Ông Indyk, 72 tuổi, hôm 10/12 chia sẻ trên mạng xã hội X bài báo từ truyền thông Mỹ nói rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu biết nước láng giềng Qatar gửi hàng triệu USD tới Dải Gaza mỗi tháng. Số tiền này được sử dụng để hỗ trợ chính quyền do Hamas vận hành.
Theo báo Mỹ, ông Netanyahu biết rõ việc này nhưng vẫn khuyến khích việc chuyển tiền. Thủ tướng và quan chức Israel hy vọng các khoản tiền chảy vào Gaza sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực, đồng thời tin rằng Hamas không mong muốn, cũng không có khả năng phát động cuộc tấn công lớn.
Truyền thông Mỹ trước đó đưa tin rằng Israel nắm được thông tin về kế hoạch đột kích của Hamas hơn một năm trước, nhưng cho rằng nó thực sự khó xảy ra.
"Ông ấy quyết tâm duy trì quyền lực bất chấp cái giá phải trả, đó là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với Israel. Ông ấy nên từ chức", Indyk nói.
Ông Indyk được giao nhiệm vụ thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine trong nhiệm kỳ kéo dài gần một năm với tư cách đặc phái viên Trung Đông của tổng thống Barack Obama vào năm 2013, 2014.
"Ông ấy cần phải từ chức trước khi gây thêm tổn thất cho Israel", ông Indyk nhấn mạnh.
Bình luận của ông Indyk được đưa ra sau khi Mỹ tuần trước sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để ngăn chặn nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza. 13 thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thuận, Mỹ bỏ phiếu chống và Anh bỏ phiếu trắng.
Ông Netanyahu ca ngợi việc Mỹ phủ quyết văn kiện của Hội đồng Bảo an, nói rằng "các quốc gia khác cần hiểu không thể vừa ủng hộ loại bỏ Hamas, vừa kêu gọi ngừng bắn bởi động thái đó sẽ cản trở việc hủy diệt Hamas".
Theo cơ quan y tế ở Dải Gaza, gần 18.000 dân thường đã thiệt mạng và hơn 49.000 người bị thương từ khi Israel mở các cuộc tấn công vào khu vực này để đáp trả cuộc đột kích ngày 7/10 của Hamas. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Israel thu hẹp quy mô hoặc chấm dứt bạo lực ở Gaza.
Chiến sự ở Gaza cũng đặt ra thách thức đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi ông nỗ lực cân bằng sự ủng hộ dành cho đồng minh Israel với lời kêu gọi ngừng bắn từ phe cánh tả. Đại sứ Indyk cảnh báo trong bài đăng trên X rằng Thủ tướng Netanyahu "đang gây rạn nứt với Tổng thống Biden, người bạn duy nhất của Israel trong cuộc khủng hoảng này".
Tháng trước, hàng trăm người tập trung bên ngoài nhà riêng của Thủ tướng Netanyahu tại Jerusalem, kêu gọi ông từ chức, khi công chúng ngày càng phẫn nộ với giới lãnh đạo chính trị Israel. Kết quả cuộc thăm dò do Kênh 13 của Israel thực hiện ngày 4/11 cho thấy 76% người được hỏi cho rằng ông Netanyahu nên từ chức và 64% cho rằng Israel nên tổ chức bầu cử ngay sau khi chiến sự với Hamas kết thúc.
Huyền Lê (Theo Hill, Politico)