Facebook của Koppikar, giáo viên ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, tràn ngập bài đăng của bạn bè về những món ăn phải thưởng thức ngay sau khi hết thời hạn cách ly, từ sữa lắc caramel mặn hay burger phô mai feta cùng với trứng rán, cho đến bơ ăn kèm khoai lang chiên. Nhưng với Koppikar, mọi thứ sẽ không thể đơn giản trở lại bình thường như trước khi Covid-19 xuất hiện.
Koppikar đến từ Woodbridge, bang Virginia, Mỹ, nhưng đã chuyển tới sống ở Trung Quốc 4 năm. Cô đang du lịch ở Australia và New Zealand khi nghe tin Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, thành phố cách nơi cô sống khoảng hơn 800 km về phía tây, hồi cuối tháng một.
"Tôi liên tục nhận được thông báo từ đại sứ quán Mỹ khuyến cáo công dân rời Trung Quốc. Nhưng gần tới ngày tôi quay lại, nhiều đồng nghiệp của tôi quyết định không trở về cho tới khi Covid-19 lắng xuống. Họ nói rằng 'không nơi nào khác ngoài Trung Quốc được an toàn'", Koppikar cho biết.
Khi biết tất cả người nhập cảnh Trung Quốc đều phải tự cách ly tại nhà, Koppikar thấy hơi lo lắng. "Giả sử tôi cần ra ngoài thì sao? Tôi sẽ kiếm thực phẩm bằng cách nào? Nhưng một người nước ngoài khác cũng phải cách ly thuyết phục tôi rằng mọi thứ vẫn có thể xoay xở được. Cô ấy nói với tôi 'bạn chỉ cần ở trong căn nhà đầy đủ tiện nghi của mình và họ sẽ mang thức ăn và mọi đồ cần thiết khác cho bạn'", Koppikar kể.
Koppikar muốn được quay lại dạy học, nhưng cô và các đồng nghiệp không thể tới trường khi chưa hoàn thành hai tuần cách ly. Là một nhà hoạt động nhân quyền, cô cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người có cuộc sống bấp bênh khác, như người tị nạn hoặc lao động trái phép.
"Tôi xem 14 ngày cách ly giống như một thử thách tâm lý và tinh thần. Tôi đã viết nhật ký về cuộc sống của mình trong những ngày này trên trang web Afro", Koppikar kể.
Ngày 22/2, Koppikar kết thúc 14 ngày cách ly. Trái với tưởng tượng của cô trước đó, khoảng thời gian này trôi qua một cách khá dễ dàng và không có cảm giác bị giam cầm.
"Trước đó tôi nghĩ tổ dân phố sẽ đến và dùng băng keo bịt chặt cửa nhà tôi lại, nhưng hóa ra nó chỉ được dán bằng một tờ giấy niêm phong mỏng. Nếu tôi mở cửa ra ngoài, tờ giấy sẽ rách và họ sẽ biết tôi vi phạm quy định cách ly", cô nói.
Tuy nhiên, dù đã hết cách ly gần 40 ngày, Koppikar vẫn cảm thấy cuộc sống của cô chưa thể trở về như trước. Mặc dù Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc từ cuối tháng 12/2019 và số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân cho đến giữa tháng 2, người dân nơi đây mất ba tháng để bắt đầu trở lại nhịp sống như trước.
Ngày đầu tiên hết cách ly, trước khi có thể đi bất kỳ đâu, Koppikar phải tới gặp ban quản lý tòa nhà để nộp bản khai chỉ số thân nhiệt trong 14 ngày và kiểm tra lại thân nhiệt một lần nữa, sau đó nhận giấy chứng nhận không nhiễm nCoV.
"Tôi đủ điều kiện nhận được một 'mã xanh' trên điện thoại để có thể vào cửa hàng tạp hóa và tham gia giao thông công cộng. Mã này sẽ chuyển sang đỏ nếu tôi rời khỏi thành phố và tắt GPS", cô chia sẻ và thêm rằng bảo vệ tòa nhà cũng không còn quá khắt khe trong việc kiểm tra thân nhiệt mỗi khi cô ra vào khu chung cư.
Điều khiến Koppikar háo hức nhất là có thể đến cửa hàng tạp hóa. Khi cách ly, cô thường phải nhắn tin nhờ một trợ lý ở trường mua hộ đồ tạp hóa, còn tổ dân phố sẽ mang thực phẩm tới cho cô ba ngày một lần.
Nhưng trái với mong đợi của Koppikar, các kệ hàng gần như trống trơn nên cô không còn lựa chọn nào khác ngoài phải mua những thứ mình không thích, như bơ mặn và sữa chua có đường.
"Tôi thèm một ly sô cô la nóng Signature của Starbucks, nhưng chuỗi cửa hàng này giờ chỉ bán mang về. Nhưng như thế khi về đến nhà, sô cô la sẽ nguội mất. Tôi cũng không thể đứng uống bên ngoài cửa vì ghế ngồi đã bị dọn rồi", Koppikar chia sẻ.
Hầu hết bạn bè của cô đều đang ở quê nhà hoặc cũng đang phải cách ly ở đây nên cô không thể gặp họ. Ngược lại, họ cũng không thể tới gặp cô bởi khu chung cư không cho phép người lạ vào. "Dù đã hết thời gian cách ly, tôi vẫn thấy mình bị cô lập", Koppikar buồn rầu nói.
Ngay khi biết tin nhà hàng Italy có tên Mammamia trong khu phố bắt đầu bán hàng mang về, cô đã đặt một chiếc pizza, bánh mì tỏi và salad rau xà lách rocket. Nhưng việc nhận đồ ăn cũng không dễ dàng, khi người giao hàng bị chặn ở cổng chung cư và Koppikar khó khăn lắm mới thuyết phục được bảo vệ để nhận đồ ăn. Tới lúc này, những món ăn yêu thích của cô cũng đã nguội ngắt.
Trường học của Koppikar vẫn duy trì dạy trực tuyến. Tuy nhiên, một số nhà hàng đã hoạt động trở lại sau khi được chính quyền tỉnh chấp thuận. Mammamia giờ cũng bắt đầu phục vụ tại nhà hàng, nhưng phải kiểm tra kỹ lưỡng từng nhà cung cấp thực phẩm, đo thân nhiệt cho nhân viên và yêu cầu họ đeo khẩu trang, găng tay khi phục vụ. Khách hàng cũng phải đeo khẩu trang trừ lúc ăn. Các bàn ăn được xếp theo khoảng cách an toàn. Trung tâm thương mại đã mở cửa, nhưng đóng vào 20h thay vì 22-23h như trước, để có thời gian dọn dẹp và khử trùng.
Ngày 28/3, chính quyền Bắc Kinh thông báo cấm nhập cảnh với hầu hết khách nước ngoài để ngăn chặn làn sóng ca nhiễm nCoV "ngoại nhập".
Nhưng khi chưa kịp vui mừng vì nhịp sống bình thường đang dần quay lại ở Trung Quốc và sắp được trở lại trường, Koppikar đau lòng nhận ra quê hương Mỹ của cô đang phải đối mặt với câu chuyện tương tự.
"Tôi cầu nguyện cho người mẹ 82 tuổi của mình khi bà phải đối mặt với cuộc sống cô lập ở Florida và nằm trong nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tôi thấy thương xót cho gia đình của hơn 6.000 người tử vong vì nCoV, cũng như hơn 245.000 người khác đang phải chiến đấu vì mạng sống của họ. Tôi cũng lo lắng cho những người bạn là nhân viên y tế khi họ thiếu đồ bảo hộ và phải khổ sở tìm nguồn cung cấp mới", Koppikar chia sẻ.
Cô cho rằng sẽ cần có nhiều thời gian hơn để quay lại nhịp sống bình thường, nhưng chắc chắn mọi thứ sẽ không hoàn toàn giống như trước khi Covid-19 xuất hiện. Theo Koppikar, giờ là lúc mọi người tìm cách bù lại khoảng thời gian đã mất vì dịch, như việc cô phải chạy đua để đảm bảo chương trình dạy cho học sinh và các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Tuy nhiên, đại dịch cũng giúp cô nhìn ra nhiều cơ hội về việc áp dụng phổ biến việc dạy học trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa, cũng như hy vọng nhiều công ty nhận ra tầm quan trọng của việc cung cấp bảo hiểm và tạo điều kiện nghỉ ốm cho nhân viên.
Koppikar thêm rằng đại dịch đã giúp mọi người rút ra một bài học rằng không ai là một ốc đảo riêng lẻ mà cần có cộng đồng, đồng thời giúp mọi người không chùn bước trước khủng hoảng.
"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn phải cố gắng hết sức. Giống như câu người Trung Quốc hay động viên nhau là 'Jiayou', nghĩa là 'Gắng lên'", Koppikar nói.
Thanh Tâm (Theo CNN)