"SARS buộc cả nước phải chú ý đến cuộc sống của người dân", ông nói trong dịp kỷ niệm 10 năm khủng hoảng SARS nổ ra năm 2003. "Chúng ta đã đạt được tiến bộ lớn, nhưng bước chân của chúng ta vẫn rất chậm, đặc biệt là về mặt y tế".
Khi dịch viêm phổi Vũ Hán đang lan rộng khắp Trung Quốc và toàn cầu khiến 25 người tử vong, Trung Quốc đang phải đối mặt với bài kiểm tra về việc họ đã thay đổi thế nào kể từ năm 2003, cả về khả năng phản ứng của hệ thống y tế, lẫn cách chính phủ trung ương xử lý khủng hoảng.
Phát biểu trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu "dốc hết sức" để ngăn chặn sự lây lan của virus và điều trị cho những người nhiễm bệnh. Ông dường như muốn phát đi thông điệp rõ ràng: những sai lầm từ thời khủng hoảng SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) sẽ không lặp lại.
Viêm phổi Vũ Hán là cuộc khủng hoảng mới nhất ông Tập đối mặt, khi ông còn đang "đau đầu" với nhiều vấn đề như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, biểu tình ở Hong Kong và vấn đề Đài Loan.
Ông Tập là lãnh đạo Trung Quốc tập trung nhiều quyền lực nhất vào tay mình kể từ thời Mao Trạch Đông. Mặc dù việc này mang lại cho ông sự kiểm soát to lớn, điều đó cũng có nghĩa mọi cuộc khủng hoảng là bài kiểm tra về khả năng lãnh đạo của ông.
Sau khi ông Tập đưa ra lời hiệu triệu, các nỗ lực kiểm soát virus đã được đẩy mạnh trên toàn quốc. Các cơ quan y tế yêu cầu phản ứng ở mức cao nhất, vốn thường được sử dụng để xử lý dịch hạch hoặc dịch tả. Ngày 23/1, thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân ở miền trung Trung Quốc, nơi khởi phát dịch, đã bị phong tỏa, các phương tiện công cộng bị cấm rời thành phố.
Dịch viêm phổi có thể là cơ hội của Trung Quốc để xua đi bóng ma SARS. Tuy nhiên, nó cũng có thể phơi bày rằng sau 17 năm, các lỗ hổng cơ bản vẫn tồn tại khi xử lý khủng hoảng và tình trạng này có thể dẫn đến nguy hiểm lớn hơn nhiều trong tương lai.
Trường hợp nhiễm SARS đầu tiên được xác định ở miền nam Trung Quốc vào tháng 11/2002. 8.000 người sau đó mắc bệnh trên toàn thế giới, phần lớn ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay cả khi căn bệnh lây lan rộng khắp tỉnh Quảng Đông, truyền thông Trung Quốc bị kiểm duyệt, bệnh nhân và người nhà bị ngăn nói về căn bệnh. Các quan chức hạ thấp mức nghiêm trọng của vấn đề vì không muốn gây tổn hại đến kinh tế và "ổn định xã hội" - những thước đo quan trọng để họ được thăng chức.
Cho đến khi Tưởng Ngạn Vĩnh, bác sĩ quân đội Trung Quốc về hưu, vạch trần việc che đậy này vào đầu năm 2003, phần lớn Trung Quốc và phần còn lại của thế giới mới nhận thức được mối nguy hiểm thực sự. Nhưng khi đó SARS đã lan rộng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố virus là "mối đe dọa toàn cầu" và những nỗ lực ngăn chặn lây lan được thúc đẩy trên toàn thế giới.
Trong những tháng sau đó, chính phủ Trung Quốc chính thức xin lỗi vì báo cáo chậm về dịch bệnh và bộ trưởng y tế nước này cùng thị trưởng Bắc Kinh bị cách chức.
Trong khủng hoảng hiện tại, Trung Quốc trên bề nổi có vẻ xử lý tốt hơn rất nhiều so với thời SARS. Giới chức ở Vũ Hán đã cảnh báo công chúng về loại virus mới vào giữa tháng 12, ngay sau khi các trường hợp đầu tiên được xác định. Tuyên bố của ông Tập 4 tuần sau đó thúc đẩy mạnh mẽ phản ứng của các địa phương và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh được công khai.
Tuy nhiên, còn có một vấn đề ẩn đằng sau. Trung Quốc có câu thành ngữ "trời cao, hoàng đế ở xa". Mặc dù quyền lực tập trung vào chính quyền trung ương, chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng hành động như Bắc Kinh muốn. Các yêu cầu từ trung ương như xử lý tham nhũng, hạn chế ô nhiễm hay tăng tính minh bạch không phải lúc nào cũng được các tỉnh thành thực hiện nghiêm túc.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các quan chức ở Vũ Hán đã hạ thấp nguy cơ của virus trong vài tuần, gây chậm trễ trong việc ngăn chặn lây lan. Mặc dù trường hợp đầu tiên được phát hiện vào ngày 8/12, phải đến ngày 14/1, các quan chức ở Vũ Hán mới đưa ra biện pháp kiểm tra tại nơi công cộng để phát hiện người nhiễm bệnh. Giữa khủng hoảng, một cuộc họp đảng lớn của tỉnh Hồ Bắc vẫn được tổ chức ở Vũ Hán và hơn 40.000 gia đình được mời tham dự một bữa tiệc trong nỗ lực lập kỷ lục thế giới.
Phát biểu với truyền thông nhà nước, các quan chức Vũ Hán nói rằng loại virus này khó có thể lây từ người sang người. Các quan chức trung ương ban đầu lặp lại đánh giá này: Vương Nghiễm Phát, người đứng đầu nhóm các nhà nghiên cứu được Bắc Kinh cử đi điều tra tình hình, ngày 11/1 nói rằng dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, chính ông sau đó bị chẩn đoán nhiễm virus.
Chính quyền Vũ Hán cũng cố gắng kiểm soát thảo luận về virus. Truyền thông nhà nước đưa tin cảnh sát bắt 8 người vào đầu tháng một vì phát tán "tin đồn" rằng virus có liên quan đến SARS. Cơ quan y tế sau đó xác nhận cả hai căn bệnh đều do virus thuộc chủng corona gây ra.
Ngay cả khi các nhà nghiên cứu ở Anh ước tính dịch bệnh lây lan có thể ảnh hưởng ít nhất 1.700 người, không có trường hợp mới nào được báo cáo ở Vũ Hán, mặc dù các ca nhiễm được phát hiện ở quốc gia khác. "Virus chỉ ảnh hưởng đến du khách nước ngoài thôi à?", một người hỏi một cách mỉa mai trên mạng xã hội.
Chỉ đến khi các thanh tra từ Bắc Kinh đánh giá tình hình thì báo động đúng mức mới được đưa. Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước CCTV, Chung Nam Sơn xác nhận bệnh "lây truyền từ người sang người" và cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm rất cao.
Phát biểu với truyền thông nhà nước trong tuần này, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng thừa nhận cảnh báo của thành phố "không đủ".
Dù vấn đề này là do sự quan liêu hay che đậy có động cơ chính trị, sự chậm trễ đến vào thời điểm không thể tệ hơn: mùa "xuân vận" đang diễn ra, hàng trăm triệu người di chuyển khắp đất nước, chen chúc nhau trên các chuyến tàu, xe khách và máy bay để về quê vào dịp Tết.
Lệnh phong tỏa Vũ Hán không được đưa ra cho đến ngày 23/1, tức 29 Tết. Một người phụ nữ được chẩn đoán nhiễm virus ở Hàn Quốc cho biết cô từng đi khám ở Vũ Hán nhưng được cho ra về và được rời Trung Quốc.
Việc kiểm duyệt báo chí và internet ở Trung Quốc khiến thông tin được lan truyền chậm trễ, người dân chỉ có thể dựa vào các nguồn tin chính thức với hy vọng các quan chức sẽ công khai minh bạch.
Khi ông Tập ra tuyên bố "dốc toàn lực", động thái này được coi như "bật đèn xanh" để truyền thông Trung Quốc đưa tin về virus Vũ Hán. Các phóng viên nhanh chóng đến ổ dịch, Caixin và Beijing News đưa ra những bài viết chuyên sâu, một số trong đó phơi bày cách xử lý yếu kém của chính quyền địa phương. Viết trên WeChat từ Vũ Hán, phóng viên Caixin Gao Yu so sánh tình hình hiện giờ với khủng hoảng SARS, nói rằng "sự thiếu minh bạch, giám sát công khai và sự thật đã gây ra thiệt hại lớn cho an toàn công cộng".
Sau khủng hoảng SARS, Trung Quốc đã học được bài học là phải cởi mở, minh bạch về thông tin. Tuy nhiên, các chính sách của ông Tập như quyền lực tập trung vào chính quyền trung ương, kiểm duyệt thông tin và chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt đã khiến nhiều địa phương e sợ khiến Bắc Kinh tức giận nên không dám công khai các thông tin tiêu cực.
Giống như câu thành ngữ, ông Tập "ở xa" chính quyền địa phương và không thể nhanh chóng nắm được thông tin. "Dịch bệnh Vũ Hán cho thấy chuyện gì xảy ra khi nước này phải dựa vào những thông tin bị cắt gọt, được từ từ báo cáo lên lãnh đạo cấp cao thì các biện pháp xử lý thỏa đáng mới được thực hiện", James Griffiths, nhà bình luận của CNN viết.
Phương Vũ (Theo CNN)