Thế giới
Thứ hai, 9/10/2023, 12:11 (GMT+7)

Dân Gaza 'không còn nơi về' giữa làn không kích của Israel

Khi Israel không kích vào Dải Gaza để đáp trả cuộc tấn công của Hamas, người dân tại khu vực này lâm vào cảnh mất nhà, không thể rời lãnh thổ và sống trong sợ hãi.

Sau khi lực lượng vũ trang Hamas kiểm soát Dải Gaza tập kích quy mô lớn vào miền nam Israel ngày 7/10, Tel Aviv lập tức tuyên bố tình trạng chiến tranh, ra lệnh động viên lực lượng dự bị kèm cam kết hủy diệt Hamas.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đáp trả bằng các cuộc không kích vào Dải Gaza, một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới, với khoảng 2,3 triệu người sinh sống trên diện tích 365 km2.

Đợt không kích tiếp diễn vào ngày 8/10. Phát ngôn viên IDF Daniel Hagari cho hay lực lượng đã hủy diệt 800 mục tiêu ở Gaza, trong đó có những nơi được cho là căn cứ phóng rocket của lực lượng Hamas.

"Tôi muốn nói với người dân Gaza rằng hãy rời khỏi đó ngay, bởi vì chúng tôi sẽ hành động ở mọi nơi với tất cả lực lượng của mình", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, cam kết "không nghỉ ngơi" cho đến khi chiến thắng.

Nhưng hầu hết người dân ở Gaza không có cách nào thoát khỏi vùng đất đang bị bao vây. Tất cả các cửa ngõ ra khỏi khu vực đều bị đóng cửa, ngoại trừ cửa khẩu Rafah với Ai Cập được kiểm soát chặt chẽ.

Bộ Y tế Palestine ở Gaza cho biết ít nhất 413 người Palestine thiệt mạng trong đợt không kích trả đũa của Israel, trong đó có 78 trẻ em.

Sau các đợt không kích trả đũa liên tiếp, đường phố trên khắp Gaza bị hư hại. Nhiều người mạo hiểm ra ngoài tìm kiếm người mất tích trong bầu không khí đầy bụi và mùi thuốc súng.

Phát ngôn Hamas cho biết 13 tòa tháp và tòa nhà dân cư đã bị phá hủy, 1.210 căn hộ bị hư hỏng. Hàng nghìn người lâm cảnh mất nhà cửa.

Salim Hussein, 55 tuổi, trở thành người vô gia cư sau khi tòa nhà nơi ông ở trở thành mục tiêu không kích.

Ông và gia đình được Israel phát cảnh báo chỉ thoáng chốc trước khi tòa nhà biến thành bình địa. "Chúng tôi rời tòa nhà chỉ với bộ quần áo trên người. Gia đình tôi mới về đây được 5 tháng. Không hiểu sao nơi này bị tấn công", Hussein nói. "Chúng tôi tay trắng, không còn nơi nào để đi".

Khoảnh khắc Israel bắt đầu không kích Gaza cũng là thời điểm vợ của Amer Ashour bắt đầu chuyển dạ.

Họ vội vã đến bệnh viện phụ sản gần đó và đón đứa con thứ hai chào đời. Khi họ về căn hộ, tòa nhà 11 tầng ở khu Al-Nasr đã trở thành đống gạch vụn.

Đây là nơi sinh sống của khoảng 80 gia đình. "Tất cả chúng tôi, trẻ em, phụ nữ, đều trở thành người vô gia cư. Chúng tôi sẽ về đâu trong thời điểm khó khăn này?", Ashour đặt câu hỏi.

Các gia đình Palestine trú tại một trường học ngày 8/10.

Người Palestine ngồi ngoài đường, nhìn lực lượng cứu hộ tìm kiếm thân nhân mất tích ở một tòa nhà đổ nát tại Khan Younis, miền nam Dải Gaza.

Hani El-Bawab, 75 tuổi, không còn chỗ ở vì tòa tháp liền kề đổ sập xuống nhà ông. Hiện ông sống ngoài đường còn vợ ông ở nhờ nhà một người quen. Ông cho biết người Palestine ở Gaza đang sống trong hoảng loạn và sợ hãi, từng giây phút đều lo sợ một quả bom có thể rơi xuống nhà của họ.

Tuy nhiên, ông ủng hộ Hamas phát động tấn công Israel ngày 7/10. "Lần nào Israel cũng là bên tấn công chúng tôi trước. Lần này, các chiến binh Hamas đã chủ động tung đòn", El-Bawab nói.

Đợt không kích làm rực sáng một vùng trời ở Gaza ngày 9/10.

Ông Netanyahu hôm 7/10 tuyên bố Israel, nước cung cấp phần lớn điện năng cho Gaza, sẽ ngừng cấp "điện, nhiên liệu và hàng hóa" cho vùng này. Tuy nhiên, quân đội Israel hôm qua cho biết họ chỉ mới cắt điện.

Theo CNN, kể từ đó, điện chỉ được cung cấp trung bình 4 giờ mỗi ngày. Kết nối Internet cũng bị gián đoạn.

Một người đàn ông Palestine nắm lấy tay thân nhân thiệt mạng trong đống đổ nát ở Khan Younis, Gaza.

Hamas nắm quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007, Israel phản ứng bằng cách phong tỏa vùng đất nghèo khó với 2,3 triệu dân này. Israel và Hamas đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ kể từ đó.

Trước cuộc tấn công hôm 7/10, tính riêng trong năm nay, bạo lực đã cướp đi sinh mạng ít nhất 247 người Palestine, 32 người Israel và hai người nước ngoài.

Ảnh: Reuters, AFP