Sáng 24/12, trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn hai, ông Thông, cựu cán bộ công an, là người duy nhất bị cáo buộc Che giấu tội phạm.
Theo cáo buộc của VKS, ông Thông không hứa hẹn trước nhưng đã hướng dẫn Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa, đã bị xét xử ở giai đoạn 1) khai báo gian dối để thoát tội.
>> Mức án VKS đề nghị với 17 bị cáo
Khi được tòa cho trình bày lại hành vi phạm tội, ông Thông nói "không phải tư vấn mà chỉ là những câu chuyện bình thường của anh em trong bữa ăn". Bị cáo 49 tuổi không phủ nhận các cáo buộc của cơ quan công tố song trả lời không nhớ gì "về bữa ăn hôm đó với Tuấn".
Khi đại diện VKS đưa chứng cứ buộc tội, ông Thông cho hay "đã sực nhớ lại".
"Thế bị cáo đã tư vấn những gì trong bữa ăn đó cùng Tuấn và các anh em khác. Chốt vấn đề như thế nào?", chủ tọa hỏi.
Ông Thông khai không nói trực tiếp với Tuấn mà tất cả anh em tại bữa ăn cùng "bàn tán, nói ra nói vào". Chủ đề chính xoay quanh việc Tuấn nhận tiền "của ai đó" rồi trả lại.
Một lần nữa thấy Thông khai vòng vo, chủ tọa lập tức ngắt lời, nói: "Bị cáo không những che giấu tội phạm mà còn xin cơ quan điều tra cho Tuấn hoãn lại thời gian làm việc. Bị cáo cũng giúp Tuấn chạy một vài giấy cấp phép chuyến bay. Bởi thế bữa tiệc đó không phải ngẫu nhiên nên đừng tưởng thích khai thế nào cũng được".
Cho rằng ông Thông vẫn không khai trực tiếp vào câu hỏi, chủ tọa nêu lại lời khai ông đã trình bày tại cơ quan điều tra.
Theo đó, ngày 19/7/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo triệu tập Tuấn đến làm việc vào hôm sau. Sau khi bàn bạc, ông Thông gọi điện đến Cục An ninh điều tra giới thiệu "đang công tác tại Cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương" đề nghị điều tra viên cho Tuấn được lùi thời gian làm việc vào ngày khác.
10 ngày sau, ông Thông lại gặp Tuấn cùng một số người khác tại quán ăn gần trụ sở Bộ Công an với mục đích hướng dẫn khai báo theo hướng có lợi khi làm việc với cơ quan điều tra.
Trong bữa ăn đó, Tuấn thừa nhận đã cầm hơn 10 tỷ đồng của Phạm Bích Hằng (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinamichi, bị can tại giai đoạn một của vụ án "chuyến bay giải cứu") để đưa hối lộ cho những người có thẩm quyền và xin thủ tục tổ chức chuyến bay.
Ông Thông và những người có mặt cùng thảo luận rồi thống nhất Tuấn không được khai về số tiền nhận của Hằng để đi đưa hối lộ. Ông Tuấn cần khai gian dối rằng đã "trả lại hết cho Hằng bằng tiền mặt". Những nội dung khác Tuấn cứ khai "không biết" để về suy nghĩ, trả lời sau với mục đích tìm cách khai theo hướng khác.
Ngày 3/8/2022, Tuấn và Phạm Bá Sơn (lao động tự do, đã bị xét xử ở giai đoạn một) đến Cục An ninh điều tra Bộ Công an làm việc và đã khai báo gian dối về hành vi như đã được hướng dẫn. Hai tháng sau, Tuấn trốn khỏi nơi cư trú khiến công an không thi hành được quyết định khởi tố bị can, tạm giam.
Ngày 25/11/2022, Tuấn bị bắt tại Thừa Thiên - Huế và sau đó vẫn tiếp tục khai báo gian dối nhằm che giấu hành vi phạm tội. "Việc này gây khó khăn, cản trở rất lớn cho công tác điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Tuấn và đồng phạm", Cơ quan An ninh đánh giá.
Sau khi công bố bút lục trên, chủ tọa hỏi: "Tôi biết bị cáo là cán bộ công an nhưng sự thật phải khách quan là bị cáo nhận thức thế nào về hành vi phạm tội?".
Bị cáo Thông cho hay là cán bộ công an được đào tạo bài bản trong ngành nhưng "chỉ vì câu chuyện anh em mà đã mất hết". Ông xin nhận các sai phạm và mong tòa xem xét cho có cơ hội để sửa chữa sai lầm.
Ngoài sai phạm bị xét xử, cơ quan điều tra còn cho rằng Thông từng tác động Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an giúp công ty của Tuấn sớm có văn bản đồng ý cho tổ chức chuyến bay. Tháng 7-9/2021, ông Thông cũng giúp Tuấn can thiệp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhưng bất thành.
Bị cáo Tuấn hôm nay được triệu tập đến phiên tòa song bị cách ly suốt thời gian xét hỏi. Khi được dẫn giải vào phòng xử, chủ tọa hỏi về các vật chứng bị thu giữ, không hỏi về tình tiết liên quan ông Thông. Khi Tuấn xin được trình bày thêm, chủ tọa ngắt lời và cho rằng mọi hành vi liên quan ông Thông đã rõ và hỏi xong.
Trước đó, tại giai đoạn 1 vụ án, Tuấn bị phạt 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 2 năm tù tội Đưa hối lộ, tổng hợp 18 năm tù. Tuấn không bị xử lý thêm tội danh ở vụ án giai đoạn hai này.
Chiều 24/12 khi công bố bản luận tội, đại diện VKSND Hà Nội cho rằng cần giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, khắc phục hậu quả và các bị cáo không hưởng lợi.
Trong đó, ông Thông được đề nghị 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng bị đề nghị 7-8 năm tù về tội Nhận hối lộ, 5-6 năm do Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tổng hình phạt 12-14 năm.
Các bị cáo ở nhóm tội Nhận hối lộ bị đề nghị từ 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo tới 2-3 năm tù. Trong nhóm 10 người ở tội Đưa hối lộ, người bị đề nghị thấp nhất 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và cao nhất là 3-4 năm tù.
Ngày mai, toà tiếp tục làm việc với phần tranh luận.
Thanh Lam - Phạm Dự