Ông Chử Xuân Dũng, 50 tuổi, khi đương nhiệm được phân làm Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch của Hà Nội, có trách nhiệm, quyền hạn duyệt, ký chủ trương cách ly trên địa bàn thủ đô. Bởi thế, ông được các công ty lữ hành nhờ cấp công văn với mức "lại quả" 1-2 triệu đồng/khách, theo cáo buộc.
Cáo trạng nêu, từ tháng 4 đến 12/2021, ông Dũng đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa người từ nước ngoài về cách ly. Cựu phó chủ tịch sau đó 4 lần nhận tiền của bị cáo Lê Thị Ngọc Anh (cán bộ Vụ Lễ tân Ban đối ngoại Trung ương), 3 lần nhận tiền của Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa), tổng cộng 2 tỷ đồng. Ông Dũng bị VKS đề nghị 4-5 năm về tội Nhận hối lộ.
Chiều 18/7, trong phần bào chữa, ông Dũng thừa nhận sai phạm nhưng mong được trình bày về bối cảnh phạm tội. Trong hơn 5 phút, kể về những đóng góp cho công tác chống dịch của thành phố, ông nói phòng chống Covid-19 ở Hà Nội là công việc khó, chưa có tiền lệ, nhất là với những người "ngoại đạo" như ông. Nhưng không vì thế mà nhụt chí, ông đã tập trung hết trí tuệ, công sức để chống dịch "theo cách riêng, mới", có lợi nhất cho dân. Ví dụ, quyết định cách ly học sinh ở ngay tại trường học từ khi chưa có chủ trương, nhưng sau đó đã tạo thành tiền lệ tốt.
Về cáo buộc Nhận hối lộ, ông Dũng cho rằng chỉ một lần gặp hai người đưa tiền là Trần Minh Tuấn và Ngọc Anh, còn "không nhớ mặt mũi và tên của hai công ty". Cựu phó chủ tịch không chối tội, song phản bác lời khai của Ngọc Anh rằng "được doanh nghiệp trả công theo chuyến bay". Lời khai này khiến ông "thấy rất ấm ức, khó chịu".
"Bị cáo Ngọc Anh còn phải cậy nhờ quan hệ mới được gặp bị cáo một lần. Sau đó bị cáo đã tin vào lời nói khéo léo của Ngọc Anh để nhận tiền. Không biết có phải vì bị cáo nhận tiền nên đẩy Ngọc Anh thành tội phạm, vì thế chị ấy mới khai như vậy không", ông Dũng phân trần và khẳng định kể cả phạm tội nhưng "vẫn là người tử tế, đàng hoàng, không nói xấu người khác".
Theo ông Dũng, khi làm việc với cơ quan điều tra, đã không thể nhớ "nhận bao nhiêu tiền, nhận như thế nào", phải nhờ điều tra viên làm rõ giúp. "Nhưng cuối cùng, do quá mệt mỏi, tôi chấp nhận số tiền nhận hối lộ. Ở đây là tôi chấp nhận chứ không phải xác nhận về số tiền", ông nói.
"Bị cáo rất đau đớn khi từ một người tham gia chống dịch không ngại khó, ngại khổ, góp nhiều công sức đẩy lùi dịch bệnh, nay lại đứng đây, trở thành tội đồ của thành phố. Nặng nề hơn, bị cáo bị cáo buộc là phạm tội với tình tiết lợi dụng dịch bệnh. Bị cáo mong muốn HĐXX mở rộng khoan hồng, giúp có cơ hội sớm quay trở lại xã hội", ông Dũng chậm giọng, nói.
Bào chữa cho thân chủ sau đó, luật sư Trịnh Văn Tuyến, cho rằng việc nhận tiền của ông Dũng mang tính thụ động và "đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu". Ông Dũng không thỏa thuận, đòi hỏi hay gây khó dễ với doanh nghiệp để được nhận tiền.
Ví dụ, trong 4 lần nhận hối lộ của 3 doanh nghiệp qua bị cáo Ngọc Anh thì 3 lần Ngọc Anh đưa thừa tiền và lần còn lại đưa thiếu tiền. "Nếu cho rằng Ngọc Anh có thỏa thuận chi tiền cho ông Dũng với mức 2 triệu đồng/khách thì liệu có thể chấp nhận việc đưa thiếu, đưa thừa thế này không?", luật sư nêu quan điểm.
Luật sư dẫn chứng, tháng 12/2021, Ngọc Anh không đưa tiền nhưng vẫn được ông Dũng ký duyệt cách ly cho 720 khách tại Hà Nội "một cách bình thường, vô tư".
Luật sư nói là một trong những học trò đầu tiên, "đầu tay" của ông Chử Xuân Dũng, sau khi ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội và về giảng dạy tại Sóc Sơn, năm 1994. "Ngay lần đầu tiên tiếp xúc, làm việc với ông Dũng tại Trại tạm giam, tôi đã nhận được câu nói rất đau lòng: Bây giờ, thầy gặp chúng mày, thầy xấu hổ lắm", luật sư trình bày và cho rằng với cựu phó chủ tịch Hà Nội "sự hổ thẹn đã là hình phạt hà khắc nhất".
Cựu phó chủ tịch Quảng Nam Trần Văn Tân bị VKS đề nghị 8-9 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ đồng. Tự bào chữa hôm nay, ông Tân nhận sai và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. "Lần đầu nhận tiền, bị cáo đã biết mình sai rồi. Những lần sau thì họ nói là tặng sinh nhật, lễ Tết nên bị cáo nhận", ông Tân giải thích và cho hay đã nộp khắc phục 4 tỷ đồng.
Khẳng định việc tổ chức các chuyến bay giải cứu là chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, ông Tân phân trần luôn sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp, hoàn toàn không có ý gây khó khăn khi họ bày tỏ nguyện vọng được cách ly ở Quảng Nam.
Bào chữa cho ông Tân, luật sư Nguyễn Văn Tiên cho biết thân chủ được Hiệp hội các doanh nghiệp, nhiều công ty và cá nhân ở tỉnh Quảng Nam viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.
Thanh Lam - Phạm Dự