Đến hôm nay, hết thời hạn kháng cáo, TAND Hà Nội đã nhận được đơn chống án của 18 trong 54 bị cáo.
Bốn người bị tòa sơ thẩm phạt chung thân đều kháng cáo, trong đó Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, kêu oan. Ba người còn lại xin giảm hình phạt là bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Y tế và Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Trong 14 người còn lại, ông Trần Văn Tân, cựu phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng 12 người xin giảm hình phạt. Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa, án sơ thẩm 18 năm tù, kháng cáo kêu oan.
Vụ án được TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm giữa tháng 7 qua 18 ngày làm việc, tuyên 4 người tù chung thân, 10 án tù treo và 30 bị cáo từ 18 tháng đến 16 năm tù giam.
Trong 54 bị cáo, 21 người bị xét xử về tội Nhận hối lộ; 24 người về tội Đưa hối lộ; 4 người tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 4 người Môi giới hối lộ. Số người tham gia được cho là nhiều nhất trong những đại án gần đây với 105 luật sư, 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 33 nhân chứng.
Tòa sơ thẩm đánh giá, vụ án xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Từ tháng 4/2020, do Covid-19, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo - người dân tự trả phí toàn bộ.
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, 372 chuyến bay combo đã được tổ chức. Để được cấp phép chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp đã đưa - nhận hối lộ lên tới 515 lần, tổng 165 tỷ đồng.
TAND Hà Nội đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành. Các bị cáo lợi dụng vị trí công tác nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp chi tiền bôi trơn. Việc đưa - nhận hối lộ tồn tại ở hai dạng: Đưa yêu cầu, thỏa thuận mặc cả; hoặc gây khó khăn, mập mờ không minh bạch trong công tác cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp chi tiền theo "luật bất thành văn". Nhiều quan chức phạm tội theo hình thức thông đồng, hứa hẹn chia sẻ lợi ích.
"Số tiền hối lộ đặc biệt lớn, thường xuyên liên tục. Các bị cáo đều nhận thức được nếu làm theo yêu cầu doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ chi tiền cảm ơn", bản án nêu.
Theo tòa sơ thẩm, Hưng được phân công điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu" từ ngày 28/1/2022. Đến tháng 9/2022, Hưng bị điều chuyển công tác nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối để lừa tiền "chạy án" của bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky) thông qua phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.
Bản án nêu Hưng nhiều lần gặp gỡ bà Hằng tại nhà ông Tuấn để hướng dẫn khai báo, trong khi Bộ Công an cấm điều tra viên gặp gỡ người bị điều tra ngoài trụ sở.
Dựa vào các lời khai, chứng cứ, dữ liệu điện tử thu thập được, tòa xác định Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Với số tiền 1,8 triệu USD còn lại ông Tuấn khai, tòa cho rằng chưa đủ cơ sở kết luận Hưng nhận nên không xử lý.
Số tiền 800.000 USD (tương đương hơn 18 tỷ đồng), đưa với mục đích hối lộ, thực hiện giao dịch trái pháp luật nên bị cáo Hưng phải truy nộp sung công quỹ Nhà nước. 1,85 triệu USD còn lại, cựu phó giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đã nộp lại, cũng được tòa tuyên sung công quỹ.
Thanh Lam - Nguyễn Hưng