày 8/12, lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, tuyên bố ngăn chặn toán đặc nhiệm Israel tìm cách giải cứu con tin tại Dải Gaza, khiến một số binh sĩ đối phương thiệt mạng và bị thương. Theo lữ đoàn al-Qassam, một tù binh Israel thiệt mạng vì đòn không kích sau trận đọ súng.
Thủ tướng Israel cảnh báo nước này có thể biến thủ đô Beirut của Lebanon thành Gaza City và Khan Younis nếu Hezbollah phát động xung đột.
Quân đội Israel bắt đầu phát vũ khí quân dụng, áo chống đạn và thiết bị quân sự khác cho các nhóm dân quân gần Dải Gaza trước khi người dân trở về nơi ở. IDF dự kiến tăng quân đồn trú tại các khu dân cư gần biên giới.
Lầu Năm Góc ngày 9/12 tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ sử dụng Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí (AECA) để chuyển giao một phần hợp đồng 45.000 quả đạn pháo xe tăng cho Israel. Lượng đạn được chuyển giao sớm có giá trị khoảng 106,5 triệu USD, khoảng 1/5 tổng giá trị hợp đồng là hơn 500 triệu USD. Hợp đồng quốc phòng vẫn chưa được quốc hội Mỹ thông qua.
Trước đó, nghị quyết yêu cầu "ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức" tại Dải Gaza của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bị chặn do phiếu phủ quyết của Mỹ.
Quyết định vấp phải chỉ trích gay gắt từ Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ông cáo buộc Mỹ "đồng lõa gây tội ác chiến tranh" cùng Israel. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ trong khối quân sự NATO, chỉ trích Mỹ đi ngược lại công lý và kêu gọi Hội đồng Bảo an cải cách.
Quân đội Israel ngày 10/12 phản hồi về video đang lan truyền trên mạng xã hội, cho biết việc họ bắt tù nhân cởi trần, quỳ trên đất ở Dải Gaza chỉ là một phần trong quy trình khám xét thông thường.
Trong một thông báo, quân đội Israel giải thích họ thường cởi đồ của những người mà họ cho là có thể gây ra mối đe dọa để đảm bảo những người này không mang theo vũ khí hoặc chất nổ.
Binh sĩ Israel ở Gaza đã bắt và thẩm vấn những cá nhân bị nghi ngờ liên quan đến các hoạt động tấn công, quân đội cho biết, thêm rằng các cá nhân không liên quan đều đã được thả và những người bị giam được đối xử theo luật pháp quốc tế.
Qatar cùng ngày cho hay họ vẫn nỗ lực hòa giải nhằm hồi sinh lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và giải cứu thêm nhiều con tin trong tay Hamas. Thủ tướng Qatar khẳng định nước này đang cố gắng hướng tới cam kết giúp thả các con tin và chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng không nhận thấy sự sẵn sàng tương tự từ cả Hamas và Israel.
-
Tuần thứ tám (27/11-3/12)
Qatar ngày 27/11 thông báo Israel và Hamas thỏa thuận kéo dài lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza thêm hai ngày.
Nhà Trắng cùng ngày yêu cầu Thượng viện Mỹ loại bỏ các hạn chế trong đề xuất ngân sách bổ sung mới nhất. Nếu được chấp thuận, yêu cầu này sẽ cho phép Israel tiếp cận nhiều vũ khí uy lực hơn của Mỹ với chi phí thấp hơn và ít bị quốc hội giám sát hơn.
Đợt trao trả con tin thứ tư diễn ra với Hamas bàn giao thêm 11 con tin, tất cả đều là người mang quốc tịch kép, trong khi Israel trả tự do cho 33 tù nhân Palestine.
Sau 4 ngày, Israel và Hamas đều đã thực hiện nghĩa vụ trong thỏa thuận ngừng bắn ban đầu. Hamas đã thả 69 người, gồm 50 người Israel và người mang quốc tịch kép, cùng với 19 người nước ngoài. Những người nước ngoài này được thả theo nỗ lực ngoại giao riêng biệt, không nằm trong phạm vi của thỏa thuận ngừng bắn.
Đợt thả tù nhân từ các trại giam của Israel ngày 27/11 cũng đã nâng tổng số công dân Palestine được trả tự do lên 150.
Các quan chức Mỹ thông báo nước này sẽ triển khai ba chuyến bay viện trợ cho Dải Gaza và phi cơ đầu tiên đến Bắc Sinai, Ai Cập ngày 28/11. Nhân viên Liên Hợp Quốc sẽ tiếp nhận hàng viện trợ ở Bắc Sinai, sau đó đưa vào Dải Gaza để phân phát. Động thái đánh dấu lần đầu tiên Mỹ gửi hàng viện trợ cho Gaza kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát ngày 7/10.
Hamas và Israel tiếp tục trao đổi con tin trong thời gian gia hạn. Hamas thả thêm 10 người Israel và hai công dân Thái Lan. Phía Israel trả tự do cho 30 tù nhân Palestine.
Ngày 29/11, Hamas thả thêm hai nữ con tin người Nga. Nhóm vũ trang nói rằng sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 4 ngày và thả thêm con tin để đối lấy tự do cho các tù nhân người Palestine.
Qatar, bên trung gian đàm phán, ngày 30/11 thông báo Israel và Hamas đã đạt thỏa thuận gia hạn lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza thêm một ngày với các điều kiện như hiện tại, gồm dừng mọi hoạt động quân sự và tăng viện trợ cho Gaza.
Ngay sau thông báo gia hạn thỏa thuận ngừng bắn, hai thành viên Hamas tiến hành vụ xả súng ở Jerusalem khiến ba dân thường thiệt mạng, trước khi bị bắn hạ. Hamas gọi đây là "phản ứng tự nhiên đối với những tội ác chưa từng có của những kẻ chiếm đóng Dải Gaza và chống lại trẻ em ở Jenin", khu vực do Israel kiểm soát ở Bờ Tây. Tổng thống Israel Isaac Herzog nói rằng vụ nổ súng là ví dụ về "cuộc chiến bất tận" chống lại các nhóm vũ trang như Hamas.
Giao tranh giữa Israel và Hamas tiếp tục ngày 1/12 khi thỏa thuận ngừng bắn giữa hai bên kết thúc. Israel cho biết quân đội nước này tiếp tục tấn công Hamas do nhóm không tuân thủ nghĩa vụ là trả tự do cho toàn bộ con tin nữ, thậm chí còn phóng rocket về phía dân thường Israel.
Một giờ trước khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực, Israel thông báo đánh chặn một số rocket phóng từ Dải Gaza. Quân đội Israel sau đó tấn công 200 mục tiêu tại Dải Gaza, trong đó có nhiều đường hầm, trận địa rocket và các cơ sở khác của Hamas.
Cơ quan y tế tại Dải Gaza thông báo 109 người tại khu vực thiệt mạng và hàng trăm người bị thương sau khi giao tranh bùng phát trở lại.
IDF cùng ngày ghi nhận một số vụ tập kích rocket từ miền nam Lebanon nhằm vào các tiền đồn của họ, quân đội Israel pháo kích đáp trả vào vị trí khai hỏa. Nhóm Hezbollah nhận trách nhiệm trong các vụ tập kích tiền đồn của Israel.
Quân đội Israel ngày 2/12 thông báo 5 con tin tại Dải Gaza đã thiệt mạng. Thân nhân những người này đã nhận tin và thi thể một người đã được đưa về Israel.
Phái đoàn của cơ quan tình báo Israel Mossad tại Qatar được lệnh về nước do đàm phán ngừng bắn với Hamas "rơi vào ngõ cụt". Phái đoàn này trước đó tới Qatar để thảo luận với đại diện Hamas về thỏa thuận ngừng bắn mới. Israel muốn Hamas thả thêm con tin, phần lớn là nam giới cao tuổi, để đổi lấy việc trả tự do thêm cho tù nhân Palestine.
Một quan chức Mỹ cho biết Israel có thể không mở chiến dịch tấn công tổng lực nhằm vào hai thành phố Khan Younis và Rafah ở miền nam Dải Gaza, khác với những gì diễn ra tại Gaza City ở miền bắc khu vực. Mỹ tiếp tục kêu gọi Israel giới hạn vùng tác chiến, định rõ vùng an toàn cho dân thường Palestine ở miền nam Dải Gaza.
Quân đội Israel ngày 3/12 cho biết đã tìm thấy 800 lối dẫn xuống hệ thống địa đạo của Hamas kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.
500 trong 800 lối dẫn được phát hiện đã bị vô hiệu hóa bằng nhiều phương pháp như kích nổ hay niêm phong. Tuyên bố từ quân đội cũng cho hay họ đã phá hủy nhiều km tuyến địa đạo chính của Hamas.
Trước khi giao tranh với Israel nổ ra hồi đầu tháng 10, Hamas đã nói rằng họ sở hữu hàng trăm km địa đạo, một mạng lưới có quy mô tương đương hệ thống tàu điện ngầm New York. Chúng góp phần quan trọng giúp bảo vệ các tay súng và đóng vai trò như căn cứ hoạt động của Hamas.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cùng ngày cho hay Washington tin rằng Tel Aviv đang nỗ lực giảm thiểu thương vong dân thường ở Gaza khi nối lại chiến dịch tấn công Hamas.
Theo ông, động thái của Israel đăng trực tuyến bản đồ những nơi mà người dân Gaza có thể đến để ẩn náu là một phần trong nỗ lực này.
"Không có nhiều quân đội hiện đại có thể làm như vậy bởi cách làm đó khiến họ để lộ đòn đánh của mình. Vì vậy, rõ ràng là họ đang cố gắng", Kirby nói.
-
Tuần thứ bảy (20-26/11)
Mohammed Zaqout, tổng giám đốc phụ trách các bệnh viện ở Dải Gaza, ngày 20/11 cho biết bệnh viện dã chiến đầu tiên do Jordan cung cấp đã được chuyển tới khu vực nhằm giảm tình trạng quá tải. Bệnh viện có sức chứa 41 giường, di chuyển qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập cùng 170 nhân viên y tế và 40 xe tải chở hàng cứu trợ.
Aed Yaghi, lãnh đạo hỗ trợ y tế ở Gaza, nói rằng cơ sở này sẽ giảm áp lực cho mạng lưới y tế địa phương. "Số nhân viên y tế có giới hạn và chúng tôi không có đủ xe cứu thương", ông nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/11 thông báo đang xem xét sơ tán ba bệnh viện ở miền bắc Gaza gồm Al-Shifa, Indonesian và Al-Ahli theo đề nghị từ nhân viên y tế tại đây.
Giới chức Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ "bùng phát dịch bệnh hàng loạt" có thể khiến tỷ lệ trẻ em tử vong tăng tại những khu vực tập trung đông người như nơi trú ẩn. Người dân Gaza ước tính chỉ nhận được 1-3 lít nước mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế trong tình trạng khẩn cấp.
Giới chức Hamas, Qatar và Mỹ thông báo các bên đang "cận kề" một thỏa thuận với Israel, trong đó có các điều khoản liên quan ngừng bắn và thả con tin.
Israel và Hamas ngày 22/11 thông báo đạt thỏa thuận ngừng bắn trong 4 ngày, bắt đầu thực hiện từ 10h ngày 23/11 (15h giờ Hà Nội). Theo thỏa thuận, trong giai đoạn đầu, Hamas thả ít nhất 50 con tin ở Dải Gaza còn Israel phóng thích 150 tù nhân người Palestine.
Hamas cho biết thỏa thuận ngừng bắn cũng cho phép hàng trăm xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo, thuốc men và nhiên liệu vào Dải Gaza. Israel cam kết không tấn công hoặc bắt bất cứ ai trên toàn dải đất trong 4 ngày ngừng bắn. Tuy nhiên, chính phủ Israel khẳng định vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại Hamas sau khi kết thúc thỏa thuận.
Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng sẽ có thêm đợt trao đổi thứ hai trong tháng 11 và tổng cộng 100 con tin sẽ được thả. Israel chưa xác nhận thông tin nhưng Bộ Tư pháp nước này ngày 22/11 công bố danh sách 300 tù nhân Palestine có thể được phóng thích.
Israel và Hamas ngày 23/11 thông báo hoãn thi hành thỏa thuận. Nó sẽ có hiệu lực từ 7h (12h giờ Hà Nội) ngày 24/11.
Quân đội Israel và Hamas ngày 24/11 ngừng giao tranh tại Dải Gaza theo thỏa thuận đạt được trước đó hai ngày. Hamas trả tự do cho 24 người, gồm 13 công dân Israel, một số mang hai quốc tịch, cùng 10 công dân Thái Lan và một người Philippines.
Chi nhánh Hội Chữ thập đỏ tại khu vực cùng ngày xác nhận đã tiếp nhận từ Hamas 24 con tin từ Dải Gaza. Họ được đưa sang Ai Cập thông qua cửa khẩu Rafah giữa nước này với Gaza.
Cũng trong ngày 24/11, Hội Chữ thập đỏ điều xe buýt tới nhà tù Ofer ở Bờ Tây để đón 39 tù nhân Palestine được Israel trả tự do theo thỏa thuận ngừng bắn, bao gồm 24 phụ nữ và 15 trẻ vị thành niên.
Ngày 25/11, đợt trao trả thứ hai diễn ra, Hamas trả tự do cho 17 người, gồm 13 người Israel và 4 công dân Thái Lan.
Ngày 26/11, thêm 17 người được trao trả trong đợt thứ ba, gồm 13 người Israel, 3 người Thái Lan và một người Nga.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày vào Gaza, tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho đến khi giành chiến thắng. Ông là thủ tướng Israel đầu tiên tới Gaza kể từ năm 2005.
-
Tuần thứ sáu (13-19/11)
Cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 13/11 cáo buộc hải quân Israel tập kích và làm hư hại nặng nhà khách do cho nhân viên nước ngoài ở Rafah, phía nam Dải Gaza, trong sự việc trước đó một ngày. Không có thương vong trong vụ tấn công, do các nhân viên Liên Hợp Quốc đã rời địa điểm này trước đó 90 phút.
Israel ngày 14/11 cho biết quân đội nước này đã chiếm nhiều tòa nhà của chính quyền Hamas ở Gaza City, trong đó có cơ quan lập pháp, khu phức hợp chính quyền và trụ sở cảnh sát.
Abdulmalik al-Houthi, thủ lĩnh lực lượng Houthi ở Yemen, cảnh báo sẽ tăng cường tập kích Israel, có thể nhắm vào tàu của nước này ở Biển Đỏ và Eo Bab al-Mandab.
Ngày 15/11, lính Israel tiến vào Al-Shifa, bệnh viện lớn nhất Dải Gaza, tuyên bố tìm thấy vũ khí và cơ sở hạ tầng của lực lượng Hamas. Israel nói rằng họ đã hạ 4 tay súng ở bên ngoài bệnh viện nhưng không có giao tranh bên trong khu phức hợp.
Quân đội Israel ngày 16/11 tiếp tục đột kích bệnh viện Al-Shifa, phát hiện laptop chứa ảnh, video các con tin, cũng như một số thiết bị quân sự được cho là của Hamas. Tuy nhiên, họ chưa tìm thấy bằng chứng nào về hệ thống đường hầm phức tạp dưới bệnh viện như cáo buộc trước đây. Hamas đã nhiều lần phủ nhận đặt căn cứ trong các cơ sở y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đang cố gắng sơ tán bệnh nhân khỏi Al-Shifa, nhưng bị cản trở bởi những lo ngại về an ninh và không thể liên lạc với bất kỳ ai ở đó. Hiện còn khoảng 600 bệnh nhân ở bên trong Al-Shifa, trong đó có 27 người trong tình trạng nguy kịch.
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tuyên bố quân đội Israel "đã kiểm soát và đảm bảo an ninh ở khu vực tây Gaza City", thành phố lớn nhất Dải Gaza.
Quân đội Israel ngày 17/11 tiếp tục tấn công các vị trí của Hamas, trong đó có các kho vũ khí của nhóm.
Lữ đoàn Bislamach và đơn vị đặc nhiệm công binh Yahalom tập kích một tiền đồn của nhóm Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ), thu được rocket Badr-3, máy bay không người lái cỡ nhỏ và một số vũ khí khác.
Badr-3 được cho là dựa trên một mẫu rocket do Iran phát triển, có tầm bắn 160 km và mang theo đầu đạn nặng 250 kg. Israel đã đưa một số rocket Badr-3 về nước để nghiên cứu.
Không quân Israel cùng ngày điều tiêm kích tấn công một số mục tiêu Hezbollah tại miền nam Lebanon, sau khi nhóm này phóng rocket qua biên giới.
Ngày 18/11, quân đội Israel tuyên bố sẽ tấn công mục tiêu Hamas trên toàn bộ Dải Gaza, bao gồm cả phía nam dù trước đó đã kêu gọi dân thường sơ tán từ phía bắc sơ đến khu vực này. Không quân Israel rải truyền đơn xuống khu vực phía đông thành phố Khan Younis ở miền nam Dải Gaza, kêu gọi dân thường tới nơi trú ẩn để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Hamas cáo buộc Israel tập kích vào Khan Younis và khu vực lân cận khiến hơn 30 người thiệt mạng. Hai vụ tập kích nhắm vào trại tị nạn Jabaliya ở phía bắc Gaza City khiến khoảng 80 người thiệt mạng, trong đó có một vụ tập kích đánh trúng trường học do Liên Hợp Quốc quản lý.
Hàng trăm người vẫy cờ trắng rời khỏi bệnh viện Al-Shifa sau một tuần bị bao vây. Israel bác bỏ thông tin quân đội ép buộc bệnh nhân và bác sĩ sơ tán, thay vào đó khẳng định đây là đề xuất từ giám đốc bệnh viện dành cho những người muốn di chuyển đến nơi an toàn.
Hamas cho biết trong bệnh viện Al-Shifa còn khoảng 120 bệnh nhân cùng 34 trẻ sơ sinh, được chăm sóc bởi một số nhân sự bệnh viện quyết tâm bám trụ.
Quân đội Israel ngày 19/11 thông báo phát hiện đường hầm dài 55 m dưới bệnh viện Al-Shifa sau khi dùng máy xúc ủi sập tường ngoài tòa nhà bệnh viện. Các binh sĩ Israel đang tìm kiếm những lối vào khác từ các ngôi nhà gần bệnh viện.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố Israel "đã thất bại" trong mục tiêu mà nước này tuyên bố là xóa sổ Hamas, "bất chấp các đợt oanh tạc dữ dội" nhằm vào Dải Gaza. "Chiến thắng không phải là tiến vào bệnh viện hoặc nhà dân. Chiến thắng là đánh bại phe đối địch", ông Khamenei nói.
Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo tàu sân bay trực thăng Dixmude của nước này sẽ tới phía đông Địa Trung Hải trong vài ngày tới để cung cấp hỗ trợ y tế cho Dải Gaza. Pháp cũng lên kế hoạch tổ chức các chuyến bay chở hơn 10 tấn vật tư y tế tới khu vực.
-
Tuần thứ năm (5-12/11)
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/11 tới thành phố Ramallah, trung tâm Bờ Tây, gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas. Ông gợi ý rằng Chính quyền Palestine có thể đóng một vai trò nào đó trong tương lai của Gaza nếu Hamas bị loại bỏ.
Quân đội Israel thông báo đã tấn công hơn 2.500 mục tiêu ở Dải Gaza sau khoảng một tuần mở rộng hoạt động quân sự tại khu vực này.
Trung tá Avichay Adraee, phát ngôn viên IDF, thông báo Israel sẽ mở lại hành lang cho dân thường sơ tán từ miền bắc Dải Gaza xuống miền nam. Ông cáo buộc Hamas cản trở hành lang nhân đạo bằng cách nã súng cối và đạn chống tăng vào vị trí của IDF khi họ cố gắng mở đường.
Daniel Hagari, người phát ngôn quân đội Israel, cho biết chiến dịch trên bộ của Tel Aviv đã "cắt Gaza làm hai phần" và đơn vị trinh sát của Lữ đoàn Golani đã tiến đến bờ biển Địa Trung Hải.
Quân đội Israel ngày 6/11 tuyên bố chiếm một cứ điểm của Hamas gồm nhiều đồn quan sát, bãi huấn luyện và hệ thống đường hầm, đồng thời hạ một số thành viên Hamas. Theo IDF, các chiến đấu cơ Israel còn không kích hơn 450 mục tiêu, nhắm vào đường hầm, cơ sở quân sự, đồn quan sát và vị trí phóng rocket chống tăng của Hamas ở Gaza. Một đòn không kích đã hạ Jamal Musa, quan chức phụ trách hoạt động đặc nhiệm của Hamas.
Vua Abdullah II của Jordan cho biết không quân nước này đã thả những vật tư y tế quan trọng cho bệnh viện dã chiến ở Dải Gaza.
Hamas cùng ngày cáo buộc Israel tập kích dữ dội quanh một số bệnh viện ở phía bắc Dải Gaza. Tel Aviv tiếp tục cáo buộc lãnh đạo Hamas núp bóng những cơ sở dân sự để chỉ đạo các cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố Israel sẽ "chịu trách nhiệm về an ninh" ở Dải Gaza sau khi xung đột với Hamas kết thúc. Ông tái khẳng định không ủng hộ lệnh ngừng bắn hoàn toàn, bất chấp lời kêu gọi từ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cùng nhiều lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, Israel để ngỏ khả năng "ngừng bắn chiến thuật quy mô nhỏ" để đưa hàng hóa nhân đạo vào Dải Gaza hoặc cho phép các con tin rời khỏi khu vực.
Hội đồng Bảo an họp kín về tình hình Dải Gaza. Đại diện Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Trung Quốc ra tuyên bố chung kêu gọi "ngừng bắn nhân đạo khẩn cấp" sau cuộc họp.
Ngày 7/11 đánh dấu tròn một tháng xung đột Israel - Hamas bùng nổ, số người thiệt mạng tại Gaza vượt mốc 10.000. Truyền thông Gaza ước tính khoảng 70% dân số 2,3 triệu người ở Gaza đã phải di dời do ảnh hưởng từ chiến sự.
Chad và Nam Phi là hai quốc gia tiếp theo triệu Đại sứ tại Israel về nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói rằng thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar đã bị cô lập trong boongke ở Gaza City và IDF "đang siết chặt thòng lọng" quanh thành phố này.
Israel duy trì hành lang sơ tán nhân đạo trên tuyến đường chính di chuyển từ phía bắc đến phía nam Gaza. Hàng nghìn người đã vẫy cờ trắng, giơ tay lên trời khi đi di tản.
IDF ngày 8/11 thông báo bộ binh nước này chỉ thị mục tiêu cho không quân ném bom vào một đơn vị tên lửa chống tăng của Hamas, cùng một số thành viên của nhóm chuyên tiến hành các đợt tập kích rocket nhằm vào Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo IDF đang tiến sâu vào Dải Gaza hơn những gì Hamas tưởng tượng. "Gaza City đang bị bao vây. Lực lượng chúng ta đang hoạt động tại đó và gây áp lực cho Hamas mỗi giờ, mỗi ngày", ông Netanyahu nói.
Ngày 9/11, quân đội Israel tuyên bố kiểm soát một cứ điểm của Hamas ở phía bắc Dải Gaza sau 10 giờ giao tranh, thu nhiều vũ khí và phát hiện một số đường hầm. Đòn không kích của IDF đã hạ một chỉ huy Hamas.
Lữ đoàn Al Qassam, cánh vũ trang của Hamas, đăng trên Telegram rằng họ đang nhắm mục tiêu vào lực lượng Israel ở các khu vực phía bắc Gaza gồm Al Tawam, Sheikh Radwan, trại al-Shati và Juhr Al-Deek.
Mỹ thông báo Israel sẽ bắt đầu tạm ngừng bắn 4 giờ mỗi ngày, bắt đầu từ 9/11, ở phía bắc Gaza để cho phép người dân rời vùng chiến sự. Nhà Trắng cho rằng đây là bước đi đúng hướng.
Thủ tướng Netanyahu ngày 10/11 khẳng định Israel không định chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc, nhưng sẽ có biện pháp để đề phòng các mối đe dọa từ dải đất.
Hãng Al Jazeera đưa tin quân đội Israel điều xe tăng, thiết giáp phong tỏa khu vực có chu vi khoảng 100 m quanh 4 bệnh viện tại miền bắc Dải Gaza, trong đó có ba cơ sở tại Gaza City và một bệnh viện ở phía bắc thành phố này.
Mohammad Abu Salmiya, giám đốc bệnh viện Al-Shifa, cho biết "xe tăng Israel nã đạn vào bệnh viện". Hamas thông báo "13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ tấn công của Israel vào khu phức hợp Al-Shifa". Bệnh viện Al-Shifa nằm tại Gaza City, là cơ sở y tế lớn nhất Dải Gaza.
Giới chức Israel ngày 11/11 cập nhật thống kê thương vong, cho biết số người thiệt mạng trong vụ tấn công của Hamas giảm từ 1.400 xuống khoảng 1.200. Truyền thông Israel đưa tin con số này giảm do nhiều thi thể của các tay súng tham gia vụ tấn công bị xác định nhầm thành dân thường Israel.
Quân đội Israel thông báo lữ đoàn Givati đã chỉ điểm cho máy bay ném bom hạ Ahmed Siam, thủ lĩnh đại đội Nasser-Radwan của Hamas tại Dải Gaza. Siam ẩn náu tại trường học Al-Buraq trong Gaza City cùng với một số thành viên Hamas dưới quyền.
Israel hai ngày trước cáo buộc Siam chỉ huy các tay súng Hamas "giữ khoảng 1.000 dân thường Palestine làm con tin" khi ngăn họ rời khỏi bệnh viện Rantisi.
Văn phòng khu vực Trung Đông của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/11 thông báo họ đã mất liên lạc với đầu mối ở bệnh viện al-Shifa, bày tỏ lo ngại cho an toàn của những người đang mắc kẹt tại cơ sở này. Người phát ngôn cơ quan y tế Gaza trước đó cho biết bệnh viện al-Shifa đã phải dừng hoạt động vì hết nhiên liệu.
Israel cùng ngày không kích các tay súng Hezbollah ở miền nam Lebanon, sau khi một tên lửa chống tăng từ lực lượng này khiến dân thường Israel bị thương gần biên giới.
-
Tuần thứ tư (29/10-4/11)
IDF ngày 29/10 tiếp tục mở rộng chiến dịch cục bộ ở miền bắc Gaza, kêu gọi dân thường Palestine sơ tán về miền nam và thông báo nỗ lực viện trợ nhân đạo sẽ được tăng cường. Thủ tướng Netanyahu nói quân đội Israel đã bước vào "giai đoạn hai" trong cuộc chiến nhằm vào Hamas, thêm rằng chiến sự "sẽ khó khăn và kéo dài".
Dịch vụ viễn thông và Internet tại Gaza dần khôi phục.
Tổng công tố viên Karim Khan của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) thông báo cơ quan này đang "chủ động điều tra" về những tội ác chiến tranh có thể đã xảy ra ở Gaza và Israel từ ngày 7/10 và Bờ Tây từ năm 2014.
Cùng ngày, một đám đông mang theo cờ Palestine đã xông vào sân bay Makhachkala ở Cộng hòa Dagestan thuộc Nga để truy lùng người Israel sau khi nghe tin nơi này sắp tiếp nhận chuyến bay từ Israel.
Quân đội Israel ngày 30/10 cho biết họ đã tập kích các vị trí phóng rocket ở Syria và mục tiêu Hezbollah ở Lebanon để đáp trả những vụ tấn công trước đó vào lãnh thổ nước này.
Israel triển khai xe tăng áp sát Gaza City, thành phố lớn nhất Dải Gaza, từ hai hướng, dường như nhằm cô lập khu vực để bao vây Hamas. Israel cũng tuyên bố giải cứu một con tin từ tay Hamas trong cuộc đột kích ban đêm vào Dải Gaza là hạ sĩ Ori Megidish, tuy nhiên Hamas sau đó nói rằng Megidish do một nhóm khác bắt giam.
Ngày 31/10, Israel thông báo con tin mang quốc tịch kép Đức - Israel Shani Nicole Louk đã chết sau khi bị Hamas bắt về từ lễ hội âm nhạc ở Sredot hôm 7/10.
Houthi, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn đang kiểm soát nhiều phần lãnh thổ ở Yemen, thừa nhận phóng tên lửa đạn đạo và UAV nhằm vào Israel, đồng thời cảnh báo còn tiếp tục tập kích nếu Tel Aviv vẫn tấn công Gaza.
Israel tập kích Jabaliya, trại tị nạn lớn nhất ở Dải Gaza, khiến 50 người chết. Israel cho biết đây là một phần trong đợt tấn công quy mô rộng nhằm vào các thành viên cùng tiểu đoàn Trung tâm Jabaliya của Hamas. Theo IDF, tiểu đoàn Trung tâm Jabaliya đã kiểm soát một số tòa nhà dân sự trong khu vực.
Ngày 1/11, Israel chịu nhiều áp lực quốc tế vì chiến dịch tấn công Dải Gaza, Bolivia cắt quan hệ với nước này trong khi Jordan triệu hồi Đại sứ.
Hải quân Israel điều các tàu tên lửa tới Biển Đỏ để củng cố năng lực phòng thủ, sau các đợt tập kích của nhóm Houthi thân Iran ở Yemen.
Ai Cập lần đầu mở cửa khẩu Rafah từ khi xung đột Hamas - Israel bùng phát, cho phép người mang hộ chiếu nước ngoài rời Dải Gaza.
Ngày 2/11, Tham mưu trưởng Herzi Halevi tuyên bố quân đội Israel xuyên thủ phòng tuyến của Hamas và bao vây hoàn toàn Gaza City, thành phố lớn nhất Dải Gaza, đồng thời xâm nhập sâu vào nhiều khu vực do Hamas nắm giữ ở Gaza. Công binh được triển khai lùng sục và phá hủy các tuyến đường hầm của Hamas bằng robot và thuốc nổ.
Tổng thống Mỹ Biden ủng hộ Israel "tạm ngưng" chiến dịch trong một thời gian ngắn để mở đường cho viện trợ nhân đạo, sơ tán dân thường và người nước ngoài khỏi Dải Gaza.
Ngày 3/11, nhóm Hezbollah ở Lebanon thông báo sử dụng UAV tự sát, pháo, tên lửa tập kích nhiều vị trí của quân đội Israel, khiến Tel Aviv khai hỏa đáp trả. Cùng ngày, thủ lĩnh Hezbollah lần đầu phát biểu kể từ khi chiến sự Hamas - Israel bùng nổ, dọa sẽ leo thang giao tranh với Tel Aviv.
Israel tấn công xe cứu thương chuyển bệnh nhân từ Gaza City về phía nam, giải thích rằng chiếc xe chở thành viên của Hamas. Trong khi đó, Hamas nói rằng một số dân thường thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Hamas ngày 4/11 cáo buộc Israel tập kích trường al-Fakhoora, cơ sở do Liên Hợp Quốc vận hành trong trại tị nạn Jabaliya, khiến 70 người bị thương và 15 người thiệt mạng. Đây là nơi được sử dụng làm nơi lánh nạn cho những gia đình mất nhà cửa.
-
Tuần thứ ba (22-28/10)
Israel ngày 22/10 mở rộng kế hoạch sơ tán dân cư ở mặt trận phía bắc, giáp với Lebanon, khi các cuộc đụng độ xuyên biên giới với nhóm Hezbollah gia tăng đáng kể.
Cố vấn Mark Regev của Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 23/10 giải thích nước này không cho phép chuyển nhiên liệu vào Dải Gaza do lo ngại bị Hamas dùng để chế tạo rocket. Giới chức Israel cho biết thêm Hamas đang giữ 222 con tin tại Dải Gaza.
Hamas cùng ngày thông báo trả tự do cho hai phụ nữ cao tuổi "vì lý do nhân đạo", sau nỗ lực đàm phán của Qatar và Ai Cập.
Quân đội Israel hôm 24/10 thông báo đã tấn công hơn 400 mục tiêu Hamas và giết hàng chục thành viên lực lượng này.
Cơ quan y tế của Hamas cùng ngày thông báo hơn 700 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích xuyên đêm của Israel nhằm vào Dải Gaza. Đây là số người chết trong 24 giờ cao nhất ở khu vực từ khi nổ ra xung đột hôm 7/10.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là lãnh đạo phương Tây tiếp theo đến Israel, sau Mỹ, Anh, Đức và Italy. Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Netanyahu ngày 24/10, ông Macron đề xuất liên quân quốc tế đang đối phó IS ở Iraq và Syria có thể mở rộng mục tiêu sang Hamas tại Dải Gaza, nhưng không nêu cụ thể cách thực hiện.
Căng thẳng liên quan Bờ Tây cũng gia tăng. Omar Daraghmeh, 58 tuổi, một thủ lĩnh cấp cao của nhóm Hamas tại thành phố Tubas, Bờ Tây, đã qua đời trong nhà tù Israel. Hamas và PIJ cho rằng Daraghmeh bị ám sát. Các cuộc biểu tình ủng hộ Daraghmeh đã bùng phát ở Tubas và Ramallah, thành phố thủ phủ của chính quyền Palestine.
Cơ quan y tế của Hamas ngày 25/10 thông báo 756 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích xuyên đêm của Israel nhằm vào Dải Gaza. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số người chết trong 24 giờ ở khu vực trên 700, và cao nhất kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10.
Mỹ và Nga cùng ngày trình dự thảo nghị quyết của riêng mình về chiến sự Hamas - Israel tại Hội đồng Bảo An. Tuy nhiên, hai dự thảo đều không được thông qua, do vấp phải sự phủ quyết từ bên còn lại, hoặc không đủ phiếu ủng hộ. Các nước thành viên bất đồng về nguyên tắc tự vệ và viện trợ nhân đạo.
Hạ viện Mỹ có tân Chủ tịch là Mike Johnson, sau ba tuần trong tình trạng hỗn loạn vì không bầu được lãnh đạo. Cơ quan này sau đó thông qua một nghị quyết ủng hộ Israel với sự ủng hộ từ nghị sĩ lưỡng đảng.
Tổng thống Biden cùng ngày hứng chỉ trích từ cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ, sau khi ông chủ Nhà Trắng hoài nghi số liệu thương vong ở Gaza. Giám đốc Tổ chức theo dõi nhân quyền Israel và Palestine nói số liệu này đáng tin cậy.
Cánh vũ trang của Hamas ngày 26/10 tuyên bố khoảng 50 con tin bị nhóm này giam ở Dải Gaza đã chết do những cuộc không kích của Israel.
Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ. Các lãnh đạo EU kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo và lập tức ngừng bắn ở Gaza, lên án cuộc tấn công của Hamas trong khi nhấn mạnh quyền tự vệ của Israel.
Số người thiệt mạng tại Gaza ngày 27/10 vượt mốc 7.000. Bộ Y tế Palestine công bố 212 trang tài liệu với danh tính người thiệt mạng để đáp trả những hoài nghi về số liệu.
Một phái đoàn của Hamas đã đến Moskva, Nga để thảo luận về các con tin nước ngoài mà lực lượng này đang giữ ở Gaza. Đây là hoạt động quốc tế đáng chú ý nhất của Hamas kể từ ngày 7/10. Một quan chức Hamas nói cần ngừng bắn trước khi lực lượng này thả con tin Israel.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tiếp tục cuộc họp khẩn bắt đầu một ngày trước về tình hình Gaza. 9 quốc gia Arab ra tuyên bố chung lên án tấn công vào dân thường và vi phạm luật quốc tế ở Gaza.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết kêu gọi lập tức ngừng bắn nhân đạo ở Gaza, bất chấp sự phản đối từ Mỹ và Israel.
Vào đêm 27/10, rạng sáng 28/10, Gaza hứng chịu đợt oanh tạc lớn nhất kể từ khi chiến sự bắt đầu. IDF thông báo lực lượng này "mở rộng" các chiến dịch trên bộ trong Gaza. Thủ tướng Israel tuyên bố chiến sự "bước sang giai đoạn hai".
Công ty viễn thông Palestine Paltel cho biết Internet, dịch vụ điện thoại di động và cố định ở Gaza "bị gián đoạn" do các đợt tập kích của Israel. Một số điện thoại vệ tinh vẫn hoạt động.
Chính quyền Tổng thống Biden nói "không vạch lằn ranh đỏ" với Israel, tái khẳng định sự ủng hộ dành cho chiến dịch quân sự của nước này. Đại sứ quán Mỹ tại Beirut kêu gọi công dân Mỹ rời Lebanon "ngay lập tức", lo ngại xung đột có thể lan rộng.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cảnh báo tình hình ở Dải Gaza "đang tệ đi theo từng giờ"
-
Tuần thứ hai (15-21/10)
Giao tranh giữa Hezbollah và lực lượng vũ trang Israel ngày 15/10 có chiều hướng gia tăng. Hezbollah tuyên bố điều này không đồng nghĩa họ đã quyết định tham gia chiến sự Hamas - Israel và đây chỉ là "lời cảnh báo". Israel cho rằng Lebanon phải chịu trách nhiệm nếu hỏa lực bắt nguồn từ lãnh thổ nước này.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cùng ngày cảnh báo Trung Đông "đang bên bờ vực thẳm", tiếp tục kêu gọi Hamas thả con tin và Israel cho phép nhân viên hỗ trợ nhân đạo vào Gaza.
Tình hình nhân đạo tại Gaza trở nên tồi tệ hơn, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine (UNRWA) nói Gaza "đang bị bóp nghẹt". Số lượng dân thường tìm kiếm trú ẩn tại các cơ sở của UNRWA ở miền nam Gaza đang quá đông, trong khi khu vực thiếu nước nghiêm trọng.
"Chúng ta đều biết nước là sự sống. Gaza đang cạn nước. Và Gaza đang cạn dần sự sống", Philippe Lazzarini, quan chức UNRWA cảnh báo.
Căng thẳng tại khu vực ngày 16/10 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Quân đội Israel yêu cầu người dân sinh sống ở khu vực miền bắc, giáp biên giới với Lebanon sơ tán.
Ngày 17/10, các đơn vị quân đội Israel, với sự hỗ trợ của tàu chiến Mỹ, tổ chức diễn tập ở biên giới Dải Gaza với nội dung "làm tan rã một nhóm vũ trang". Các cuộc không kích của Israel trong hơn một tuần vẫn chưa thể ngăn được Hamas tiếp tục phóng rocket từ Gaza vào lãnh thổ nước này.
Xung đột Hamas - Israel có diễn biến đáng chú ý, khi bệnh viện al-Ahli ở miền trung Dải Gaza tối 17/10 bị tập kích, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Hàng loạt quốc gia, tổ chức lên án sự việc, trong khi các bên trong chiến sự đổ lỗi cho nhau.
Hamas cáo buộc quân đội Israel là thủ phạm. Israel khẳng định nước này không tấn công cơ sở y tế và cho rằng một quả rocket của tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ) đã gặp sự cố sau khi phóng và rơi xuống sân bệnh viện, gây ra thảm kịch. PIJ nói thông tin Israel đưa ra "là những lời dối trá".
Giới chức Liên Hợp Quốc cảnh báo tình hình nhân đạo ở Dải Gaza ngày càng nghiêm trọng. Các quan chức nhân đạo của cơ quan này đến Cairo để thảo luận phương án viện trợ cho Dải Gaza từ Ai Cập qua cửa khẩu Rafah vào miền nam Gaza.
Tổng thống Joe Biden ngày 18/10 đến Israel, gặp Thủ tướng Netanyahu để thể hiện sự ủng hộ Mỹ dành cho nước này. Theo kế hoạch ban đầu, ông chủ Nhà Trắng còn đến Jordan để họp thượng đỉnh 4 bên, cùng với lãnh đạo Palestine và Ai Cập. Tuy nhiên, Jordan đã hủy sự kiện sau khi bệnh viện al-Ahli bị tập kích.
Ai Cập và Israel cùng ngày chấp thuận để hàng viện trợ người dân Gaza được vận chuyển qua Rafah.
Hội đồng Bảo an không thể thông qua dự thảo nghị quyết do Brazil đệ trình, sau khi Mỹ, một trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, phản đối vì tài liệu không đề cập quyền tự vệ của Israel. Nga nói hành động của Mỹ sẽ tạo ra "hậu quả thảm khốc".
Tổng thống Biden tối 19/10 có bài phát biểu trước người dân Mỹ từ phòng Bầu dục. Đây là truyền thống nhiều đời tổng thống Mỹ thực hiện vào những thời khắc quan trọng của nước này. Ông kêu gọi quốc hội phê duyệt viện trợ khẩn cấp cho Israel, Ukraine, thêm rằng điều này sẽ đảm bảo an ninh của Mỹ cho thế hệ sau.
Ngày 20/10, Hamas thông báo thả hai con tin là công dân Mỹ là Judith Tai Raanan và con gái Natalie Shoshana Raanan.
Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế Mirjana Spoljaric nhận định Hamas thả hai công dân Mỹ "mang lại tia hy vọng" cho gia đình các con tin khác bị giữ tại Dải Gaza. Lãnh đạo các nước cảm ơn Qatar đã làm trung gian giúp hai công dân Mỹ được Hamas thả và mong muốn Doha tiếp tục tác động tổ chức này.
Đoàn xe chở hàng viện trợ đầu tiên, với khoảng 20 chiếc, từ Ai Cập đến Dải Gaza ngày 21/10. Tuy nhiên, giới chức Liên Hợp Quốc cho rằng lượng hàng viện trợ này "chỉ như muối bỏ biển", bởi trên thực tế cần ít nhất 100 xe tải hàng viện trợ đến Gaza mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân tại đây.
Hàng viện trợ qua Rafah được cho là không có nhiên liệu, trong bối cảnh nguồn cung ở Gaza đang dần cạn kiệt. Các bệnh viện đang phụ thuộc máy phát điện để duy trì hoạt động cứu chữa bệnh nhân.