Ngày 25/12, bà Lan cùng 20 người được TAND Cấp cao tại Hà Nội xét đơn kháng cáo xin giảm hình phạt hoặc kêu oan. Trước đó, bà Lan bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân do 32 lần nhận hối lộ của 8 đại diện doanh nghiệp, tổng cộng 25 tỷ đồng.
Hơn 20 phút thẩm vấn cựu cục trưởng 49 tuổi, HĐXX dành nhiều thời gian để truy vấn về số tiền nhận hối lộ trên nhưng bà Lan chỉ mới khắc phục 1,2 tỷ đồng. Dẫn chứng các bị cáo khác đã nộp hầu hết tiền khắc phục hậu quả, có người còn đóng thừa 300 triệu đồng, thẩm phán đề nghị bà Lan "cần xem xét lại thái độ".
Ba lần thẩm phán hỏi "đã dùng 25 tỷ đồng vào việc gì", bà Lan đều không trả lời trực tiếp, nói không nhớ cụ thể đã nhận bao nhiêu tiền, của bao nhiêu doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi tòa cáo buộc nhận số tiền trên với các mốc thời gian cụ thể, bà không chối.
Bị cáo phân trần, hoàn cảnh gia đình "rất khó khăn" khi làm mẹ đơn thân nhiều năm, là trụ cột nuôi hai con nhỏ và mẹ già 90 tuổi. Ngoài số tiền 1,2 tỷ đồng đã nộp, cựu cục trưởng xin dùng hết tài sản kê biên để khắc phục. Nếu số tài sản gồm nhà, cổ phiếu, ôtô hạng sang vẫn không đủ, bà xin tự nguyện lao động để kiếm tiền khắc phục.
Thẩm phán tiếp tục truy: "Các tài sản đó đều hình thành trước khi phạm tội. Cho dù không ghi chép cụ thể về các lần nhận tiền nhưng 25 tỷ đồng không hề nhỏ. Vậy bị cáo dùng như thế nào mà hết sạch trong hai năm, từ 2020 đến 2022?".
Bà Lan đáp rất muốn khắc phục nhưng "đã hết khả năng". Cựu cục trưởng Lãnh sự xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt do ba lần được nhận bằng khen của Thủ tướng, gia đình có công với cách mạng. Bà Lan mong HĐXX xem xét việc bị tòa sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng là "lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội", trong khi bà không mưu lợi cá nhân trong dịch bệnh, không sách nhiễu mà tiền đều do doanh nghiệp tự mang đến.
Ngắt lời, chủ tọa cho rằng bị cáo phạm tội giữa lúc đại dịch bùng phát, còn giấy khen của Bộ trưởng Ngoại giao tặng vì có thành tích trong công tác chống dịch vào năm 2021, cùng thời điểm phạm tội của bị cáo "thì bằng khen đó có xứng đáng không?".
Bà Lan cúi đầu, trùng giọng, nói đã rất ân hận về các sai phạm của mình khi không vượt qua được cám dỗ vật chất, để diễn ra các cuộc gặp gỡ và nhận tiền của doanh nghiệp. Bà Lan xin được giải tỏa kê biên một căn nhà ở quận Nam Từ Liêm vì đây là nhà do bố mẹ mua, bà chỉ đứng tên, và đây là nơi ở duy nhất của mẹ già 90 tuổi.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng: Xin lượng thứ
Như bà Lan, ông Dũng, 59 tuổi, cựu thứ trưởng Ngoại giao, nằm trong nhóm 20 người kháng cáo xin giảm hình phạt. Ông bị cấp sơ thẩm phạt 16 năm tù với cáo buộc 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp, tổng 21,5 tỷ đồng - nhiều thứ 4 trong 21 bị cáo cùng tội danh. 19 lần ông nhận tiền trực tiếp tại phòng làm việc tại Bộ Ngoại giao, 15 lần tại các quán cà phê ở trung tâm Hà Nội, 2 lần trước cổng trụ sở Bộ Ngoại giao và một lần nhờ vợ nhận hộ.
Tại phiên phúc thẩm chiều nay, ông Dũng thừa nhận cáo buộc của tòa án sơ thẩm, hai lần nói "rất ăn năn, xin lượng thứ", song tha thiết mong cấp phúc thẩm đánh giá lại hoàn cảnh tính chất phạm tội.
Nêu lại bản án sơ thẩm cáo buộc khi doanh nghiệp đến gặp mình "đặt vấn đề" đưa tiền để được giúp cấp phép chuyến bay, cựu thứ trưởng cho rằng phán quyết này "chưa phản ánh đúng tính chất sự việc". Ông khẳng định "tuyệt đối làm theo chủ trương", không bao giờ tiếp xúc doanh nghiệp với động cơ kinh tế, âm mưu, ý đồ đòi hỏi gì. "Các bị cáo là chủ doanh nghiệp ở đây có thể xác nhận", ông trình bày.
Liên tục đưa tay đỡ ngực, vò lòng bàn tay vào nhau, nói ngắt quãng, cựu thứ trưởng 59 tuổi khai "không tiện từ chối" nên gặp trong phòng làm việc với tinh thần "lắng nghe, tiếp thu những ý kiến giãi bày khó khăn" của doanh nghiệp để hướng dẫn, đánh giá năng lực" trước khi cấp phép.
Thẩm phán ghi nhận khai báo của ông Dũng, hỏi: "Vậy ông cho rằng nhận tiền là không làm chủ được mình đúng không?". Cựu thứ trưởng đáp: "Vâng ạ".
Ông Dũng sau đó trình bày 2 căn cứ xin giảm án là đã được gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả và có nhiều thành tích trong 30 năm công tác. Đặc biệt trong dịch Covid, ông cho rằng đã có công lớn trong "ngoại giao vaccine", mang về cho đất nước 150 triệu liều vaccine, giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Khi vợ là bà Trần Phi Nga lên bục khai báo để trình bày về kháng cáo phần tài sản, vợ chồng ông Dũng nhìn nhau khóc. Sau khi được chủ toạ trấn an "bình tĩnh khai báo", bà nói ông Dũng sức khỏe đã kém, mong tòa xem xét công lao và ý thức khắc phục hậu quả để khoan hồng. Với hai bất động sản đang bị kê biên, bà xin được giải chấp do đã hoàn thành nghĩa vụ khắc phục hậu quả.
Người nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, cựu thư ký thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên dành lời xin lỗi nhân dân trong lời đầu tiên khai báo. Bị cáo cho hay, ngày 7/9 vừa qua đã được gia đình khắc phục nốt số tiền, hiện nộp đủ hơn 42 tỷ đồng bị cáo buộc nhận hối lộ.
Luật sư của ông Kiên trình bày, từ sau phiên sơ thẩm đến hôm nay, thân chủ đã được nhiều cơ quan, tổ chức thiện nguyện gửi thư cảm ơn vì những việc làm trước đây. Cựu thư ký Kiên xác nhận và hy vọng được HĐXX xem xét đây như một tình tiết giảm nhẹ để được giảm án tù chung thân, hưởng án tù có thời hạn.
Bị cáo cho rằng trong giai đoạn điều tra đã tích cực khai ra số tiền nhận của các doanh nghiệp mà cơ quan điều tra chưa đề cập. "Ban đầu, bị cáo bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận 27 tỷ đồng, sau đó bị cáo đã khai thêm hơn 15 tỷ nữa", Kiên khai và nói dùng tiền cho người thân vay và đầu tư bất động sản.
Doanh nghiệp không yêu cầu Hoàng Văn Hưng trả lại tiền "lừa chạy án"
Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc công ty Bluesky, bị cáo buộc đưa hối lộ nhiều nhất vụ án với 63 lần, tổng cộng hơn 38 tỷ đồng để được phê duyệt 109 chuyến bay.
Tại tòa, bị cáo Sơn cho rằng với 109 chuyến bay tổ chức thành công, đưa 27.000 người Việt hồi hương, bị cáo đã tạo việc làm cho ngành lưu trú, lữ hành, hàng không nên cần được tính là "thành tích trong lao động sản xuất" để được tòa tiếp tục giảm nhẹ án tù 10 năm.
Theo bản án sơ thẩm, Sơn và Hằng sau này lo lót "chạy án" bằng cách đưa tiền cho cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng song bất thành. Hằng và Sơn do đó còn được tòa xác định là bị hại từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Hưng.
Trong đơn kháng cáo, Hằng và Sơn đều mong muốn tòa phúc thẩm yêu cầu Hoàng Văn Hưng trả lại số tiền đã lừa chiếm đoạt, 800.000 USD. Song hôm nay tại tòa, hai người đều rút lại yêu cầu này do cảm thấy "không còn cần thiết", chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
Về phần tiền này, trong phiên tòa sáng nay, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nói đã tác động gia đình khắc phục toàn bộ, nhận tội và chấp nhận mọi phán quyết. Số tiền nộp này, theo quyết định của tòa sơ thẩm là số tiền Hằng và Sơn đưa với mục đích hối lộ, "thực hiện giao dịch trái pháp luật". Vì thế, khoản này phải sung công quỹ Nhà nước.
Nêu lý do kháng cáo sau đó, các bị cáo là lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng tổ chức chuyến bay với mục đích ban đầu không vì lợi nhuận, mà vì chủ trương nhân đạo của Nhà nước trong đại dịch.
Bị cáo Võ Thị Hồng, giám đốc Công ty Minh Ngọc khóc, phân trần từ tháng 12/2020-6/2021 đã 8 lần gửi hồ sơ cấp phép chuyến bay nhưng chưa từng được hồi đáp. Chuyến bay đầu tiên được chấp thuận lại song bất ngờ bị hủy, dù đã đặt cọc 2,8 tỷ đồng thuê máy bay và khách sạn lưu trú.
"Chứng kiến 290 người ở Malaysia mỏi mòn chờ đợi, bị cáo áp lực khủng khiếp đến sảy thai. Không phải vì mất tiền mà vì bà con không về được, đã định buông bỏ", Hồng phân trần. Nhưng sau đó được bị cáo Trần Quốc Tuấn, Giám đốc công ty Du lịch Việt Nam, nói sẽ có cách lo lót để mọi việc suôn sẻ nên đã đưa tiền.
Bà Hồng cho hay do nhận thức được sai phạm, bà và ông Tuấn sau đó đã "động viên nhau đi tự thú". Bà Hồng bị tòa sơ thẩm phạt 4 năm tù về tội Đưa hối lộ với 21 lần, tổng cộng 11 tỷ đồng. Ông Tuấn bị phạt 3 năm tù vì tội Môi giới hối lộ. Cả hai đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Phạm Dự - Thanh Lam