Theo Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Hương - Bác sĩ Trưởng Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, dị ứng đạm sữa bò là "phản ứng sai sót" của hệ miễn dịch trong cơ thể trẻ khi cho rằng thành phần đạm trong sữa bò là thành phần có hại. Từ nhận định này, cơ thể trẻ sẽ sản sinh ra những kháng thể miễn dịch để trung hòa lượng đạm có trong sữa.
Với những trẻ phản ứng nhanh với đạm sữa, các biểu hiện sẽ hiện rõ sau 2 giờ sau khi trẻ uống sữa bò. Tuy nhiên, nhiều trẻ có phản ứng muộn (sau 48 giờ hoặc hơn) nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Khi cơ thể trẻ phản ứng ngay lập tức với đạm trong sữa bò, trẻ sẽ có những biểu hiện dị ứng đạm sữa bò khá rõ rệt như: nổi mẩn ngứa, mề đay; mặt sưng, có thể môi và lưỡi cũng sưng; trẻ thở khò khè; nôn ói, trào ngược sau khi uống sữa; tiêu chảy.
Tiến sĩ, bác sĩ Thu Hương cho biết, nếu trẻ thuộc nhóm trẻ phản ứng chậm với sữa bò, các triệu chứng thường chậm và nhẹ hơn, không rõ ràng nên rất khó nhận biết như quấy khóc, khó chịu; nôn ói, bụng quặn đau; đi phân lỏng hoặc nặng hơn là tiêu chảy, táo bón; trong phân có thể lẫn tia máu; biếng ăn, chậm tăng cân sau khoảng 1-2 tháng mắc dị ứng đạm sữa bò.
Các dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò đều không quá đặc trưng và rất giống với những bệnh thường gặp như tiêu chảy, nôn trớ hoặc bất dung nạp lactose nên nhiều trẻ không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Điều này khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu và biếng ăn trong thời gian dài dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng.
Cách khắc phục, kiểm soát dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Đối với trẻ dị ứng đạm sữa bò, cả bố mẹ và bác sĩ đều không thể chẩn đoán chính xác bệnh dựa vào những biểu hiện ban đầu. Bên cạnh khám lâm sàng, trẻ cần phải được kiểm tra và làm thêm các xét nghiệm dị ứng đạm sữa như: lấy da (skin prick test) với sữa; xét nghiệm IgE đặc hiệu với các protein sữa bò (RAST); test loại trừ: cho trẻ kiêng sữa trong vòng 2-4 tuần; test dị ứng đạm sữa bò: cho trẻ ăn lại sữa bò...
Phát hiện sớm dị ứng đạm sữa bò có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe của trẻ. Điều này vừa giúp trẻ giảm thiểu được các triệu chứng khó chịu vừa giúp hệ tiêu hóa của trẻ ổn định, tạo điều kiện để hấp thu các chất dinh dưỡng tốt hơn.
Tiến sĩ, bác sĩ Thu Hương cho biết, hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm dị ứng đạm sữa bò ở trẻ nhỏ. Cách tốt nhất vẫn là không cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và thay đổi thói quen sinh hoạt, một số trẻ sẽ được bác sĩ kê thuốc nếu trẻ phản ứng quá nặng với đạm sữa bò.
Khi có con dị ứng đạm sữa bò, mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:
- Loại bỏ sữa bò khỏi khẩu phần ăn của trẻ, kể cả các chế phẩm từ sữa bò như váng sữa, kem tươi, sữa chua, chocolate, bỏ vào các loại bánh kẹo sử dụng sữa bò.
- Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, trong thực đơn của mẹ cũng không nên sử dụng sữa và các loại thức ăn, thực phẩm chế biến từ sữa.
- Không cho trẻ sử dụng sữa bò 2-12 tháng, sau khi giãn cách một thời gian mẹ nên đưa trẻ đi kiểm tra dị ứng sữa. Nếu trẻ dị ứng ít và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, mẹ có thể tái sử dụng sữa bò.
- Chuyển sang sử dụng sữa hạnh nhân, sữa dừa, sữa yến mạch, sữa hạt điều sữa hạt gai... hoặc các sản phẩm sữa có nhãn Non-dairy. Trong sữa gạo có chứa asen không tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ nên mẹ cần lưu ý và hạn chế khi dùng.
- Trước khi cho trẻ ăn uống bất kỳ các loại thực phẩm nào, mẹ cũng cần đọc kỹ thành phần và nhanh chóng loại bỏ nếu trong đó có chứa sữa bò.
- Nếu trẻ có tiền sử sốc phản vệ khi dị ứng đạm sữa, mẹ nhất thiết phải thông báo với người thân hoặc những người thường xuyên chăm sóc trẻ để nếu chẳng may trẻ dị ứng có thể nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, giảm thiểu tối đa nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến trẻ sau này.
Tiến sĩ, bác sĩ Thu Hương nhấn mạnh, trong sữa bò có chứa thành phần dinh dưỡng dồi dào với hàm lượng protein, vitamin và các khoáng chất như canxi, phốt pho, vitamin nhóm B nên được xem là nguồn dinh dưỡng quan trọng của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ mắc dị ứng đạm sữa bò và không thể uống sữa bò, trẻ có nguy cơ cao bị thiếu dưỡng chất, nhất là canxi. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến sự phát triển hệ xương, răng và chiều cao tương lai của trẻ.
"Khi thấy trẻ có các triệu chứng nghi ngờ là do dị ứng đạm sữa bò, phụ huynh nên cho trẻ đi thăm khám dinh dưỡng sớm, đặc biệt là xét nghiệm dị ứng đạm sữa bò để kịp thời xác định tình hình sức khỏe và những thiếu hụt vi chất của trẻ (nếu có). Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống hợp lý để trẻ tiêu hóa khỏe, lên cân và phát triển tối ưu", Tiến sĩ, bác sĩ Thu Hương nói thêm.
Ngọc An