"Khi nói về quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác Toàn diện, tôi nghĩ lĩnh vực quan trọng nhất là hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân. Không gì thể hiện điều này tốt hơn Chương trình Hòa bình đang triển khai ở Việt Nam", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói khi giới thiệu ông Mikel Herrington, Giám đốc Quốc gia mới được bổ nhiệm của Chương trình Hòa bình, trong buổi lễ tại Hà Nội hôm nay.
Nhắc đến người cha từng tham chiến ở tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1966-1967, Đại sứ Knapper cho rằng Việt Nam và Mỹ có lịch sử đau thương trong chiến tranh. "Nhưng chỉ sau một thế hệ, từ đời cha tôi đến tôi, quan hệ và thiện chí giữa hai nước đã thay đổi rất nhiều", ông nói.

Đại sứ Knapper phát biểu tại buổi lễ ở Hà Nội hôm 19/5. Ảnh: Vũ Anh
Theo ông, sự hiện diện của Chương trình Hòa bình đại diện cho tinh thần bạn bè, hữu nghị, tin tưởng của Mỹ hướng tới Việt Nam, giúp củng cố mối quan hệ song phương trong lĩnh vực giáo dục và giao lưu nhân dân.
"Thật tuyệt vời khi chứng kiến 9 tình nguyện viên và sắp tới là rất nhiều người khác từ Mỹ đến đây dạy tiếng Anh, tiếp xúc với chính quyền, giáo viên và cộng đồng cư dân địa phương để xây dựng những cầu nối, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa Mỹ và Việt Nam", ông Knapper cho hay.
Chương trình Hòa bình (Peace Corps) được Mỹ thành lập năm 1961, hiện có hơn 240.000 tình nguyện viên tại 142 quốc gia trên thế giới. Việt Nam là quốc gia thứ 143 mà tổ chức này cử tình nguyện viên đến.
9 tình nguyện viên đầu tiên của Chương trình Hòa bình đã thực hiện lễ tuyên thệ tại Hà Nội hồi cuối tháng 12/2022 để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Việt Nam. Tất cả đều tốt nghiệp đại học, hai người trong số này có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

9 tình nguyện viên của Chương trình Hòa bình tuyên thệ tại Hà Nội cuối tháng 12/2022. Ảnh: Peace Corps
Nhiệm vụ của các tình nguyện viên này là cùng giảng dạy tiếng Anh với giáo viên tại 9 trường THPT ở Hà Nội, theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chi phí tham gia chương trình ở Việt Nam được chính phủ Mỹ hỗ trợ.
Đánh giá về hoạt động của Chương trình Hòa bình tại Việt Nam, ông Herrington nói rằng các tình nguyện viên đều được đào tạo kỹ càng về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, cũng như phương thức giảng dạy tiếng Anh trước khi thực hiện nhiệm vụ tại các trường ở địa phương.
"Điều đặc biệt của những tình nguyện viên thuộc Chương trình Hòa bình là họ sống chung với cộng đồng 24/7, cho phép họ xây dựng quan hệ khác nhiều so với những giáo viên chỉ đến giảng dạy ba tiết mỗi tuần rồi trở về", ông cho hay.
Một số tình nguyện viên đã được mời dự đám cưới và lễ đầy tháng của các bé sơ sinh tại địa phương, cũng như tổ chức thêm những lớp học ngoài chương trình dạy tiếng Anh như yoga và thể thao.
Giám đốc Herrington cho biết mục tiêu đầu tiên mà Chương trình Hòa bình hướng tới khi hoạt động tại Việt Nam là hỗ trợ Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông qua hoạt động này, Chương trình Hòa bình hướng đến mục tiêu thứ hai là xây dựng quan hệ giao lưu nhân dân, tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh, người dân Việt Nam hiểu hơn về người Mỹ và thấy rằng "họ không giống những gì được mô tả trên phim ảnh".

Giám đốc Quốc gia Herrington chia sẻ về hoạt động của Chương trình Hòa bình trong buổi lễ hôm 19/5. Ảnh: Vũ Anh
Ông nhấn mạnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các tình nguyện viên sẽ mang những trải nghiệm trong quá trình làm việc tại Việt Nam về nước, để người Mỹ hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam ngày nay.
"Sự kết hợp của các mục tiêu trên sẽ tạo thành sứ mệnh của chúng tôi, đó là xây dựng hòa bình và hữu nghị trên khắp thế giới", Giám đốc Herrington nói. "Anh trai tôi cùng gia đình hai tuần tới sẽ đến Việt Nam, sau khi được nghe kể về những điều tuyệt vời ở đây, cũng như tình yêu của tôi với Việt Nam".
Vũ Anh