Sau khi quân đội Israel (IDF) mở chiến dịch trên bộ tấn công thành phố Gaza City ở miền bắc Gaza, hàng triệu người Gaza đã di tản về các thành phố miền trung và miền nam dải đất để tránh bom đạn. Khi IDF mở rộng chiến dịch tấn công, thành phố Rafah, giáp biên giới với Ai Cập, trở thành nơi trú ẩn cuối cùng của hơn một triệu người tị nạn.
Rafah vẫn hứng không kích trong nhiều tháng, song chiến dịch trên bộ mới của IDF khiến nỗi lo bạo lực gia tăng bao trùm. Giới chức Israel gần đây tăng chú ý tới Rafah, tuyên bố thành phố này là thành trì cuối cùng của lực lượng Hamas và các thủ lĩnh nhóm.
Trong khi đó, hàng nghìn người Palestine tiếp tục đổ về Rafah, vốn đã tiếp nhận hơn 1/2 dân số dải đất, hầu hết đang sống tạm bợ ngoài trời, đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước uống, thuốc men, nơi trú ẩn. Những người sơ tán di chuyển bằng bất kỳ phương tiện nào sẵn có, các ôtô chật cứng đến mức phải mở toang cửa để chở thêm người.
Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA) ví thành phố Rafah là "nồi áp suất của nỗi tuyệt vọng". "Chúng tôi lo sợ về điều sắp xảy đến", Jens Laerke, phát ngôn viên OCHA, nói hồi tuần trước.
Kareem Dahman, người Palestine trú ẩn tại Rafah, cho biết thành phố luôn vang âm thanh UAV gầm thét, ban đêm là tiếng bom. Những cuộc không kích xảy ra rất gần nơi anh cùng hơn chục người thân sống, trong một phòng đơn tại nhà người bạn.
Gia đình anh rời Gaza City vài ngày sau khi Hamas tấn công biên giới Israel hồi tháng 10/2023, khiến Tel Aviv không kích quy mô lớn đáp trả vào thành phố. Tháng 11, gia đình đến thành phố Khan Younis, nhưng thành phố này tiếp tục bị lực lượng Israel tấn công. Họ rời đi vào tháng 12, hướng đến Rafah.
"Chúng tôi thường mua đồ dùng ở một tạp hóa nhỏ. Lần cuối là ngày hôm qua", anh kể. "Sáng hôm sau, chúng tôi đến mua tiếp, thì phát hiện tiệm tạp hóa đã bị san phẳng".
Rạng sáng 4/2, Israel mở hai cuộc không kích vào Rafah. Bộ Y tế Palestine do Hamas quản lý sau đó thông báo 14 người thiệt mạng trong đòn tấn công.
Hơn một triệu người ở Rafah giờ đây đang trong tình cảnh bế tắc, bởi họ không còn lối thoát nào khác. Ai Cập đã đóng cửa khẩu giáp với thành phố này từ nhiều tháng trước. "Bom đạn cận kề Rafah, nhưng chúng tôi không biết phải đi đâu nữa", Kareem nói.
Raed Al-Nims, giám đốc truyền thông của Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine ở Gaza, cho biết mọi người đều lo ngại về khả năng IDF mở rộng chiến dịch trên bộ nhắm vào Rafah. Cơ quan truyền thông Gaza do Hamas điều hành cảnh báo việc binh sĩ Israel tiến vào Gaza sẽ "gây thảm họa thực sự nghiêm trọng, trên cả các thảm kịch mà dải đất đã hứng chịu".
Trước chiến sự, Rafah, thành phố nhỏ rộng 150 km2 với 250.000 dân, thậm chí còn tụt hậu hơn so với mặt bằng chung của dải đất.
Hồi mới mở phòng khám ở Rafah, bác sĩ John Kahler từ tổ chức MedGlobal cùng các đồng nghiệp đã nhìn thấy lều của người tị nạn, nhưng xung quanh khá thoáng đãng.
Hai tuần sau, không còn mét vuông nào để dựng thêm lều, bác sĩ Kahler nói. Từng đoàn người người tuyệt vọng lũ lượt đổ về trên những chiếc xe lừa, những chiếc ôtô chật kín người. "Có gia đình nhìn vào bãi rác, cân nhắc xem liệu có thể dọn sạch không gian này để dựng lều cho 6 người hay không. Thật đau lòng".
Sau khi tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn, tình trạng đông đúc, chen chúc khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, đặc biệt là viêm gan A.
Cơ quan Liên Hợp Quốc về Hỗ trợ và Việc làm cho Người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết hàng nghìn người đang dùng chung lượng vòi sen và nhà vệ sinh ít ỏi, làm bùng phát các bệnh về da như ghẻ, chấy rận.
"Khoảng 2.000 người đang dùng chung một phòng tắm, 500 người chung một nhà vệ sinh", Tamara Alrifai, lãnh đạo ban đối ngoại UNRWA, nói.
Phòng khám của bác sĩ Kahler hàng ngày chứng kiến đám đông 700 người la hét bên ngoài. Ông ước tính đã điều trị cho khoảng 140 trẻ mỗi ngày, một phần nhỏ trong nhu cầu lớn. UNRWA cho hay bước đầu tiên trong ngăn chặn dịch bệnh là cách ly người nhiễm, song phương án này không khả thi do có quá nhiều người.
Haneen Harara, nhà làm phim, nhân viên tổ chức từ thiện Hà Lan, cho hay anh gặp may khi tìm được một ngôi nhà để ở cùng 15 người thân tại Rafah, bởi hàng nghìn người đang phải trú ẩn ngoài trời trong những chiếc lều đẫm nước mưa giữa mùa đông lạnh giá.
"Chúng tôi đang sống trong những căn lều ở Mawasi, Rafah. Chúng tôi có hơn 20 người, thực phẩm, nước uống rất hiếm, nếu có thì rất đắt. Còn vật tư y tế thì hoàn toàn không có", Youssef Abu Kwaik, 23 tuổi, cho biết.
Phóng viên AFP ghi nhận một số người phải mặc đồ bảo hộ sót lại sau đại dịch Covid-19 để tránh rét. Abdulkarim Misbah, 32 tuổi, dựng lều được quyên góp ngay sát biên giới Ai Cập. "4 đứa con của tôi run rẩy vì lạnh, lúc nào cũng ốm yếu", anh nói.
Điện gần như bị cắt hoàn toàn, khiến người Palestine khó nhận thông tin cách quân đội Israel tiếp cận Rafah. Gia đình Kareem hàng ngày sạc điện thoại bằng pin mặt trời tại nhà người bạn. Sóng điện thoại gần như không có, chỉ khả dụng trên hệ thống viễn thông của Ai Cập và Israel.
Tình cảnh càng trở nên tuyệt vọng hơn khi UNRWA cuối tháng trước bị loạt quốc gia ngừng tài trợ, trong đó có Mỹ và Anh, sau khi Israel cáo buộc 12 nhân viên cơ quan này tham gia cuộc tấn công tháng 10/2023 của Hamas.
UNRWA là cơ quan then chốt cung cấp nơi trú ẩn, hoạt động nhân đạo và hạ tầng dân sinh quan trọng cho hai triệu dân Gaza, là một trong số ít tổ chức nhân đạo quốc tế vẫn có thể hoạt động tại dải đất.
"Mọi người đổ về Rafah để ở ngoài đường, theo nghĩa đen. Trên các hội nhóm, đồng nghiệp của tôi cũng hỏi tìm tấm lót nhựa và lều. Nhìn đâu cũng thấy người dân lang bạt trên đường phố, trong những nơi trú ẩn tạm bợ", nhà làm phim Harara mô tả.
Đức Trung (Theo CNN, Guardian, AFP)