"Nếu không có lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga đã có thể tăng trưởng 6%", ông Oleg Vyugin, cựu thứ trưởng tài chính và cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương Nga, nói hôm 20/9. "Giai đoạn tháng 1-2, mọi người đã hy vọng về một đợt tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, thay vì tăng trưởng 5%, chúng tôi giảm 4%. Do đó, các biện pháp trừng phạt có hiệu quả".
Tuy nhiên, ông Vyugin khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây "không gây thảm họa" cho nền kinh tế Nga, khi chúng chỉ có hiệu quả 30-40% vì Moskva đã đưa ra nhiều cách để đối phó.

Oleg Vyugin tại Moskva hồi tháng 2/2018. Ảnh: Reuters.
Giới chức Nga đã ca ngợi sức mạnh kinh tế của nước này khi đối mặt các biện pháp trừng phạt. Tổng thống Vladimir Putin dự báo GDP giảm 2% trong năm nay, lạc quan hơn dự đoán giảm 3% của Bộ Kinh tế Nga. Ngân hàng Thế giới hồi tháng 4 thậm chí cảnh báo GDP Nga có thể giảm tới 11,2%.
Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga, mức chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu, trong 8 tháng đầu năm 2022 cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 183,1 tỷ USD, vì doanh thu tăng trong khi các lệnh trừng phạt khiến nhập khẩu lao dốc.
Sau khi áp các biện pháp trừng phạt mạnh tay, trong đó có loại Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT, phương Tây đang chuẩn bị hạn chế sử dụng dầu và khí đốt Nga. Vyugin hy vọng một số biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng nhanh chóng tới Nga, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nơi họ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
"Thế giới sẽ phát triển, nhưng Nga sẽ chỉ sử dụng những công nghệ cũ và dành nguồn lực khổng lồ để tái tạo những thứ đã có vì không thể nhập khẩu. Nếu tình hình không thay đổi, Nga có thể sẽ thấy trình độ phát triển công nghệ suy giảm", Vyugin cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo Reuters)