Nhà chức trách Hồ Bắc cũng xác nhận riêng tỉnh này ngày 31/1 thêm 45 người ra đi do viêm phổi, nâng tổng số ca tử vong lên 259 và 1.347 ca nhiễm virus nCoV, tăng số nhiễm lên 7.153 người.
Mỹ đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia trong bối cảnh virus corona nCoV lan rộng. Washington cũng ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã đi tới Trung Quốc thời gian gần đây. Ngoài ra, công dân Mỹ đã tới tỉnh Hồ Bắc trong 2 tuần qua cũng bị cách ly 14 ngày khi về nước. Tây Ban Nha xác nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh.
Từ ngày 1/2, 29 hãng hàng không dừng hoặc thông báo dừng các chuyến bay đi và tới Trung Quốc, trong đó có các hãng của Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Anh, Việt Nam.
6 quốc gia dừng cấp một số loại thị thực nhập cảnh với người Trung Quốc gồm Czech, Kazakhstan, Nga, Philippines, Singapore và Việt Nam. Armenia dừng chính sách miễn visa cho người Trung Quốc ngày 1/2-31/3. Italy cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp và dừng toàn bộ chuyến bay tới Trung Quốc sau khi phát hiện 2 du khách từ nước này dương tính với virus nCoV.
Ông Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết tại họp báo chiều 31/1 của Bộ Y tế Việt Nam, đường dây nóng 19003228 được sử dụng để phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, cung cấp cho cả nước, đã hoạt động quá tải. Ban chỉ đạo chống dịch đã huy động các chuyên gia, bác sĩ có chuyên môn tốt tham gia trả lời người gọi vào đường dây nóng này. Từ ngày 1/2, đường dây nóng sẽ trở thành số điện thoại miễn phí.
Ông Trung đề nghị Bộ Y tế có thể kết nối với một vài số điện thoại khác cùng các trung tâm khác nữa để đáp ứng tốt hơn nhu cầu cộng đồng, chia sẻ áp lực với các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. 11 tỉnh có các ca mắc hoặc nghi ngờ, đang được ngành y tế phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Kiên Giang.
Bộ Y tế cũng thành lập 45 đội phản ứng nhanh được thành lập tại hàng chục bệnh viện lớn và viện quân y, mỗi đội gồm ít nhất hai bác sĩ và xe cứu thương, sẽ cơ động tới mọi địa bàn.
WHO ngày 31/1 tuyên bố dịch virus nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, nhằm giúp các quốc gia tăng cường khả năng ứng phó, đồng thời hoan nghênh Bắc Kinh đã hành động nhanh chóng để kiểm soát dịch. Động thái này cho phép WHO đưa ra khuyến nghị với tất cả các nước nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới, trong khi vẫn tránh cản trở giao thương và đi lại. Nó cho phép WHO hối thúc các quốc gia tăng cường biện pháp theo dõi, chuẩn bị và kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban Khẩn cấp của WHO khẳng định việc hạn chế đi lại, lưu thông với người và hàng hóa "không hiệu quả". "Lệnh phong tỏa có thể ngăn nỗ lực hỗ trợ y tế và kỹ thuật, gây ảnh hưởng với hoạt động kinh doanh và tác động tiêu cực đến nền kinh tế của những nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, biện pháp cấm đi lại vẫn có hiệu quả ngắn hạn", cơ quan này ra thông cáo cho hay.
Dịch nCoV khởi phát tại Vũ Hán tháng 12/2019, lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc với gần 10.000 ca nhiễm bệnh và khiến 258 người nước này thiệt mạng, tính tới ngày 1/2. Ngoài Trung Quốc, hiện có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo phát hiện bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán. Không có trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc
Tại Việt Nam, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương phát hiện ba người Việt Nam nhiễm virus Corona (nCoV) nâng tổng số người nhiễm là 5 trường hợp, một người đã khỏi. Hiện, Việt Nam có 97 ca nghi ngờ nhiễm bệnh. Trong đó, 65 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với virus nCov, 32 trường hợp được cách ly. Ngoài ra, 43 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được theo dõi do tiếp xúc gần với những người nghi nhiễm virus mang bệnh.
Thùy An